{keywords}
 

{keywords}
 

 

{keywords}
 

Hai, ba người phụ nữ xúm lại ép một người đàn bà đang rúm ró vì sợ hãi phải khoác lên người chiếc váy cưới màu đỏ.

Vài người khác lại cố trát lên gương mặt đó một lớp phấn nhưng rồi họ phải dừng lại vì những lớp trang điểm liên tục bị nhòe đi bởi nước mắt… Ngoài sân, tiếng cười nói, tiếng loa đài, tiếng lanh canh của bát đũa khiến lòng người đàn bà càng thêm rối bời.

Đó là ngày người ta tổ chức đám cưới cho bà Vũ Thị Chúc (SN 1962, xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) và người chồng Trung Quốc hơn 20 năm trước.

{keywords}
Giai đoạn 2005-2009, trong số các vụ mua bán phụ nữ, trẻ em, có 60% mua bán sang Trung Quốc, 11% mua bán sang Campuchia, số còn lại mua bán sang Lào, qua tuyến hàng không, tuyến đường biển để bán ra một số nước khác. (Số liệu: Bộ Công an)

 

 
 

Trước khi bị bán sang đây, bà Chúc đã có chồng và một cậu con trai. Họ sống trong một căn nhà nhỏ, đã cũ ở xã Ngọc Tảo.

Chồng bà Chúc - ông Bùi Văn Hải, kém vợ 3 tuổi. Sức khỏe yếu nên cưới vợ xong, ông chỉ quanh quẩn ở nhà, đỡ đần cơm nước cho vợ đi làm đồng.

Năm 1997, nghe lời một người đàn bà trong làng, bà Chúc quyết định rời quê lên phố tìm công việc.

Người hàng xóm này đưa bà Chúc đến một căn nhà rồi bảo bà ở đó rửa bát, làm thuê cho chủ. Trong căn nhà có khá nhiều phụ nữ, đủ mọi lứa tuổi và đến từ nhiều vùng miền.

Chủ ở đây là những người đàn ông cao to lực lưỡng với gương mặt dữ dằn. Họ lùa bà Chúc và những người khác vào một căn phòng rồi khóa trái lại.

6h tối hôm đó, khoảng 30 người phụ nữ được ăn một bữa cơm. Miếng cơm chưa kịp xuôi xuống dạ dày, tất cả lại bị lùa về phòng. Những tiếng thút thít bắt đầu phát ra.

Thế là cả đám người òa lên nức nở. Một người đàn ông hung tợn xuất hiện, dùng chân đạp đầu người khóc to nhất xuống. Tất cả im bặt.

Sáng sớm hôm sau, mặt trời còn chưa ló dạng, tất cả phụ nữ trong nhà được cho ăn. “Bát phở thơm lừng và nóng hổi khiến tôi tỉnh người. Tôi ăn lấy ăn để. Nhưng ăn xong, người tôi cứ xỉu dần đi”, bà Chúc nhớ lại. 

Lúc tỉnh dậy, bà Chúc thấy mình đã ở một nơi xa lạ. Ở đó, không phải chỉ có vài chục mà là hàng trăm phụ nữ Việt Nam.

“Chúng tôi bị lùa vào hàng. Sau đó, một đám đàn ông Trung Quốc đi đến từng hàng, ngó mặt từng người rồi mỗi người chọn lấy một phụ nữ để kéo đi. Có vài người trung tuổi từ chối đi theo đám đàn ông nên bị lôi ra khỏi hàng và đánh”.

Bà Chúc sợ mình sẽ bị đánh đến chết nên khi có một người đàn ông khoảng 40 tuổi chìa tay ra, bà ngoan ngoãn bước theo…

Căn nhà nơi người đàn ông này dẫn bà Chúc về nằm khuất giữa núi rừng, đồng ruộng của tỉnh Quảng Đông. Thấy bà Chúc, cả đám người Trung Quốc đang đợi ở nhà xúm vào.

Người săm soi, nhòm ngó, người cười nói chúc mừng bằng thứ ngôn ngữ mà bà chưa từng nghe.

Vài người kéo bà Chúc vào một căn phòng. Họ trang điểm, thay váy áo cô dâu rồi trùm lên đầu bà một tấm khăn đỏ. Khoảng 2, 3 tiếng sau, người ta kéo đến chật căn nhà đó để ăn cỗ và chúc mừng cho đôi tân lang, tân nương.

“Họ làm 60 mâm cỗ để đãi họ hàng, bạn bè. Nhưng tôi không ăn uống gì được. Tôi chỉ biết khóc vì sợ hãi và nhớ con…”, bà Chúc nghẹn ngào nhớ về ngày đầu tiên bị bán sang xứ người.

Cũng trong ngày đầu tiên đó, khi đêm xuống, cuộc nói chuyện của bà và người chồng mới mở màn bằng một trận đòn. Những cú đấm, đá liên tiếp giáng xuống thân hình gầy gò của người phụ nữ vì dám từ chối sự đòi hỏi của chồng.

