Nhìn cảnh bà lang lấy gai bòng khêu vào mắt cháu bé chừng 10 tuổi, sau đó dùng bông lau đầu gai, rồi lại khêu khêu vào mắt cháu bé, chúng tôi không khỏi rùng mình. Bà lang này khẳng định, làm như vậy độ cận sẽ giảm rồi khỏi hẳn. Số lần khêu bao nhiêu là tùy người, có người 3 lần, 5 lần, 7 lần..., nhưng bà đã khêu là nhất định sẽ khỏi (!?)

{keywords}
Bà Thược chữa bệnh cận thị bằng cách khêu gai bòng vào mắt là phản khoa học và rất nguy hiểm. 

Quái chiêu chữa cận thị

Mấy năm gần đây, tiếng bà lang Thược (trú tại thôn Mao Yên, xã Phượng Mao, huyện Quế Võ, Bắc Ninh) có tài chữa cận thị chỉ bằng một chiếc gai bòng (loại cây họ hàng với cây bưởi) đồn thổi khắp các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội… Để thực hư cách chữa bệnh có một không hai này, chúng tôi đã tìm về “cơ sở chữa bệnh“ của bà để mục sở thị.

Ngôi nhà của bà lang Thược to nhất xóm với chiếc cổng có thể nói là rộng nhất làng, ôtô con có thể ra vào thoải mái. Bên hông căn nhà là cơ sở khám chữa bệnh do bà mở ra. Đó là một căn nhà cấp 4 rộng chừng 20m2, bên trong kê một chiếc giường cũ cho bệnh nhân nằm, còn bà ngồi trên chiếc chiếu giữa nhà để chữa bệnh. Khi chúng tôi đến, có 5 người bệnh đang chờ tới lượt, trong khi bà đang bận chữa cho một bệnh nhân khác.

Trong vai người đi chữa bệnh cận thị, chúng tôi ngồi lặng yên chờ đợi, thỉnh thoảng góp vài ba câu chuyện với bà lang này. Bệnh nhân mà bà lang Thược đang chữa trị là một cháu bé học lớp 4 (quê ở Hiệp Hòa, Bắc Giang), được bố đưa ôtô đến chữa. Bà Thược để cháu bé ngồi trên chiếc ghế nhựa thấp, rồi lấy ra một chiếc hộp sắt vuông. 

Trong hộp đựng một túi bóng chứa vài chục chiếc gai bòng. Chiếc túi bóng đựng gai bòng này nhàu nhĩ, màu ố vàng, có vẻ đã được dùng trên dưới vài năm. Cũng trong chiếc hộp sắt này, bà Thược đựng một nhúm bông y tế, không có túi bóng bảo quản và ngay cạnh số bông này là 5 - 7 tờ tiền, mệnh giá từ 50.000 - 100.000 đồng.

Bà Thược lấy một chiếc gai bòng trong túi ra rồi bắt đầu hành nghề. Tay trái bà Thược giữ mắt đứa bé còn tay phải khêu khêu lòng đen. Khêu khoảng 5 - 7 nhát, bà lấy bông lau lau đầu gai rồi lại tiếp tục khêu. Lau đầu chiếc gai bòng được vài lần, bà mới thay bông mới. 

Bà Thược lặp đi lặp lại công đoạn này chừng 20 phút rồi kết thúc công việc. Trong quá trình chữa bệnh, bà Thược cho cháu bé nghỉ chừng mấy phút để cháu… “dạy mắt” khi đôi mắt đã đỏ. Quan sát quá trình bà Thược chữa bệnh cho cháu nhỏ này, chúng tôi lạnh cả người, chỉ sợ bà không may chọc chảy máu mắt đứa nhỏ. Bà Thược nói: “Cứ làm như vậy vài lần, không cần thuốc men gì, độ cận sẽ giảm, dần dần sẽ không cần phải đeo kính”.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Văn L - bố cháu bé - cho biết, con anh cận hơn 2 đi-ốp. “Tôi đưa con đi chữa lần này là lần thứ 3 rồi. Có hiệu quả hay không thì chưa thể biết ngay được nhưng đã theo thầy, theo thuốc rồi thì tôi cứ đưa con đi thôi” - anh L nói. Khi chúng tôi hỏi tại sao anh biết tới bà Thược mà tìm tới thì anh bảo là nghe người này truyền tai người kia giới thiệu chứ trong họ hàng nhà anh chưa ai đến nhờ bà Thược chữa cả. 

