"'Chửi' ai chưa biết nhưng khi dựng vở, ngoài việc muốn xem hay, hấp dẫn, có thông điệp, đôi chút lãng mạn thì đặc biệt khán giả thích vở của chúng tôi phải 'chửi', 'chửi' theo kiểu phê phán một cái gì đó thật mạnh mẽ, dù báo chí đã làm mạnh lắm rồi", NSƯT Chí Trung chia sẻ.

{keywords}
Chí Trung trong chương trình Táo quân

Nhà hát Tuổi trẻ vừa hoàn thành và cho ra mắt vở diễn "Lời nói dối cuối cùng", kịch bản của cố nhà văn Lưu Quang Vũ và công bố dự án "Chắp cánh niềm tin - kết nối tương lai" - mang vở diễn tới tất cả các tỉnh thành trên cả nước với kinh phí lên tới 4 tỷ đồng. Nhân dịp này NSƯT Chí Trung đã có những chia sẻ rất thật xung quanh chuyện làm nghề và quá trình dựng vở.

"Lời nói dối cuối cùng" vở kịch do đạo NSND Phạm Thị Thành dàn dựng cho lớp diễn viên tài năng của Nhà hát Tuổi trẻ ngày ấy như Lê Khanh, Lan Hương, Chí Trung, Đức Hải... được công diễn vào tháng 12/1985 và được khán giả đón nhận mạnh mẽ.

{keywords}
Cảnh trong 'Lời nói dối cuối cùng'.

Hỏi NSƯT Chí Trung lý do tại sao hay chọn kịch bản của Lưu Quang Vũ để dựng, có phải bởi cái tên Lưu Quang Vũ đã là vé đảm bảo để vở diễn được chú ý ngay từ đầu?

Anh chia sẻ: "Khi đọc kịch bản, dù đã hơn 30 năm nhưng vở diễn với những thông điệp vẫn đúng, đủ bởi bản thân trong vở diễn đã hội đủ tính thông điệp, dự báo. Đặc biệt vở diễn kết cấu chặt chẽ, nhân vật xuất hiện có số phận, có sự tươi sáng, cái kết mang lại hạnh phúc đủ đầy cho người xem và người diễn. Ngày xưa khán giả cái gì cũng xem, miễn là của Lưu Quang Vũ và của Nhà hát Tuổi trẻ. Nhưng bây giờ khán giả khó tính hơn nhiều. Họ có nhiều lựa chọn, kể cả ngồi nhà không mặc gì họ cũng xem được cả thế giới. Nên tôi rất hiểu khán giả trẻ của tôi hiện nay, họ không chỉ muốn xem hay, hấp dẫn, có thông điệp, đôi chút lãng mạn và đặc biệt là họ muốn chúng tôi 'chửi', 'chửi' ai không biết nhưng cứ phải 'chửi', kiểu phê phán một cái gì đó thật mạnh mẽ, mặc dù báo chí đã làm.

Kịch bản văn học rất hay, từng lời văn có thơ mà từng lời thơ hàm ý văn học, giàu tính biểu tượng. Nói thế thôi, hay thì rất hay nhưng khi bắt tay vào làm lại khó vô cùng. Vì là vở cổ, với câu chuyện cổ xoay quanh nhân vật Cuội, Bờm, Lụa. Mà những câu chuyện cổ bây giờ đâu tiếp cận được với khán giả, nhất là khán giả trẻ. Chưa kể áp lực với tôi là phải giữ nguyên được nguyên tác. Thực ra là tôi tự gây áp lực cho mình. Tôi luôn muốn giữ hết mức nguyên tác của tác phẩm chứ không như nhiều đạo diễn khác là xé toang tác phẩm ra, chỉ lấy cái tên. Nên vấn đề đưa những thứ hấp dẫn khác, có điểm nhấn vào tác phẩm khiến tôi đau đầu. Lần này tôi đã nhớ tới nhạc sĩ Quốc Trung phụ trách âm nhạc dân gian cho tôi, anh đã đưa hip hop, rap vào", NSƯT Chí Trung chia sẻ.

Vẫn là Chí Trung với lối dàn dựng tác phẩm như một 'nồi lẩu thập cẩm' nhưng các vị đưa vào đều hài hòa? -  PV hỏi. Đạo diễn Chí Trung cho biết: "Tôi luôn luôn lắng nghe xem khán giả của mình thích gì, tôi làm chiều theo khán giả. Hôm sơ duyệt, khán giả 600 người không ai bỏ về, duy chỉ có một cặp vợ chồng trẻ, tôi chạy ra hỏi ngay, lý do họ về là con họ khóc quá. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Những bài đồng dao kiểu Bờm, Cuội nhạc sĩ Quốc Trung đã biến thành đọc hip hop. Nếu cứ để khán giả xem một vở cổ mà không đưa hơi thở thời đại vào thì làm sao giữ chân được họ lâu. Phần âm nhạc cũng được đầu tư nhiều nhất với tác phẩm sân khấu, bình thường chỉ 30 triệu đồng nhưng tôi đầu tư lên tới 50 triệu đồng".

"Lời nói dối cuối cùng" sẽ ra mắt ngày 17/9 tại Nhà hát Tuổi trẻ.

T.Lê