“Tôi chẳng bao giờ khóc thương cho những người nghèo chỉ biết "than thân trách phận", nhưng không chịu làm cái gì để thoát ra khỏi hoàn cảnh đó. Họ cứ ngồi chờ, để mà xin xỏ, để mà được thương hại, mà cầu xin sự hảo tâm của mọi người hết năm này đến năm khác”. Chị Trần Thị Bích Hà, Giám đốc công ty du lịch TransViet nêu quan điểm.


Mới đây một bài viết về cách nhìn nhận việc người dân Sa Pa có thực sự nghèo cần được ủng hộ trong mùa mưa tuyết của một bạn trẻ làm trong lĩnh vực du lịch chia sẻ đang gây sốt trên mạng xã hội.

{keywords}

Hình ảnh trẻ em vùng cao cởi trần trong giá rét được chia sẻ trên mạng xã hội để xin quyên góp từ thiện

Theo đó nickname K.O cho hay dù bản thân làm trong công ty kinh doanh du lịch Sa Pa nhưng chưa bao giờ thấy các công ty kêu gọi ủng hộ bởi cô đã chứng kiến được những nghịch cảnh trong mùa tuyết như nạn xin tiền, xin đồ ăn của các em nhỏ...

“Bản thân là một đơn vị kinh doanh du lịch Sapa nhưng em lại thấy nó bi hài. Người dưới xuôi nhìn nhận mọi việc qua những bức ảnh. Và thậm chí cả người chụp cũng chưa chắc đã tìm hiểu câu chuyện như thế nào?

Mỗi năm có hàng nghìn dự án từ thiện cấp nhà nước, cấp tỉnh, cấp huyện, các cơ quan đoàn thể, cá nhân chỉ tập trung tại Sapa. Đầu tư cơ sở vật chất, trường học, toilet tốt gấp đôi gấp ba lần dưới xuôi. Mỗi lần ủng hộ là cả trăm chiếc áo quần,  ngàn đôi ủng và sách vở dùng cả chục năm không hết từ bộ Giáo dục.Vậy thì tại sao chúng ta còn nhìn thấy những nghịch cảnh của mùa tuyết?...

Vì bố mẹ các em. Chứ không phải vì Sapa có tuyết mà như vậy”, K.O cho biết.

K.O kể, “Mình từng chứng kiến việc một em bé "bố mẹ đã mất" chạy tới xin tiền, và em cũng kể hệt câu chuyện như vậy cho những người du khách khác nhằm một mục đích. "Câu chuyện có thật. Vui mà cười ra nước mắt”.

K.O nêu quan điểm: “Nếu du khách không đến thì tuyết có ngừng rơi không? Sapa, Hà Giang, Mộc Châu, Lạng Sơn có hết lạnh được không? Du khách đến cũng là một phần đóng góp cho du lịch, cũng góp công phát triển kinh tế cho cả một vùng đất..”.

Theo K.O, “Làm từ thiện xuất phát từ cái tâm. Nhưng sẽ có ý nghĩa hơn nếu được đặt đúng lúc, đúng chỗ. Đông Tây Bắc còn rất nhiều nơi khó khăn. Hãy cùng nối vòng tay lớn để trải dài những tấm lòng nhân ái đến với những nơi xa xôi, những nơi khó khăn hơn huyện Sapa. Những nơi không có du lịch như Mộc Châu (Sơn La), Bát Xát (Lào Cai), Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lai Châu còn nhiều xã nghèo”.

Đừng chỉ “ngửa tay xin tiền”

Theo chị Trần Thị Bích Hà, Giám đốc công ty du lịch TransViet chia sẻ: "Khi bắt đầu làm công tác từ thiện bản thân doanh nghiệp, cá nhân phải thật tỉnh táo nếu không muốn dạy người nghèo chỉ biết "ngửa tay xin tiền" hết năm này đến năm khác".

Chi Bích Hà nêu quan điểm: “Riêng tôi, tôi chẳng bao giờ khóc thương cho những người nghèo chỉ biết "than thân trách phận", nhưng không chịu làm cái gì để thoát ra khỏi hoàn cảnh đó. Họ cứ ngồi chờ, để mà xin xỏ, để mà được thương hại, mà cầu xin sự hảo tâm của mọi người. Chúng ta chỉ nên giúp những người "sa cơ lỡ vận", chẳng may bị bệnh tật, để họ vượt qua những sự "kém may mắn" trong cuộc sống”, chị Bích Hà nói.

Chị Hà cũng thẳng thắn: “Làm từ thiện chúng ta không nên quá dễ dãi sẽ khiến những đứa trẻ  quen với việc được mọi người giúp đỡ bằng cách phân phát thức ăn, nhu cầu yếu phẩm hay tiền bạc mỗi khi đến đây. Cho nên chúng ngang nhiên đứng trên đường chờ những chuyến xe thiện nguyện đến phát quà.

Tôi cũng  kịch liệt phản đối việc nhiều phụ huynh sử dụng con cái, bắt chúng "ăn đói mặc rách", thậm chí không cho mặc quần áo dưới trời lạnh, để gợi lòng thương hại của mọi người rồi ngửa tay xin tiền. Một xã hội có quá nhiều người "xin và cho", không bao giờ là một xã hội lành mạnh, có đạo đức”.

Một góc nhìn rất khác, chị Phạm Lệ Thủy, Giám đốc chi nhánh Fiditour phía Bắc cho rằng: "Là một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch nhiều năm, tôi nhận thấy rằng có một thực tế đang tồn tại là nhiều tổ chức, cá nhân gọi là hảo tâm lợi dụng lòng tốt của dân chúng và kêu gọi loạn xạ từ thiện mà không biết có thực sự người dân họ có nhận được không? Hay một số cá nhân khác đi làm từ thiện cũng chỉ mục đích đi chơi, khoe mẽ...

Mấy hôm nay theo dõi tin liên tục tôi thấy sửng sốt quá. Nhìn những em bé trẻ thơ trần truồng trong giá rét mà thương vô cùng. Thật ra nếu lên tận núi mà ở vài ngày, sẽ thấy rất ít những nhà nghèo đến nỗi không có quần cho trẻ con. Vậy lỗi để những em bé ấy trần truồng ở đây là do ai? Lỗi do phía bên cha mẹ chúng vô ý thức, không biết mặc ấm cho con, bảo vệ con mà thôi".

Thanh Hải