Xong xuôi, anh L để tờ 100.000 đồng vào chiếc hộp đựng chung cả gai bòng và bông. Anh L cho biết, vì bà Thược nói chữa tới khi nào khỏi thì thôi chứ không nói chính xác là bao nhiêu lần nên tuần sau anh sẽ lại đưa con tới.

Nói về việc chữa cận thị cho bệnh nhân, bà Thược khẳng định với tôi: “Đấy, đến đứa bé nhỏ như thế còn không sợ đau nữa là cô từng này tuổi rồi. Có chữa thì mai đến sớm chứ giờ này sắp tối rồi, tôi không chữa được. Đến trước chữa trước, đến sau chữa sau, trường hợp của cô phải sang ngày mai. Cô cứ về đi, biết nhà là được rồi, mai lại đến”. Khi tôi hỏi: “Cháu cận những hơn 4 đi-ốp thì có khỏi được không?”, bà Thược nói chắc như đinh đóng cột: “Tin thì mai bắt đầu đến chữa, chứ tôi chữa thì chắc chắn là khỏi. Mà tôi chữa thế này cô vẫn có thể làm việc với máy tính, xem tivi như thường”. Một số bệnh nhân “tín” bà Thược cũng xen vào câu chuyện: “Có tin thì mới đến đây chữa chứ...”.

Chữa được bệnh vì “thánh mẫu thượng ngàn” cho “lộc”

Trong quá trình chữa bệnh, người phụ nữ ngoài 50 tuổi này tỏ ra rất hoạt bát, dí dỏm khi nói chuyện với người nhà bệnh nhân. Khi một số người thắc mắc về “tài chữa bệnh” của bà thì được bà chia sẻ: “Một lần, bà bị sét đánh không chết. 

Sau đó một thời gian, bà thường xuyên bị “thánh mẫu thượng ngàn” hành và về báo mộng bà sẽ được lộc. “Thánh mẫu” cho bà khả năng bói, nhìn được tương lai, nhìn thấu cõi âm nhưng bà không nhận, “thánh mẫu” giao cho bà nhiệm vụ chữa bệnh cứu người, phải giúp dân chúng chữa những bệnh hiểm nghèo mang lại phúc đức cho con cháu”.

Anh C - một người tới khám bệnh lần 2 tại nhà bà Thược - chỉ vào ngôi nhà to đùng của bà và cho biết: “Trên tầng hai là bàn thờ “thánh mẫu”, tôi chữa ở đây lâu nhưng không dám lên đó, chỉ biết mỗi buổi sáng bà Thược đều lên đấy thắp hương và xin “thánh mẫu” ban lộc để chữa bệnh, cứu người. Chúng tôi đến đây chữa bệnh cũng muốn ăn lộc từ “thánh mẫu”, chỉ cần có tâm thì bệnh gì cũng có thể khỏi”.

{keywords}
Ông Nguyễn Như Luyến cho biết bà Thược không được cấp phép chữa bệnh và không qua trường lớp đào tạo y học nào.

Không được cấp giấy phép chữa bệnh

Tìm hiểu, chúng tôi được biết người dân địa phương không ai đến khám, chữa bệnh tại nhà bà Thược mà chỉ có những người ở xa đến. Bà Lê Thị X (70 tuổi, trú cùng thôn với bà Thược) cho biết: “Tôi chẳng hiểu sao người ta cứ nườm nượp kéo đến đông thế chứ ở đây có ai khám chữa đâu. Cháu tôi cận nặng lắm nhưng tôi cũng chẳng có ý định đưa tới nhờ bà ấy chữa trị, có bệnh thì phải tới bệnh viện chứ chữa bệnh chỉ bằng cái gai bòng mà khỏi thì khó tin quá”.

