Đánh giá ý tưởng “tủ sữa mẹ miễn phí” của chị Lê Huyền Trang là tốt, tuy nhiên, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh (BV Nhi Đồng 1), để cho -nhận sữa đảm bảo chất lượng, an toàn cho trẻ bắt buộc phải thông qua bệnh viện sản, nhi chứ tự làm như chị Trang là rất nguy hiểm.

Băn khoăn chất lượng

Sau khi thông tin về “tủ sữa mẹ miễn phí” do chị Lê Huyền Trang (TP.HCM) thành lập xuất hiện, đã có rất nhiều bà mẹ tìm đến với mong muốn được nhận nguồn sữa mẹ về cho con mình. 

Theo chia sẻ của chị Trang, “tủ sữa mẹ miễn phí” hiện có hơn 30 mẹ dư sữa đã nhiệt tình tham gia đóng góp, cho đi gần 100 túi sữa mỗi ngày (mỗi túi khoảng 250ml). Tuy nhiên, việc làm này cũng đã dấy lên nhiều ý kiến, trong đó có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa là không đồng tình.

{keywords}
Những túi sữa được ghi nguồn gốc ngày tháng rõ ràng

Chủ nhân tủ sữa cho hay, trước khi cho ra đời “tủ sữa mẹ miễn phí” chị đã tìm hiểu rất kỹ rồi mới thực hiện. 

“Tôi không cho rằng mình biết hết, nhưng đã dành nhiều thời gian tham khảo kiến thức về y tế. Những gì bác sĩ nói về khả năng nhiễm bệnh qua nguồn sữa mẹ cho, thật sự cũng chính là lo lắng của tôi nên để đảm bảo nguồn sữa an toàn nhất cho các mẹ đến lấy thì tủ sữa này phải qua 4 lớp bảo vệ. 

Thứ nhất người mẹ luôn được phát hiện bệnh khi mang thai và sinh nở rồi; thứ hai là nguồn sữa cung cấp đều là sữa của các mẹ đang cho con mình bú nên đương nhiên các mẹ phải kỹ lưỡng chứ không hời hợt; thứ ba là tôi cho nhân viên đi lấy trực tiếp và xác minh sơ qua để biết liệu rằng sữa đó có an toàn hay không. 

Sau cùng nữa là để sữa không bị rã đông ra trong quá trình đưa sữa về, vẫn giữ nguyên các chất, không hư hại thì sữa đều được bảo quản trong thùng kín, có đá ướp. Tôi nghĩ không có gì là tuyệt đối cả nên cũng không cam đoan tủ sữa của mình là an toàn 100% nhưng dám chắc rằng sữa có chỉ số an toàn rất cao!”, chị Trang chia sẻ.

Trong lúc các ông bố, bà mẹ hồ hởi vì tìm được nguồn sữa mẹ miễn phí thường xuyên thì các bác sĩ lại bày tỏ lo ngại. Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM phân tích, đối với những bà mẹ bận công việc nên vắt sữa vào bình cho con bú thì được, còn việc lấy sữa từ nhiều người rồi phân phát là không nên vì những bệnh như viêm gan B trẻ có thể bị lây nếu như uống nguồn sữa từ phụ nữ mắc bệnh này. 

“Ở các bệnh viện sản, nhi cũng có những chương trình tương tự như tủ sữa mẹ miễn phí. Ở đó, họ làm rất chuyên nghiệp, khi có các chuyên gia tìm hiểu người cho sữa có mắc các bệnh lây qua đường sữa mẹ hay không. Rồi cách bảo quản đảm bảo chất lượng sữa ra sao, chứ không phải cứ cho vào tủ đông là được. 

Trong việc bảo quản sữa, yếu tố nhiệt độ, thời gian lưu trữ đóng vai trò quan trọng. Ngay việc đóng mở tủ lấy sữa cũng cần phải đảm bảo, chứ không phải thích đóng - mở lúc nào cũng được”, bác sĩ Khanh khẳng định.

Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hậu - Trưởng khoa Dinh dưỡng, BV Nhi Đồng 2 nhận xét, đây là việc làm tốt nhưng cần phải đảm bảo những vấn đề là kiểm soát bệnh lý của người cho, chất lượng sữa và vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm của sữa mẹ trữ trong các túi sữa này.

“Chỉ nên thực hiện tại Ngân hàng sữa mẹ, nơi đã được kiểm định đủ điều kiện, đủ trang thiết bị, đủ nhân lực và được tập huấn để lấy, bảo quản, kiểm soát chất lượng, sử dụng sữa an toàn. Ngân hàng sữa mẹ mới có đủ danh nghĩa pháp lý để chịu trách nhiệm cho công việc này, tránh những rắc rối khi có hệ lụy về sức khỏe xảy ra với em bé nhận sữa”, bác sĩ Hậu giải thích.

Cần phối hợp, không nên tự làm

Thành lập “tủ sữa mẹ miễn phí” là việc làm tốt, ý nghĩa. Nhiều bà mẹ đi xin sữa đã tâm sự rằng nếu không có tủ sữa miễn phí của chị Huyền Trang thì không biết phải làm sao. Một khi người mẹ bị bệnh không cho bú được, hay em bé bị dị ứng sữa công thức, không tiếp thu nguồn sữa nào khác ngoài sữa mẹ thì “tủ sữa mẹ miễn phí” từ những người mẹ giàu lòng nhân ái khác chính là cứu cánh.

Mặc dù vậy, theo bác sĩ Khanh, để việc làm này mang lại hiệu quả tốt nhất thì chị Huyền Trang nên liên hệ với các chuyên gia ở bệnh viện sản, nhi để phối hợp cùng họ rồi mới làm. Vừa giúp mọi người, vừa đảm bảo an toàn cho trẻ khi nhận sữa, không nên làm tự phát như thời gian vừa qua.

{keywords}
Chất sữa vào tủ lạnh sau khi lấy về từ người cho sữa

Đem ý kiến của bác sĩ Khanh trao đổi cùng chị Huyền Trang thì được chị cho biết, cách đây mấy tháng chị Trang cũng đã hỏi qua vài bác sĩ quen. “Mặc dù rất thích nhưng điều kiện lại không cho phép vì công việc của các bác sĩ vốn dĩ đã rất bận rồi. Họ chỉ có thể tham vấn cho tôi thôi. Nếu tôi có được sự phối hợp của bệnh viện, bác sĩ thì tốt quá. Có thể huy động được nhiều sữa hơn cũng như các con có được nguồn sữa đảm bảo hơn”, chị Trang bày tỏ.

Trong lúc chờ có được sự đồng hành, chị Trang cho biết “tủ sữa mẹ miễn phí’ vẫn sẽ tiếp tục hoạt động. Chị sợ nếu bỏ đi thì những em bé cần sữa mẹ sẽ không được hưởng nguồn sữa mẹ quý giá, trong khi sữa bò không uống được, sữa mẹ lại không có để uống.

“Nhiều mẹ tâm sự có tủ sữa này rồi họ không còn lo lắng nữa vì việc tự đi xin sữa lúc trước khi có, khi không. Có mẹ phải lặn lội mấy chục cây số để xin sữa, rất cực. Niềm vui của các mẹ sẽ là động lực cho tôi tiếp tục thực hiện”, chị Trang nói.

Võ Quỳnh - Thạch Quý