Mãi sau này, khi đã bập bõm hiểu được tiếng Trung Quốc, bà Chúc mới biết, trước bà có hai người phụ nữ khác đã là vợ của người đàn ông này. Họ đều phải bỏ trốn vì không chịu được thói vũ phu của chồng.

Đến lượt bà Chúc, gã cẩn thận hơn. Gã mua một chiếc còng rồi khóa tay bà Chúc lại. Gã chỉ mở khóa khi bà Chúc làm việc nhà, đi làm nương, làm rẫy dưới con mắt kiểm soát của gã.

Bà không thể trốn đi nên đành câm lặng chịu đựng, cần mẫn với công việc của một người nông dân. Bao nhiêu nông sản làm ra, gã chồng cầm đi bán và giữ hết tiền.

Sau ngày cưới không lâu, bà sinh được một cô con gái. Cuộc vượt cạn không thuận lợi, người mẹ bị rong kinh kéo dài.

{keywords}{keywords}

Mẹ chồng và những đứa em chồng lo lắng muốn đưa bà đi viện nhưng chồng bà không cho vì 'làm gì có tiền'. May mắn vài tháng sau, bà Chúc hồi phục sức khỏe, có thể tiếp tục làm việc và nuôi con. Không ngờ cô con gái lại ốm yếu rồi qua đời.

Lần mang thai thứ 2 với người chồng Trung Quốc, bà Chúc sinh được một người con trai. Sau khi sinh chưa bao lâu, người chồng vẫn tiếp tục uống rượu, hành hung bà.

Một lần, những người hàng xóm nghe tiếng kêu cứu từ căn nhà của họ nên đã báo công an. Ông chồng bị bắt vào tù vì gây thương tích cho vợ. Khi trở về, ông ta không ra đòn nữa nhưng dọn đi ở hẳn với một người vợ mới.

Cậu con trai của bà Chúc càng lớn càng ngoan. “Nó đi làm ăn xa nhưng luôn dặn bố không được đánh mẹ”, người đàn bà ngân ngấn lệ kể.

Năm 2016, bà Chúc đang làm rẫy thì lực lượng chức năng Trung Quốc truy quét những người chưa nhập quốc tịch. Về đến nhà, người đàn bà này thấy chồng quẳng ra một chiếc túi xách, trong đó có 4, 5 bộ quần áo. Ông ta ra hiệu cho bà đi theo những người mặc cảnh phục.

Khi một cảnh sát hỏi: “Có muốn làm giấy tờ để nhập tịch cho vợ ở lại hay không?”, người chồng lạnh lùng lắc đầu. Lệ phí làm thủ tục mất khoảng 5 triệu Việt Nam đồng và ông ta nói “không có tiền”.

Thế là, họ chia tay nhau sau 21 năm làm vợ chồng bằng cái lắc đầu và sự im lặng đến nhói lòng.

“Xót xa hơn, tôi rời đi mà cũng không kịp nói với con trai một lời. Ngay cả một bức ảnh của nó, hay tờ giấy ghi địa chỉ của con, tôi cũng không thể mang theo”, bà Chúc nghẹn ngào nhớ về khoảnh khắc trước khi bị cảnh sát Trung Quốc áp tải lên xe trả về quê hương.

{keywords}
 

Cô gái trẻ tỉnh dậy, đầu vẫn chưa hết cơn choáng váng. Xung quanh tối mịt mù. Không quá khó để cô nhận ra mình đang trong một chiếc xe bịt kín. Bên cạnh cô, những cô gái khác cũng trong tình trạng hoảng loạn. Xe chạy rất lâu, dường như không có điểm dừng.

Cuối cùng xe cũng dừng lại. Các cô gái bị nhóm người lùa vào một căn phòng khóa trái. Họ được phát quần áo để tắm rửa, được cho ăn uống. Đến ngày thứ 4, các cô gái bị bán vào 'nhà thổ'. Những cuộc ‘tiếp khách’ bắt đầu. Khi các cô chống cự, một lưỡi dao đã kề sẵn vào cổ họ…

Đó không phải là một cảnh trong bộ phim truyền hình. Đó là những ngày đầu tiên của Trịnh Thị H. (Quỳnh Phụ, Thái Bình), một trong số nhiều nạn nhân, khi đặt chân trên mảnh đất Quảng Đông, Trung Quốc.

{keywords}
 

Hoảng loạn vì bị bắt, H. nhớ đứa con trai vừa tròn 2 tuổi, nhớ người cha đang cuống cuồng tìm con ở phía bên kia biên giới…

Tháng 10/2012, ông Trịnh Văn Khương ( Quỳnh Phụ, Thái Bình) châm điếu thuốc lào sau buổi làm đồng. Điện thoại đổ chuông, vợ ông, đang làm nghề buôn bán ở Quảng Ninh, gọi về.

