Bên cạnh di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh còn có một kho báu vô giá khác là di sản văn hóa của 22 dân tộc sinh sống trên mảnh đất này hàng ngàn năm qua.

Hơn 600 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh

Theo Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Ninh, tính đến tháng 6/2017, toàn tỉnh có 609 di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh. Trong đó có 4 khu di tích quốc gia đặc biệt, 54 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 79 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 472 di tích kiểm kê, phân loại, trong đó không ít di tích nằm ở các huyện miền núi, biên giới và có nhiều đồng bào dân tộc.

Trong đó, đặc biệt có Vịnh Hạ Long 2 lần được Tổ chức UNESCO tôn vinh di sản thiên nhiên thế giới. 4 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, gồm: Thắng cảnh Vịnh Hạ Long (đợt 1, năm 2009), Di tích và danh thắng Yên Tử, Di tích lịch sử Bạch Đằng (đợt 3, năm 2012) và Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều.

Ngoài ra cả tỉnh có gần 500 di tích lịch sử, văn hoá, nghệ thuật... gắn với nhiều lễ hội truyền thống, trong đó có những di tích nổi tiếng như đền Cửa Ông (Cẩm Phả), Đình Trà Cổ (Móng Cái), chùa Long Tiên (TP Hạ Long), Đệ tứ chiến khu Đông Triều, đình Quan Lạn, chùa Cái Bầu - Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm (Vân Đồn).

Di tích văn hóa nổi bật, gồm: di tích văn hóa Yên Tử, bãi cọc Bạch Đằng, Đền Cửa Ông, Đình Quan Lạn, Đình Trà Cổ, núi Bài Thơ...

Di tích lịch sử nổi tiếng, gồm: Bãi cọc Bạch Đằng, Thương cảng Vân Đồn, Khu quần thể di tích lăng các vua Trần, Quần thể di tích danh thắng Yên Tử.

363 di sản văn hóa phi vật thể

Cũng theo thống kê của Sở VH-TT, Quảng Ninh có 363 di sản văn hoá phi vật thể, trong đó có 76 lễ hội dân gian truyền thống, 4 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Nổi bật là điệu hát Then của đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Các làn điệu Then nổi tiếng gồm Then cầu chúc, Then giao duyên và Then ca ngợi quê hương, đất nước, con người… Ngoài ra, từ những năm 60 của thế kỷ XX trở lại đây, còn xuất hiện loại hình “Diễn xướng Then văn nghệ”, là hình thức diễn xướng văn nghệ thông thường, được tách ra từ một bộ phận của diễn xướng Then nghi lễ.

{keywords}
Một lớp học hát Then - đàn Tính

Bên cạnh hát Then, các loại hình nghệ thuật diễn xướng khác ở Quảng Ninh cũng rất phong phú bao gồm: Hát đối, hát giao duyên trên thuyền của cư dân làng chài Cửa Vạn (TP Hạ Long), Thắng Lợi (huyện Vân Đồn), hát đúm ở đảo Hà Nam (TX Quảng Yên), Hát Soóng cọ của người Sán Chỉ (huyện Bình Liêu và Tiên Yên); hát dân ca Dao (ở Hoành Bồ và Uông Bí); hát nhà tơ, hát - múa cửa đình ở Vạn Ninh (TP Móng Cái), Đoàn Kết (Vân Đồn), xã Đầm Hà (huyện Đầm Hà)...

Điểm sáng bảo tồn phục dựng các di sản văn hóa

Trong những năm qua, Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Ninh đã phối hợp với Hội Văn nghệ dân gian tỉnh tích cực vào cuộc trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc. Đến thời điểm hiện tại, đã hoàn thành việc sưu tầm, khảo cứu và xuất bản công trình “Một số vấn đề về người Dao Quảng Ninh”, “Phong tục và nghi lễ vòng đời của người Sán Dìu Quảng Ninh”.

Quảng Ninh cũng là một điểm sáng trong công tác trùng tu, tu bổ di tích, nhất là việc huy động nguồn vốn xã hội hoá; không chỉ với di tích còn với cả phế tích. Tiêu biểu nhất phục hồi đình và lễ hội đình Lục Nà của đồng bào Tày (xã Lục Hồn, Bình Liêu), đình Đồng Đình (xã Phong Dụ, Tiên Yên), thành công phục dựng các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Lồng tồng ở Thanh Lâm (Ba Chẽ)...

{keywords}

Không để di sản là vật chết, Quảng Ninh đã đưa việc khai thác bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống vào trong đời sống nông thôn làng xã, các trò chơi dân gian trong các lễ hội và thậm chí đưa cả vào trường học. Nhiều câu lạc bộ hát dân ca đã ra đời.

Bên cạnh phục dựng lễ hội truyền thống, Quảng Ninh còn tổ chức các lễ hội hiện đại quảng bá các giá trị truyền thống như: Lễ hội Canaval Hạ Long, Lễ hội Hoa sở (Bình Liêu), lễ hội Trà hoa vàng (Ba Chẽ), lễ hội văn hoá các dân tộc vùng Đông Bắc (tại Tiên Yên)…

Nhiều di sản văn hoá phi vật thể các dân tộc Quảng Ninh cũng được Sở VH-TT và các địa phương phối hợp với Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng như: “Hát Soóng cọ” của người Sán Chỉ, “Hát Then - đàn Tính” của người Tày ở Bình Liêu, “Hát dân ca” và “Lễ cấp sắc” của người Dao ở Hoành Bồ , “Lễ Đại Phan” của người Sán Dìu, “Lễ hội cầu mùa” của người Sán Chỉ, “Lễ hội đình Làng Dạ” huyện Ba Chẽ, “Lễ hội đình Tràng Y” huyện Đầm Hà…

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh: Biến di sản văn hoá thành nguồn động lực vững chắc, tiềm năng phát triển kinh tế là cách bảo tồn và phát huy tốt nhất. Điều này cần sự chung tay vào cuộc của ngành văn hoá, các hội văn nghệ dân gian, lực lượng biên phòng, Ban Xây dựng Nông thôn mới, các địa phương và toàn xã hội.

D.Minh (tổng hợp)