Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền cho rằng con rùa tương truyền là con vật gây nên lũ lụt, tôn sùng con rùa quá mức khác nào cầu mong cho lũ lụt.


Liên quan tới đề xuất đúc tượng rùa bằng chất liệu đồng, vàng nặng 10 tấn đặt ở Hồ Gươm, nhà nghiên cứu văn hoá Trần Lâm Biền cho hay ông không ủng hộ việc này bởi nếu muốn đề cao con rùa là thủy tổ của Quốc gia, các thế hệ ông cha ta đã làm rồi, không phải chờ tới bây giờ.

{keywords}
Mô hình tượng rùa vừa được đề xuất.

Lý giải về lý do không đồng tình, GS Trần Lâm Biền phản đối việc báo chí hay dùng từ 'cụ rùa'. Với ông, rùa là con vật, không có 'cụ rùa' nào cả.

"Ở Chèm (Hà Nội) sự tích rằng ông Thánh đứng ở sông, một chân bên này sông, một chân bên kia sông ông thò tay xuống bắt con rùa xong ông chém ra làm 3, thành 3 quả đồi. Đó là sự tích. Nhưng rõ ràng rằng, 3 quả đồi đó thúc vào dòng sông gây ra vỡ đê. Trong nhận thức của người xưa, con rùa, con rắn là 2 con thuỷ quái gây nên lụt lội.

Đền Quan Thánh, Đền Huyền Thiên Trấn Vũ, ông thần lấy kiếm chọc vào lưng con rùa để ông trị rùa, tức trị lũ lụt. Hồ Gươm thời trước kia, xung quanh còn đầy ruộng, ruộng trũng. Trong hình thức sống chung với lũ lụt thì con người coi con rùa dù có hại nhưng phải sống chung.

Ở Đền Thánh Gióng (Hà Nội) có ông Thánh dẫm chân lên rắn, để chống lũ lụt", ông Trần Lâm Biền lý giải.

Vậy nên, theo GS Trần Lâm Biền, việc không thể triệt tiêu được rùa người dân đành sống chung với rùa. Thế nhưng việc đó hoàn toàn khác với việc vì sống hoà thuận với việc phá hoại của rùa mà chúng ta lại coi rùa là thuỷ tổ của Việt Nam.

"Trừ những con rùa hoá thân thành tối thượng thần, như thần Kim Quy lại khác. Chứ rùa ở Hồ Gươm là biểu tượng sống chung với lũ lụt. Không thể tôn sùng quá mức. Như thế chẳng khác nào cầu mong cho lũ lụt? Văn hoá nông nghiệp của Việt Nam coi nông nghiệp là sinh khí, sinh khí thì phải từ trên trời, sao không lấy con rồng con phượng là hình ảnh của Quốc gia mà lại là con rùa? Rùa toàn đội bia, đội hạc... những thứ không được để lên cao mà lại có đề xuất là biểu tượng của Quốc gia thì buồn cười. Sao không lấy con trâu ấy vì biểu tưởng của nông nghiệp mà".

Theo ông Trần Lâm Biền, trong tứ linh thì đều có mặt hại, mặt lợi nhưng với con rùa, mặt hại là điển hình hơn mặt lợi. Việc đặt cái gì ở Hồ Gươm bây giờ đều phải cân nhắc cẩn thận chứ không phải cứ muốn đặt gì cũng được. "Có đề xuất gì cũng phải cân nhắc trước khi đề xuất chứ. Không đề xuất linh tinh", GS Biền nói thêm.

T. Lê