Người đàn bà hoang mang nói với chồng: “Ông ơi, hình như con H. bị bán sang Trung Quốc rồi”. Qua những câu nói nhát gừng của vợ, ông lờ mờ hiểu con ông nghe lời bạn gái mới quen rủ sang Trung Quốc làm việc bóc vỏ tôm với mức lương hứa hẹn 7 triệu đồng/tháng. Nó đi đã đến ngày thứ ba…

H., con gái đầu lòng của ông Khương, năm đó 22 tuổi. Là đứa con gái ông hết mực thương vì cô có cuộc hôn nhân không trọn vẹn. Chồng nghiện ngập, H. đành gửi con, ra Quảng Ninh làm công nhân với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Vừa gửi tiền về quê nuôi con, cô vừa gom góp để đưa chồng đi cai nghiện.

Cuộc điện thoại khiến ông Khương chết lặng. Ông bắt xe đi Quảng Ninh, đến trình báo cơ quan chức năng và nhờ người quen dò hỏi về tung tích con gái.

Không ít trường hợp như con gái ông. Sau khi trình báo, người thân của nạn nhân về nhà chờ đợi. Cuộc chờ đợi kéo dài 1 tháng, 1 năm, 2 năm thậm chí là cả một đời người…

Suốt thời gian quay về Thái Bình đợi tin, vợ chồng ông như ngồi trên đống lửa. 4 giờ chiều, 14 ngày sau khi con gái ông mất tích, điện thoại ông đổ chuông. Nhìn mã số lạ, ông đoán cuộc gọi từ Trung Quốc. Từ bên kia, con gái ông òa khóc: “Bố ơi, con bị lừa rồi”. Lòng ông thắt lại.

Ở Trung Quốc, H. bị nhốt vào một biệt thự 5 tầng với 13 cô gái khác. Người nhỏ nhất là Nguyên 15 tuổi (quê Bắc Giang), lớn tuổi nhất là H. 22 tuổi. H. nhanh chóng làm quen với Nguyên, cô gái bị người yêu lừa bán sang Trung Quốc qua đường cửa khẩu Lạng Sơn.

Nguyên sang đây đã hơn 1 năm, nói được một ít tiếng Trung Quốc. Nguyên chăm chỉ nên được chủ tín nhiệm giao công việc đi chợ. Từ đây cô bớt xén tiền, góp lại được khoảng 1.000 NDT. Hai cô gái trẻ lén mua 2 chiếc điện thoại để gọi về nhà. Chiều hôm đó, nhân lúc bọn buôn người không để ý, H. đã gọi về cho bố.

Nhận được điện thoại của con gái, mặc dù rất xúc động nhưng ông Khương khuyên con hết sức bình tĩnh. Nghe con nói bị ép phải “tiếp khách”, ông dặn: “Mạng người là quan trọng. Chúng bảo gì con cũng phải nghe, chờ thời cơ bằng mọi giá bố sẽ tìm cách cứu con ra”.

Cuộc điện thoại chớp nhoáng. Ngay trong đêm đó, người đàn ông quanh năm “buôn mặt cho đất bán lưng cho trời” đã lên một kế hoạch giải cứu con khi ông chưa biết địa điểm con bị giữ, không có tiền, không biết tiếng Trung…

“Tôi từng nhìn thấy cảnh con gà con bị rơi xuống ao nước. Con gà mẹ trên bờ bất lực vừa chạy vòng quanh vừa kêu thảm thiết. Con gà còn thế huống gì con người? Khi nó gọi “Bố ơi, cứu con”, tôi nỡ lòng nào…?”, ông chua xót nói.

Ông Khương xoay ra tận dụng các mối quan hệ. Ông nhớ đến Lan, một người quen, từng bị lừa bán sang Trung Quốc từ năm 14 tuổi. Người này hiện tại đã lấy chồng và sống tại Quảng Tây, Trung Quốc.

Ông liên lạc với chị Lan và đặt vấn đề giải cứu con. Người này ra giá 40 triệu đồng tiền chi phí. Ông Khương nói: “Tôi là nông dân nhưng với giá nào tôi cũng đồng ý chỉ để cứu được con”.

Kết thúc cuộc điện thoại, ông gói 60 triệu đồng một cách cẩn thận cho vào chiếc túi con cò. Hành trang của ông là chiếc áo mưa, đèn pin, mấy bộ quần áo và con dao găm ông mang về từ chiến trường.

{keywords}
Hành trình 38 ngày đầy máu và nước mắt của bố con ông Khương trên xứ người (Thời gian: Ngày âm lịch, theo lời kể của nhân vật)

Buổi sáng hôm ấy, 17/10/2012 (âm lịch), sương mù còn phủ trên cánh đồng lúa trước nhà, người đàn ông trong bộ quân phục cũ, khoác túi con cò lên vai và bước ra khỏi cửa. Người vợ níu tay chồng bật khóc: “Hay đừng đi nữa, tôi mất con rồi, mất ông nữa tôi biết sống sao?”...

