Việc triển khai đồng bộ, kịp thời các chính sách dân tộc, thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội đã giúp nhiều địa phương xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Lạng Sơn: Hỗ trợ đồng bào dân tộc thoát nghèo

Tại Lạng Sơn, để các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng khó khăn có thêm điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực và triển khai, thực hiện lồng ghép kết hợp với các chính sách đầu tư của Chính phủ như: Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; vay vốn và chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn...

Trong đó, tỉnh Lạng Sơn ưu tiên đầu tư về nhà ở, nước sạch, nhà vệ sinh... cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tỉnh lồng ghép việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo nói chung và các chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn với Chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội khác.

 


Lạng Sơn chú trọng tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các nguồn vốn, thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn; thực hiện khuyến nông, khuyến công và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất đối với hộ nghèo theo quy định.

Các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được ưu tiên; xây dựng và nhân rộng các mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững.

Theo đó, năm 2017, tỉnh Lạng Sơn phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 3% trở lên; hỗ trợ 15.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội; đảm bảo 100% người nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được cấp thẻ Bảo hiểm y tế.; 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh, sinh viên các đối tượng chính sách... được miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập; hỗ trợ dạy nghề cho 1.000 lao động nông thôn, chú trọng lao động thuộc hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc, hộ mới thoát nghèo.

Thực tế, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đã tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; từng bước thay đổi tập quán sản xuất, mở rộng quy mô và dịch vụ phục vụ sản xuất, làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

Nhiều đề án giảm nghèo ở Lai Châu

Là tỉnh miền núi, biên giới, Lai Châu có 80% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, Lai Châu luôn xác định việc thực hiện tốt các chính sách dân tộc để giúp cho đồng bào phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Lai Châu đã và đang triển khai một số chính sách cho đồng bào dân tộc để bà con có điều kiện phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo như: Chương trình 135 được triển khai trên địa bàn 62 xã, 696 bản; Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống trên địa bàn 3 huyện; Đề án sắp xếp dân cư 02 xã Tà Tổng, Mù Cả, huyện Mường Tè; Chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc; Chính sách cấp Báo, tạp chí; Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân; Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số…

 


Được hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ giống nông nghiệp, tập huấn khoa học kỹ thuật khuyến nông, các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đưa các loại giống mới năng xuất chất lượng cao vào gieo trồng để phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2012 - 2016, đã có trên 14.000 lượt hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ theo Chương trình 135 của Chính phủ về cây trồng, vật nuôi, máy móc; thực hiện đầu tư 295 công trình; duy tu, bảo dưỡng 174 công trình giao thông, thủy lợi; nước sinh hoạt; nhà văn hóa; trường, lớp học... với số tiền 514.098 triệu đồng; chính sách định canh định cư năm 2016 với 40.000 triệu đồng; chính sách hỗ trợ cho người dân theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg là 8.783 triệu đồng; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo Quyết định 755/QĐ-TTg ...

Các chính sách đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi được thực hiện đồng bộ tại Lai Châu đã đạt được nhiều hiệu quả thiết thực, giúp cải thiện đời sống của đồng bào thiểu số nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 5% - 7%/năm.

M.M - Thu Hương (tổng hợp)