Nhận kết quả xét nghiệm ADN, có người mừng rơi nước mắt vì kết quả như mong muốn, nhưng cũng có người hoảng loạn, sụp đổ niềm tin vì sự thật tréo ngoe. Cũng không ít người vì mục đích cá nhân đã tìm cách mua chuộc kết quả với số tiền lên tới hàng tỷ đồng…

Lập mưu tráo mẫu…

22h Chủ nhật tuần trước, bà Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Trung tâm Phân tích ADN và công nghệ di truyền (Thụy Khuê, Hà Nội) nhận được một cú điện thoại. Người ở đầu dây bên kia có giọng nói trẻ, run rẩy. Cô tên là Thanh Hòa (25 tuổi, ở Hà Nam): “Cháu xin cô, nếu chồng cháu biết đứa trẻ không phải là anh ấy, cháu chỉ có nước chết thôi. Cô giúp cháu, cháu sẽ dành cả đời để tạ ơn cô, bao nhiêu cũng được cô ạ. Mẹ cháu bị bệnh tim, bà mà biết sự thật thì chết mất!”, giọng Thanh Hòa khẩn khoản. Chuyện này với bà Nga không hề lạ. Nhiều người đã tìm mọi cách mua chuộc kết quả xét nghiệm ADN. Thanh Hòa là người đã cùng chồng và con trước đó đến Trung tâm Phân tích ADN và công nghệ di truyền. Bà Nga vẫn nhớ như in ánh mắt cầu cứu của cô gái.

{keywords}

Trung tâm đã làm xét nghiệm ADN từ những em bé còn chưa… chào đời, đến cụ ông, cụ bà 80 tuổi. Ảnh: TL

Vị khách đầu tiên mà Trung tâm đón vào sáng hôm sau là một nam thanh niên. Anh mang đến hai mẫu tóc được bọc cẩn thận, điền tên bố, tên con rõ ràng và đề nghị nhận kết quả mức nhanh nhất (4 giờ) và cũng ghi luôn tên người được ủy quyền nhận kết quả là Thanh Hòa. Bà Nga đọc kỹ tờ đơn đề nghị xét nghiệm, nhớ rất rõ những cái tên quen thuộc được nhắc đến hôm qua. 12h trưa, Thanh Hòa đến nhận kết quả.

“Cô ơi, cháu tưởng hai người có gene hoàn toàn trùng nhau thì phải kết luận là hai bố con chứ?”, Thanh Hòa ngạc nhiên hỏi. “Có đứa trẻ nào sinh ra chỉ từ một mẹ không? Chắc chắn là không. Đứa trẻ nào cũng phải mang gene của cha và mẹ. Nếu gene của hai bố con giống nhau, chỉ có trường hợp người bố tự mang thai, tự sinh em bé (?!). Điều này là không thể. Hai mẫu tóc sáng nay được nam thanh niên mang đến thực chất là của một người. Chắc là anh ấy muốn Trung tâm kết luận hai người này là bố con nên đã nhổ tóc của ai đó rồi chia ra làm đôi, mang đến đây xét nghiệm. Ấu trĩ quá!”, bà Nga phân tích.

Thấy Thanh Hòa vẫn chưa hiểu, bà Nga phân tích thêm: “Nhiều người vẫn tưởng gene của bố và con hoàn toàn giống nhau. Một bảng kết quả xét nghiệm ADN bao giờ cũng có nhiều cột, mỗi cột thể hiện cho một gene và đều có hai con số. Người con phải lấy một con số từ bố và một số từ mẹ. Chỉ có thể xác định quan hệ bố - con khi tờ kết quả thể hiện mỗi cột của con đều có một con số giống hệt con số trong cột tương ứng của bố. Chỉ cần một cột nào đó không đáp ứng được điều này thì không phải là hai bố con. Ngược lại, hai người có các con số giống hệt nhau như trường hợp của cháu cũng không thể là hai bố con”.

Bà Nga nói: “Nhiều người với hi vọng có kết quả như mong muốn đã tìm cách tráo mẫu. Nếu không được, họ lại tìm cách mua chuộc, như Thanh Hòa nói. Tiền trăm triệu đồng, thậm chí là tiền tỷ đều có hết”. Để chứng minh điều này, bà Nga mở điện thoại cho chúng tôi nghe đoạn ghi âm một cuộc gọi vừa đầu tuần này. Người đàn ông trong điện thoại nói giọng Bắc, chỉ khi xác minh rất chắc chắn bà Nga là người cầm máy và ở nơi an toàn, anh mới trình bày sự việc: “Hôm qua, một người bạn của cháu đi xét nghiệm ADN, kết quả đứa trẻ không phải là con của chồng cô ấy. Cháu sợ đứa trẻ bị giết mất cô ơi! Cô giúp cháu sửa kết quả là “có”, cháu gửi cô 200 triệu đồng!”.