Ông bắt xe đi Quảng Ninh. Cùng đi với ông có Thành, một họ hàng xa. 5 giờ sáng ngày 19/10, ông cùng người em họ đặt chân đến cửa khẩu. 3 người là chị Lan, chồng của người phụ nữ này và một người đàn ông Trung Quốc đã chờ sẵn ở đất Trung Quốc.

2 giờ chiều cùng ngày, 5 người lên xe đi Quảng Đông. Trên đường đi, ông phát cho những người tham gia cứu mỗi người một tấm ảnh vì họ chưa biết mặt H. Nếu địa điểm H. đang bị giam giữ là quán karaoke hoặc quán massage, họ sẽ đóng vai khách làng chơi để tiếp cận.

Đồng thời ông cũng liên lạc nhắn con: “Con thấy ai đi vào cầm ảnh của con thì con đi theo người đó”. Tuy nhiên mọi việc không như ông dự liệu. Địa điểm cô gái bị giam giữ là một quán cắt tóc gội đầu…

Đêm 19/10, đoàn người đến bến xe Quảng Đông. Trước khi sang Trung Quốc, ông đã yêu cầu được biết chính xác địa chỉ H. bị giam giữ để lúc đến ông chỉ còn tiến hành “cướp người”, tuy nhiên Lan chưa xác định được địa điểm.

Nhóm 5 người phải thuê xe taxi chạy dọc phố biển tìm địa điểm của H. Dãy phố này dài khoảng 2 - 3km. Một bên là biển bên còn lại là khu dân cư.

Sau nhiều lần vòng đi vòng lại, họ vẫn chưa tìm được điểm giam giữ các cô gái. Ông Khương đành gọi điện, hướng dẫn Nguyên cầm túi giả vờ ra mua đồ ăn khuya (chỉ Nguyên mới được tin tưởng ra ngoài) để ông Khương dễ tìm. “Các con thấy một chiếc taxi chạy rất chậm chính là xe của bố”, ông dặn.

Cuộc điện thoại vừa dứt chưa được bao lâu thì ông nhìn thấy bên kia đường một cô gái trẻ đang cầm một chiếc túi ra trước cổng một ngôi biệt thự.

Cô gái trẻ là Nguyên, nhìn thấy xe taxi như miêu tả vội lao ra, định vào xe để chạy trốn. Khi Nguyên cách xe chỉ còn khoảng 4 - 5m, chị Lan định mở cửa cho cô gái vào tuy nhiên ông Khương đã ngăn lại. Giữa họ đã xảy ra cuộc tranh cãi.

- Cứu được đứa nào hay đứa đó, Lan nói.

- Tôi sẽ cứu cả hai. Nhưng hiện tại Nguyên thoát được thì con tôi khó giữ được mạng. Con tôi chết thì tôi cũng chết, ông Khương kiên quyết.

Ngay lúc này, tại biệt thự nơi giam giữ hai cô gái, một người đàn bà khoảng 50 tuổi người Việt Nam xuất hiện ở cửa. Bà ta là trùm của nhóm buôn người.

 

{keywords}
 

Lái xe taxi sợ bị phát hiện vội vã phóng xe đi. Ngồi trên xe, ông Khương ruột gan như lửa đốt: “Hoặc là bây giờ hoặc là không bao giờ ông có thể cứu con”.

Bằng tất cả mọi cách có thể ông yêu cầu người lái xe dừng lại. Người lái xe không đồng ý, ông gào lên với chị Lan: “Nói với nó, không dừng lại là tôi liều chết với nó”. Vừa nói tay ông vừa sờ vào con dao găm mang từ chiến trường về…

Người lái xe dừng lại, ở một địa điểm cách nơi con gái ông ở khoảng 300m. Cuộc “cướp người” bất thành. Họ bắt buộc chuyển sang phương án 2.

Chị Lan gọi điện cho công an Trung Quốc nhờ giải cứu. Chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng công an ập vào biệt thự 5 tầng. 12 trong số 14 cô gái được lần lượt đưa xuống từ cửa chính. Thiếu 2 người, con gái ông Khương và Nguyên.

Tìm trong đoàn không thấy con, người đàn ông hoảng hốt chạy khắp nơi tìm kiếm. Lúc này trong biệt thự 5 tầng ven bờ biển, Nguyên và H. thấy có ồn ào ở tầng dưới (công an vào giải cứu) hai cô gái tưởng xảy ra chuyện xấu, hoảng hốt tìm cách thoát thân bằng hướng cửa sau.

Nguyên và H. lần lượt đu bám vào lan can từ tầng 5 xuống tầng 1. Đến tầng 1, họ bám tiếp vào dây cáp để xuống mặt đất. Dây dứt, cả hai bị rơi. Nguyên bị gãy răng cửa, máu túa ra ướt cả vạt áo trước. Điện thoại của Nguyên bị văng sang bên đường.

