Trong gần 5 năm, tổng mức vốn huy động cho xây dựng nông thôn mới trên cả nước đạt 851.854 tỷ đồng, trong đó vốn các DN hỗ trợ trực tiếp đạt 4,9%, tương đương 20.408 tỷ đồng.

DN tích cực hỗ trợ xây nông thôn mới

Ngày 30/11/2017 Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Diễn đàn "Doanh nghiệp, doanh nhân đối với phong trào Khởi nghiệp trong xây dựng nông thôn mới".

Theo ông Ngô Tất Thắng - Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, trong gần 5 năm của giai đoạn 1 (2010 - 2015), tổng mức vốn huy động cho xây dựng NTM trên cả nước đạt 851.854 tỷ đồng, trong đó vốn các DN hỗ trợ trực tiếp vào xây dựng nông thôn mới đạt 4,9%, tương đương 20.408 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2, nguồn lực hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách đã được Quốc hội phê duyệt, tăng lên trên 193.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương đáp ứng gần 63.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh suy thoái của nền kinh tế, hầu hết các DN đều gặp khó khăn nhưng đã có những đóng góp tích cực vào xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi cơ cấu sản xuất và tư duy phát triển nông nghiệp nhiều vùng nông thôn. Nhiều DN giúp tạo thêm việc làm cho hàng trăm ngàn lao động nông thôn với thu nhập ổn định.

Các DN đã chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, bao tiêu sản phẩm, tham gia tích cực phát triển chuỗi giá trị, khai thác tốt hơn và nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, tăng thu nhập… xa hơn nữa là góp phần tích cực thúc đẩy tích tụ ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đào tạo nên một đội ngũ nông dân chuyên nghiệp hơn.

{keywords}
 


Bên cạnh đó, DN hỗ trợ xây dựng nông thôn mới bằng vật liệu làm đường giao thông, xây nhà văn hóa, trường học, sân thể thao, tham gia tích cực công tác an sinh xã hội, xóa nhà tạm cho người nghèo và gia đình chính sách, hỗ trợ người nghèo bằng ủng hộ giống cây trồng, vật nuôi...

Tạo điều kiện DN khởi nghiệp trong xây dựng nông thôn mới

Tại diễn đàn, các ý kiến cũng cho rằng, trong nhiều năm, DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn ít. Bên cạnh những tập đoàn lớn tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thì phần lớn các doanh nghiệp nông nghiệp ở Việt Nam còn rất nhỏ. Ngoài ra, vẫn còn không ít chính sách chưa phù hợp hoặc thủ tục hành chính rườm rà gây khó khăn cho doanh nghiệp nông nghiệp phát triển…

Các diễn giả, nhà khoa học và các đại biểu đã có những tham luận cụ thể liên quan đến DN khởi nghiệp như: Phát triển DN nông nghiệp trong tiến trình cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; Cơ chế chính sách hỗ trợ DN tư nhân trong xây dựng nông thôn mới; Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong nông nghiệp; Kinh nghiệm thực tiễn từ một DN khởi nghiệp tại tỉnh Hòa Bình; Hệ sinh thái khởi nghiệp của Isarel trong nông nghiệp…

Để thu hút hơn nữa DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, khuyến khích phát triển phong trào khởi nghiệp trong xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, diễn đàn đã đề cập đến một số vấn đề về chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN: Chính sách về đất đai; Hỗ trợ mạnh hơn vào hạ tầng cơ bản cho các dự án đầu tư vào các sản phẩm chủ lực quy mô lớn; Gói tín dụng riêng ưu đãi cho các DN đầu tư vào nông nghiệp; Hỗ trợ một phần phí bảo hiểm nông nghiệp (lần đầu) cho DN; Đối với DN khởi nghiệp cần có thêm chính sách hỗ trợ cho đầu tư ứng dụng khoa học - kỹ thuật, xúc tiến thương mại; Hỗ trợ DN chi phí đào tạo nghề của DN, đào tạo nông dân tham gia vào liên kết sản xuất với DN;…

Diễn đàn nhấn mạnh cần quan tâm nhiều hơn nữa đến việc cải cách các thủ tục hành chính còn đang làm khó cho DN nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích sự chủ động, tích cực của DN đối với Phong trào khởi nghiệp trong xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, sau gần 7 năm thực hiện, cả nước đã có 2.853 xã (31,96%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, đã có khoảng 295 xã được công nhận đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016-2020 (vượt mục tiêu năm 2017 có ít nhất 31% số xã đạt chuẩn), tăng 493 xã (5,52%) so với cuối năm 2016; bình quân đạt 13,69 tiêu chí/xã.

Đồng thời, cả nước có 41 đơn vị cấp huyện thuộc 24 tỉnh, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 11 huyện so với cuối năm 2016 (đạt mục tiêu phấn đấu năm 2017). Dự kiến đến hết năm 2017, có ít nhất 42 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM.

M.M - Thu Trà (tổng hợp)