Cùng quan điểm với bà X, chị Ngô Thanh H (người đã 5 năm làm dâu tại làng Mao Yên) cho biết: “Tôi cũng nghe nhiều người nói bà Thược chữa bệnh nhưng có thể “Bụt chùa nhà không thiêng” nên người dân ở đây thờ ơ lắm, có đến khám bao giờ đâu. Tôi nghe bố mẹ chồng nói rằng bà ấy chỉ chữa ghẻ được thôi vì bà ấy lấy gai bòng khêu con ghẻ cái ra, còn chữa cận thị bằng gai bòng thì tuyệt nhiên tôi không bao giờ tin”.

Ông Nguyễn Như Luyến - Bí thư chi bộ thôn Mao Yên - cho biết: “Bà Thược khám chữa bệnh cách đây đã hơn 10 năm. Trước đây, khi bà ấy về làm dâu đất này không có nghề nghiệp gì mà chỉ cấy mấy sào lúa. Sau đó, bà ấy được mẹ chồng truyền cho nghề khám chữa bệnh ngoài da như ghẻ, vẩy nến. 

Việc bà ấy chữa cận thị tôi đã nghe nhiều người nói nhưng bản thân tôi cũng không tin vào việc này. Mấy năm trước, người đến khám đông lắm, chị gái bà ấy còn cho thuê nhà trọ để khách ngủ lại qua đêm, nhưng mấy năm gần đây thì ít người hơn. Bà ấy không có trình độ hay học vấn gì liên quan tới ngành y nên không được cấp phép khám chữa bệnh. 

Bà ấy cũng không treo biển quảng cáo mà người ta cứ kéo tới rồi tự nguyện cảm ơn bà ấy 50.000, 100.000, 200.000 đồng. Trước kia, có khi bà ấy kiếm được hàng triệu đồng mỗi ngày, nhưng đều do người bệnh tự nguyện nên chúng tôi cũng rất khó xử lý”.

Ông Nguyễn Mậu Hiền - Phó Chủ tịch UBND xã Phượng Mao cũng khẳng định: “Bà Thược không được cấp phép khám chữa bệnh vì không qua trường lớp y học nào. Chúng tôi đã xuống kiểm tra và yêu cầu bà này dừng hoạt động chữa bệnh, nhưng cũng khó cho địa phương vì người bệnh cứ kéo đến nhờ bà Thược chữa. Hơn nữa, bà Thược cũng không hề mặc cả chuyện tiền nong mà mọi người tùy tâm nên chúng tôi rất khó giải quyết dứt điểm”.

Nói về việc bà Thược chữa các bệnh vẩy nến, đặc biệt là cận thị chỉ bằng chiếc gai bòng, bác sĩ Nguyễn Đông Hưng (Bệnh viện Quân y 103) cho biết: “Tôi chưa từng nghe cách chữa bệnh cận thị trong dân gian hay y học hiện đại nào bằng cách lấy gai bòng khêu khêu cái gì đó trong mắt. 

Đó là cách làm phản khoa học và cực kì nguy hiểm, chỉ cần sơ xuất một chút là có thể làm nhiễm trùng giác mạc người bệnh khiến thị lực không những giảm sút mà còn có thể gây mù, lòa. Hơn nữa, dù người bệnh không bị gai chọc vào mắt thì đầu gai bòng cũng có nhiều vi khuẩn, nấm nên rất dễ nhiễm trùng. 

Đó là chưa kể tới việc bà Thược lau đầu gai bòng bằng bông không vệ sinh. Bệnh nhân không nên tin tưởng, giao phó “cửa sổ tâm hồn” mình cho những bà lang vườn như vậy, tiền mất tật mang và có thể còn ân hận suốt đời.

(Theo Lao động)