H. bị dập một ngón chân. Hai cô gái hoảng loạn chạy về hai hướng khác nhau. Sức cùng lực kiệt, H. rút điện thoại ra gọi cho bố. Sợ bọn buôn người trả thù, làm hại con, ông Khương gay gắt: “Không chạy được thì con phải đi. Không đi được, con phải bò mà tiến lên”.

10h30 đêm 19/10 âm lịch, dọc con phố biển tỉnh Quảng Đông, sương đã bắt đầu xuống. Một người đàn ông hớt hải chạy tìm con trong lo lắng tột cùng. Con dao găm vẫn lủng lẳng bên người. Vừa chạy ông vừa khản giọng gọi con trong đêm.

Phát hiện phía trước có bóng đen thất thiểu tiến lại gần, lòng thấp thỏm ông chạy về phía đó. Khi còn cách một đoạn, ông nhận ra đó là đứa con gái đầu lòng của mình.

Phía bên kia, người con cũng vừa nhận ra bố. Cả hai sững lại trong giây lát, rồi bất ngờ lao về phía nhau. Cô con gái ngã vào vòng tay bố. Người đàn ông ôm chặt con, nước mắt giàn giụa, vừa khóc vừa vỗ về: “Đừng sợ. Bố đây rồi con”.

Lúc này, H. sực nhớ: “Bố ơi, còn Nguyên nữa”. Cả nhóm tiếp tục quay lại tìm Nguyên.

Đi được một đoạn, họ phát hiện Nguyên đang đứng bên lề đường. Cô gái trẻ vạt áo thấm đầy máu, mắt vô hồn vì quá hoảng loạn. H. lay gọi mãi Nguyên mới hoàn hồn. Tất cả được đưa về đồn công an ngay trong đêm.

Sau đó H. và Nguyên do có người nhà nhận nên được ra về. 12 cô gái khác vẫn ở đồn công an chờ bàn giao cho lực lượng chức năng ở Việt Nam.

Ông Khương thở phào, tưởng như cuộc giải cứu đã thành công nhưng mọi chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó…


{keywords}
 

Sau khi rời khỏi đồn công an, Lan, người đàn bà từng bị lừa bán sang Trung Quốc cũng là người họ hàng, đã mời bố con ông Khương sang nhà ở Quảng Tây, Trung Quốc để nghỉ ngơi.

Tại đây chị ta cùng chồng tiến hành giam lỏng bố con ông Khương. Ngoài số tiền 40 triệu như đã giao hẹn từ trước chị ta đòi thêm một khoản là 80 triệu đồng để đưa bố con ông về Việt Nam.

Ông Khương đành nhờ người nhà vay mượn khắp nơi để giao tiền. “Bố con tôi khi rơi xuống nước được người ta giúp tưởng như chết đuối vớ được cọc. Ai ngờ cái cọc đó lại nhấn chúng tôi xuống thêm một lần nữa…”, ông chua chát nói.

Ngày 6/11/2012 âm lịch, cha con ông đặt chân lên quê hương Việt Nam, kết thúc hành trình 38 ngày đầy máu và nước mắt nơi xứ người.

{keywords}{keywords}

Biểu đồ về số lượng vụ buôn người, số nạn nhân, số đối tượng tham gia giai đoạn 2005-2009 và 2011-2015 (Số liệu của Bộ Công an).

“Tôi không muốn khơi lại chuyện cũ. Con tôi đã có một cuộc đời mới. Nhưng tôi biết bên kia biên giới còn nhiều cô gái không được may mắn như con tôi. Bởi vậy tôi phải chia sẻ câu chuyện của mình như một bài học cho các con và những bậc làm cha làm mẹ”, ông Khương nói.

Vừa hút thuốc lào ông vừa liếc đồng hồ treo trên tường và nói với người con trai phía trong nhà: “Đã đến giờ đi học đâu? Đúng giờ, bố mới cho con ra khỏi nhà”.

Ông Khương giải thích: “Tôi kiểm soát chặt, con trai cũng chẳng vui. Nhưng tôi đã mất con một lần, tôi sống sao nổi nếu có lần hai?”.

{keywords}
 

Video: Nỗi đau mất con của người mẹ

Trưa nắng tháng 5/2018, một người đàn bà đã ở tuổi 75 dựa vào cổng sắt cũ kỹ kể: “Từ ngày mất con tôi hay đi chùa. Người ta cầu tiền, cầu danh tôi chỉ cầu con”. Bà tiếp tục nói như một lời van xin: “Sự, con ơi! dù còn sống hay đã chết cũng xin con hãy quay về bên tay mẹ…”.

Bà là Khuất Thị Được (Phụng Thượng, Phúc Thọ, Hà Nội) mẹ của chị Dương Thị Sự (SN 1963), một nạn nhân của nạn buôn bán phụ nữ. Ước mong cuối đời của người đàn bà này là được nhìn con gái, dù chỉ một lần, trước khi về phía bên kia thế giới.

