Theo Ủy ban ATGT quốc gia, mỗi năm Việt Nam có 15.000 người chết vì tai nạn giao thông, riêng năm 2017 số vụ tai nạn giao thông tuy giảm nhưng vẫn ở mức báo động với hơn 20.000 vụ, khiến hơn 8.000 người tử vong.

{keywords}
 

Tai nạn giao thông đã trở thành vấn nạn, nỗi đau, ám ảnh đối với gia đình, xã hội. Đằng sau những con số báo động trên là hàng chục ngàn nỗi đau mất người thân, mất đi trụ cột gia đình và hàng trăm ngàn người vì tai nạn mà trở thành tàn phế, trở thành gánh nặng cho xã hội.

Nỗi đau ám ảnh của tai nạn giao thông

Dù đã nhiều năm trôi qua nhưng Hà Văn Mến (23 tuổi, Yên Thế, Bắc Giang) vẫn không thể quên được vụ tai nạn kinh hoàng đã làm thay đổi cả cuộc đời mình. Cách đây 5 năm, vào tháng 12/1010, trong buổi liên hoan vui vẻ cùng bạn bè, Mến và bạn đã uống rất nhiều rượu bia. Tan cuộc, hai  người chở nhau về bằng xe máy, Mến ngồi sau. Nhưng chỉ rời đi được chừng 3km từ điểm xuất phát, người bạn cầm lái đã không làm chủ được tốc độ, đâm phải một vật cản khiến cả hai ngã xuống đường.

Người bạn kia bị gãy tay, còn Mến nằm bất tỉnh được chuyển thẳng lên bệnh viện Việt Đức trong tình trạng hôn mê. Mất đến 3 ngày, anh mới tỉnh lại. Bác sĩ kết luận, Mến có thể bị liệt tứ chi, do chấn thương ở đốt sống cổ, đốt sống thứ tư. Không thể phẫu thuật do tỷ lệ thành công là 50/50. Mọi sinh hoạt đều phải có người nhà giúp đỡ, từ ăn uống, vệ sinh cá nhân, đều diễn ra tại chỗ.

Gia đình Mến đông con, bố mẹ tuổi đã cao, thu nhập cả gia đình chỉ trông vào vài sào ruộng. Bởi vậy, việc anh bị tai nạn đã khiến cho kinh tế gia đình vốn đã khó khăn lại càng thêm khó khăn.

Mất hơn một năm nằm bất động, bằng các phương pháp phục hồi chức năng, chân và tay Mến bắt đầu có cảm giác cử động được. Mến phải bắt đầu luyện tập từ những điều nhỏ nhất và kéo dài. Cần đến 5 tháng mới có thể ngồi một mình. Thêm 3 tháng để học cách cầm thìa xúc thức ăn và thêm 2 năm tập luyện ở bệnh viện để cử động tay được cơ bản.

Mến nói, anh đã kể câu chuyện của mình hàng chục lần, mỗi lần kể xong đều thấy rất buồn và ám ảnh. “Giá như hôm đó tôi và bạn không uống rượu say quá, giá như tôi gọi điện thoại cho người thân đến đón thì có lẽ tôi đã không trở thành nạn nhân của tai nạn giao thông”, Mến nói.

Tương tự, tai nạn giao thông cũng khiến cuộc đời của anh Nguyễn Quang Tạo (trú ở huyện Việt Yên, Bắc Giang) rẽ sang một hướng khác. Từ một người thanh niên khỏe mạnh, lành lặn, trong một lần tham dự đám cưới tại địa phương, anh Tạo đã điều khiển phương tiện sau khi uống rất nhiều rượu và gặp tai nạn ngay sau đó.

Kết quả là anh bị vỡ đốt sống, hai chân bị liệt, từ một người có công việc với mức lương khá, Tạo mất đi khả năng lao động, trở thành gánh nặng của gia đình.

Sống chủ động để hạn chế tai nạn giao thông

Câu chuyện của anh Hà Văn Mến và anh Nguyễn Quang Tạo chỉ 2 trong số hàng ngàn câu chuyện về hậu quả, nỗi đau do tai nạn giao thông gây ra. Chỉ vì một phú nông nổi cầm lái sau cuộc vui nồng mùi cồn, cả hai đã trở thành những người tàn phế suốt cuộc đời.

Đây cũng là câu chuyện được lựa chọn để chia sẻ trong chương trình “Vì một xã hội an toàn giao thông năm 2018”. Chương trình được triển khai với chủ đề “Câu chuyện của tôi - Bài học của bạn” nhằm giúp nâng cao nhận thức cho sinh viên về nguy cơ của việc lái xe sau khi uống rượu bia và truyền tải thông “Sống chủ động” của Bảo hiểm PTI.

Thông qua câu chuyện đầy ám ảnh, xúc động của hai “tuyên truyền viên” từng là nạn nhân tai nạn giao thông, bảo hiểm PTI đã giúp nâng cao nhận thức cho sinh viên về pháp luật trật tự, an toàn giao thông, những nguy cơ của việc lái xe sau khi uống rượu, bia và những hậu quả nghiêm trọng do hành vi này gây ra, giúp các bạn trẻ thay đổi suy nghĩ, hành vi, chủ động bảo vệ mình và xã hội khi tham gia giao thông. Hơn thế, chính họ sẽ là những công dân tích cực tuyên truyền những tác hại của việc lái xe sau khi uống rượu bia đến người thân, gia đình và bạn bè, góp phần làm giảm thiểu số vụ tai nạn thương tích và nâng cao văn hóa giao thông ở nước ta.

Tại buổi trò chuyện, đồng chí Nguyễn Minh Đức – Phó đội trưởng đội tuyên truyền Công an Thành phố Hà Nội đã cho biết, có đến 70% các hành vi vi phạm luật giao thông thuộc về độ tuổi từ 18 – 35 tuổi. Theo đó, 50% những người được hỏi có biết việc uống rượu bia không được lái xe theo quy định nhưng vẫn cố tình thực hiện. Đây là một trong những lý do làm gia tăng những vụ tai nạn nghiêm trọng tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây. 

Theo đại diện PTI cũng cho biết thêm: PTI là doanh nghiệp bảo hiểm đứng thứ 2 về xe cơ giới, do đó, trên ai hết, PTI hiểu rõ những hậu quả khôn lường của tai nạn giao thông. Thông qua chương trình, PTI muốn chia sẻ bài học thực tế với những bạn trẻ, giúp các bạn có những trải nghiệm thực tế quý báu, cập nhật thêm kiến thức, kỹ năng giao thông cần thiết để chủ động tham gia giao thông một cách văn minh. Trong thời gian tới, PTI và ban tổ chức sẽ tiếp tục mở rộng triển khai chương trình tại nhiều trường đại học tại Hà Nội.

Vũ Minh