Bà Nga nói: “Thậm chí có người còn đe dọa, nếu không sửa kết quả như họ mong muốn, họ dọa đến nhà riêng, rồi sẽ phá tan Trung tâm… Nhưng chúng tôi kiên định, bởi nếu không làm đúng, tự khắc Trung tâm sẽ bị phá sản, không cần bàn tay can thiệp của ai, còn nếu làm đúng, không ai có thể thay đổi được sự thật”.

Không cùng nhóm máu, hộc tốc đưa con đi xét nghiệm

Ông Tùng (ở Hòa Bình) có hai người con, một trai, một gái. Trong lần đi khám sức khỏe gần đây, ông phát hiện ba bố con có ba nhóm máu khác nhau: Ông nhóm máu B, con trai ông nhóm máu AB, còn con gái lại là nhóm máu O. “Tức điên” vì nghi ngờ chục năm nay “nuôi con tu hú”, ông lập tức mang hai đứa con đi xét nghiệm ADN.

Nhưng khi cầm tờ kết quả xác định quan hệ cha - con trên tay, ông vẫn chưa tin. Vì theo ông, không cùng nhóm máu thì không thể là cha con được. “Nếu thế thì thế giới hơn 7 tỷ người, cứ người nào có nhóm máu B đều là con anh hết sao? Nó cũng vô lý như việc không phải cứ khác nhóm máu thì đó không phải là con mình”, bà Nga giải thích. Theo bà, không thể chỉ dựa vào nhóm máu A, B, O, AB để xác định chắc chắn hai người có cùng huyết thống hay không. Chỉ một số trường hợp có thể xác định người không cùng huyết thống, đơn cử như trường hợp của Quỳnh, một cô gái trẻ ở TPHCM.

Trong cuộc điện thoại “tự thú” với bà Nga, Quỳnh kể, trước khi cưới mấy ngày, cô đã “qua lại” với người yêu cũ. Sau đám cưới được 4 tuần, cô có bầu. Con được 1 tuổi, cô vẫn không biết ai là bố bé vì cháu mang nhóm máu O, còn chồng cô lại mang nhóm máu AB. Cô muốn làm xét nghiệm ADN để biết chính xác. “Với trường hợp này, chúng tôi chắc chắn đứa bé không phải là con của chồng cô ấy được. Nếu cả bố và mẹ có nhóm máu AB thì con chỉ có thể mang nhóm máu A, B hoặc AB, không thể nào là O nên không cần xét nghiệm ADN cũng khẳng định được”, bà Nga chia sẻ.

Chúng tôi hỏi bà Nga: “Trường hợp đến xét nghiệm ADN nào khiến bà phẫn nộ nhất?”. Không lưỡng lự, bà Nga trả lời ngay, đó là một số anh chàng nhận được kết quả xác định cha – con. Họ viện mọi lý do để chối bỏ con đẻ, có khi vì con đẹp/xấu hơn cha, có khi chỉ vì “thầy bói phán”, hoặc vì băn khoăn sao vợ chỉ mang thai 37 tuần (sinh non). Bà bảo: “Vừa buồn, vừa phẫn nộ. Số người này tuy chiếm tỷ lệ không đáng kể, nhưng đều có phản ứng quyết liệt. Câu đầu tiên khi họ cầm kết quả trong tay là: “Nó không thể là con tôi”.

Lý giải điều này, bà Nga cho rằng, có thể họ không ngờ tính chính xác của công nghệ xét nghiệm ADN nhưng lại nghi ngờ tính trung thực của những người đang giúp họ tìm ra sự thật. Cũng không loại trừ trường hợp họ cần một kết quả để thực hiện ý đồ như mong muốn.

Bà Nguyễn Thị Nga chia sẻ: “70 tuổi, nhưng tôi cũng sử dụng điện thoại như thanh niên đấy! Vì yêu cầu công việc, tất cả cuộc gọi đến tôi đều ghi âm lại, mọi tin nhắn được lưu, camera cũng được cài đặt mọi nơi, lưu lại hình ảnh của các vị khách, đề phòng họ “quấy rối” Trung tâm. Nếu họ làm càn, chúng tôi sẽ báo công an ngay! Việc xét nghiệm ADN, tôi vẫn nghĩ, nếu những người trong gia đình có lòng tin với nhau, thương yêu nhau và cuộc sống gia đình không gặp éo le gì thì… không nên đi làm xét nghiệm”.

* Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi

(Theo Báo Gia đình & Xã hội)