Bởi trước đó, năm 2015, chồng bà nhắm mắt nhưng không thể nhìn mặt con lần cuối.


{keywords}
 Vừa nói vừa khóc bà nhìn lên bàn thờ nơi có tấm ảnh chồng.

21/9/1992, chị Dương Thị Sự cùng 3 người phụ nữ khác đi gặt lúa thuê. Một người đàn bà thuê họ đi gặt một thửa ruộng. 4 người phụ nữ để xe đạp lại rồi chuyển lên xe lam. Họ được phát mỗi người một nắm xôi để đi đường ăn, rồi sau đó bị đưa sang Trung Quốc…

Thông tin về con gái mất tích, gia đình bà Được chỉ biết có vậy. Từ ngày con đi, cứ ai báo tin ở nơi này, chỗ kia có người giống Sự cả nhà lại bỏ công bỏ việc đi tìm. Quá khát tin con, đã 2 lần họ bị lừa.

Lần đó gia đình bà đang đi ăn cỗ cưới, một người đàn bà xuất hiện, báo có tin về con bà. Cả nhà bà bỏ cỗ, tất bật chạy về hỏi thăm.

“Người đàn bà này nói em gái chị ta đang làm việc cùng Sự ở Trung Quốc. Chị ta bảo con tôi sang đó sống cuộc đời sung sướng chỉ thiếu một số đồ. Nay gia đình tôi phải mua để gửi cho Sự. Chị ta hẹn ngày, giờ đến gặp, chị ta sẽ chuyển đồ sang cho Sự”, bà Được kể.

Gia đình bà Được đón người này như ân nhân, mổ gà, làm cơm mời chị ta ăn. Họ còn mua quà, dúi tiền vào tay "ân nhân".

“Hồi đó, ông nhà tôi hãy còn. Thương con ông lập cập mua đồ rồi đi gửi đồ cho con. Nhưng khi gia đình tất tả đến điểm hẹn thì chẳng thấy chị ta đâu. Chờ mãi mới biết bị lừa, nhà tôi đành về, nói sao hết được sự thất vọng. Giờ ông ấy cũng khuất bóng rồi…”, vừa nói vừa khóc bà nhìn lên bàn thờ, nơi có tấm ảnh chồng.

Lần thứ hai, một người đàn ông gõ cửa nhà bà Được. Người này nói, Sự sang Trung Quốc may mắn lấy chồng sống hạnh phúc, sinh được cô con gái xinh đẹp, thông minh. Người này khẳng định Sự bị người ta cho thuốc mê không trốn ra được. Bà Được lại khóc lóc: “Thôi trăm sự nhờ anh”.

Cả làng những ngày đó náo nức với tin “Cái Sự nhà bà Được bị lừa sang Trung Quốc nay sắp về”. Bao nhiêu người đến hỏi thăm chúc mừng bà.

Gia đình bà Được đưa cho anh ta 6 triệu đồng làm chi phí đi lại để đưa con bà về. Cơm no rượu say, chiều hôm đó anh ta cùng một số con, cháu nhà bà Được thuê xe rồng rắn kéo nhau xuống Quảng Ninh.

Đến cửa khẩu, anh ta cầm tiền rồi nói đoàn người đứng chờ để anh ta vào địa phận Trung Quốc dẫn chị Sự ra. Đoàn người chờ mãi, chờ mãi…

Ở Hà Nội, sau 3 ngày chờ đợi không thấy các con quay về, lòng bà Được như lửa đốt. Đến khi nhìn đoàn con cháu thất thểu quay về, bà Được mới thở phào. Bà nói: “Các con về đủ là mẹ mừng. Mẹ ở nhà cứ sợ nó lại lừa bán mất con, cháu mẹ lần nữa. Như năm xưa…”.

“Nỗi đau không biến mất, nó dần nguôi ngoai. Nhưng đang yên đang lành bọn họ lại bới ra. Họ gieo cho chúng tôi hi vọng rồi thất vọng. Nhiều đêm nằm nhớ con không ngủ được, tôi đến héo hon vì con…”, bà bật khóc.

Trong ký ức của bà, Sự là đứa con gái dễ nuôi. Nhà đông con, khó khăn nên chị khổ từ nhỏ. “Nó kham khổ nhưng lớn lên xinh đẹp, trắng trẻo lắm”, bà kể đầy tự hào.

Điều bà tiếc nuối nhất là không còn tấm ảnh nào của con. Những tấm ít ỏi gia đình đã cung cấp cho cơ quan chức năng. Tấm cuối cùng người đàn bà lừa đảo lần đầu tiên cũng cầm đi mất. “Tiền bị lừa tôi không tiếc, tôi chỉ tiếc cái ảnh con”, bà nói.


{keywords}
 

Gia đình chị Sự cho biết, những người phụ nữ bị lừa năm xưa cùng chị Sự, 3 người lần lượt trốn về được Việt Nam. Họ kể lại, sang Trung Quốc, bị ép lấy chồng, họ đành nhắm mắt đưa chân gật đầu để tìm cơ hội bỏ trốn.

Một người trong số đó còn chạy trốn vào rừng, 3 ngày ăn quả dại, uống nước suối mới tìm được đường ra cửa khẩu, trở về Việt Nam.

Trước khi bị lừa sang Trung Quốc chị Sự đã có chồng và hai con, con trai út mới vừa 3 tuổi. Bà Được cho biết: “Một thời gian sau ngày Sự đi, con rể vào xin tôi cho con đi bước nữa, để có người chăm các cháu. Dù gật đầu nhưng tôi xót xa quá. Người ta mất vợ rồi có vợ mới, còn tôi mất con ai thấu cho?”, bà kể.

Bà cũng nhiều lần nhắc về việc người đàn ông lừa đảo kể cho bà chuyện chị Sự lấy chồng, sinh được cô con gái ngoan ngoãn, khỏe mạnh. Chị Vinh, một người con gái khác của bà, nói: “Biết thằng kia là lừa đảo, bà vẫn cứ tin lời nó. Chúng tôi cũng đành mặc bà bởi nhiều năm nay mẹ tôi đã phải sống bằng hi vọng đó”.

Những ngày còn ở Việt Nam, dù ở bên nhà chồng nhưng chị Sự vẫn thường đi chợ qua nhà mẹ đẻ. Mỗi lần ấy, chị đều tạt qua nhà, dúi vào tay mẹ hoa quả, cái bánh rồi tất tả đi.

“Nó thường men theo đường mương sau nhà để về bên chồng. Nhiều năm sau ngày con đi, cứ chiều chiều, tôi vẫn thường đi ra bờ mương đó ngóng con. Giờ mương đã bị lấp mà con tôi vẫn chưa về…”, người đàn bà tuổi 75 gạt nước mắt nói.

{keywords}
 

Xe dừng ở thị trấn Phùng (Đan Phượng, Hà Nội), không có người thân ra đón nên bà Chúc xuống xe một mình.

Trên chuyến xe trở về quê hương sau hơn 20 năm xa cách, trong lòng bà Vũ Thị Chúc chộn rộn những tình cảm khó tả. Bà háo hức được gặp lại gia đình, người thân và cũng thấp thỏm, thương xót đứa con bên Trung Quốc…

Bà nhìn mọi thứ xung quanh nhưng nhận ra tất cả đều đã thay đổi. Con đường về nhà và cả ngôn ngữ nơi đây cũng đã không còn thân thuộc với bà.

Bà Chúc về nhà mẹ đẻ - căn nhà cách nhà chồng không xa. Tuy nhiên sau 21 năm biền biệt, bố mẹ bà đã không còn sống để chờ con. Thấy bà Chúc về, mọi người trong làng kéo đến hỏi han. Bà chỉ biết cười, biết khóc và ú ớ vài từ tiếng Trung.

Người thiệt thòi nhất vẫn là Bùi Văn Dương, con trai bà Chúc, đứa trẻ phải rời xa mẹ từ khi mới 6, 7 tuổi.

Ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Tảo cho biết: “Sau khi bà Chúc về Việt Nam, chúng tôi đã phục hồi nhân khẩu để nạn nhân sớm ổn định cuộc sống. Ngoài ra, xét hoàn cảnh gia đình bà khó khăn, xã cũng đã xác nhận hộ cận nghèo để hỗ trợ, giúp đỡ gia đình trong cuộc sống.

Năm nay, Dương đã là một người đàn ông trưởng thành nhưng cậu nhớ như in cái buổi trưa mùa thu năm ấy.

Bà Chúc mua cho cậu gói kẹo rồi bảo cậu ngủ trưa rồi hẹn “chiều nay mẹ về với con”. Cậu không ngờ cái “chiều nay” ấy kéo dài đến tận hơn 20 năm sau…


{keywords}
 

“Tôi đã từng giận mẹ vì nghĩ mẹ bỏ rơi mình. Nhưng bố nói mẹ bị bán đi Trung Quốc chứ bà không cố tình bỏ rơi tôi”, Dương kể lại.

Kể từ khi mẹ đi, căn nhà nơi bố con Dương ở trở nên vắng lạnh hơn. Hai bố con giống như những cái bóng, sống dựa vào nhau. Nhiều người trong làng khuyên ông Hải nên đi bước nữa để Dương có chỗ dựa tinh thần nhưng ông gạt đi.

Dương nghe lời khuyên của bố, không còn hận mẹ nữa. Anh hiểu, mẹ anh chỉ là nạn nhân của những kẻ buôn người.

Dương trưởng thành, kiếm việc ở khắp nơi. Hết vào Nam lại ra Bắc nhưng đi đâu anh cũng đau đáu muốn tìm lại mẹ. Nhiều lần anh lên biên giới tìm nhưng vô vọng.

Năm 2016, đang làm việc trong miền Nam, Dương nghe người nhà thông báo mẹ anh trở về. Lòng anh bất chợt rối bời. Anh vừa muốn đón xe về ngay với mẹ nhưng lại vừa buồn tủi, dỗi hờn.

“Có lẽ vì xa cách quá lâu nên tình cảm cũng có chút phai nhạt”- Dương bộc bạch. Vậy là cuộc gặp gỡ sau 21 năm xa cách rốt cuộc không có cái ôm, chỉ có những giọt nước mắt và người đàn bà với thứ ngôn ngữ xa lạ.

Sau cuộc gặp đó, Dương đón mẹ về với bố.

Căn nhà lợp lá mía bà Chúc ở ngày nào đã được xây dựng lại bởi sự hỗ trợ của các cơ quan đoàn thể. Ông Hải ốm yếu, bình thường hay đi lang thang trong làng, thấy vợ về thì phấn khởi nên chỉ quanh quẩn ở nhà.

Thế nhưng phải 2, 3 tháng sau, bà Chúc mới dần quen lại cuộc sống ở quê hương. Bà bắt đầu nhớ lại tiếng mẹ đẻ và nhận ra những người thân quen.

Còn Dương, anh không vào Nam làm ăn nữa mà ở hẳn nhà với bố mẹ. Nửa năm sau ngày mẹ về, Dương cưới vợ. Đám cưới giản dị nhưng trọn vẹn tiếng cười vì có đủ mặt của cả gia đình.

Bà Chúc cũng đã nhận lại vài sào ruộng, thỉnh thoảng ra đồng cắt cỏ bón phân. Cuộc sống bình lặng và dần đi vào quỹ đạo vốn có của nó. Nhưng từ sâu thẳm trong tâm hồn, người đàn bà ấy vẫn còn nặng lòng với xứ người. Bởi ở đó, bà có máu mủ ruột rà -  đứa con trai năm nay sắp tròn 20 tuổi.

Biết đâu giờ này, cậu con trai ấy cũng đang đi tìm mẹ ở phía bên kia biên giới…

Những vấn đề phụ nữ bị buôn bán gặp phải trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng:

Theo Trung tâm Phụ nữ và Phát triển - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã tư vấn cho 899 lượt người liên quan đến vấn đề mua bán người.

Trung tâm cũng tiếp nhận, hỗ trợ 350 phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của mua bán người về tại Ngôi nhà bình yên.

Bà Phạm Thị Hương Giang - Giám đốc Trung tâm, nhấn mạnh, khi được tiếp nhận về Ngôi nhà bình yên, nhiều phụ nữ bị mua bán trong một thời gian dài nên bị ảnh hưởng, sang chấn về mặt tâm lý, tinh thần.

Nhiều người có xu hướng căm thù xã hội. Họ chán nản, tuyệt vọng và không còn tin vào bản thân mình. Nhiều trường hợp có hành động tự làm đau bản thân, thường xuyên tìm cách tự tử hoặc tấn công những người xung quanh.

 

{keywords}
Bà Hương Giang (phải) trong một hoạt động phối hợp với đồn biên phòng phòng chống mua bán người

 

Bên cạnh đó, những phụ nữ được giải cứu trở về đều trong tình trạng có thương tổn về thể chất như: mắc các bệnh qua đường tình dục; một số người nhiễm HIV, một số người còn nhỏ (14 - 15 tuổi) nhưng đã có con hoặc đang mang thai.

Lời khuyên phòng tránh nạn buôn người

Bà Hương Giang khẳng định, nạn mua bán người đang diễn biến ngày càng phức tạp. Thủ đoạn của những kẻ mua bán càng ngày càng khó lường, bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân của những kẻ buôn bán người. Vì vậy việc truyền thông về các thủ đoạn mua bán là rất quan trọng.

Có những trường hợp mua bán núp dưới hình thức tuyển lao động, một số trường hợp lại thông qua đường du lịch; thông qua hình thức kết hôn với người nước ngoài, xuất khẩu lao động, nhận nuôi con nuôi, bị bắt cóc.

Với hình thức bắt cóc, bố mẹ phải dạy cho các con cách phòng vệ không đi theo người lạ, không đến những nơi vắng vẻ… Đặc biệt người dân phải cách giác và tìm hiểu thật kỹ với những lời mời việc làm, cảnh giác với tình trạng mua bán người qua những lời dụ dỗ trên mạng xã hội. Khi đi bất cứ đâu cũng phải thông báo (số điện thoại, địa điểm đến) đến với người thân.

(Tên một số nhân vật thay đổi theo yêu cầu)

Vũ Lụa

Ảnh: Đặng Hương

Thiết kế: Diễm Anh

Dựng video: Media VietNamNet