- Đạo diễn Vạn Nguyễn được biết đến hàng chục show diễn thành công trong suốt thời gian qua. Anh cũng là gương mặt được các nghệ sĩ tên tuổi đặt hàng làm show như nghệ sĩ Hoài Linh, danh ca Ý Lan, Giao Linh, Quang Lê, Bằng Kiều...

Ngại nói về bản thân nhưng khi được hỏi về nghệ thuật cho tới sân khấu thì Vạn Nguyễn nói một cách say mê và trau chuốt tỉ mẩn như những đêm diễn của mình vậy.

{keywords}

Đạo diễn Vạn Nguyễn 

Nhiều chương trình không có nghĩa khán giả Hà thành dễ tính hơn

Hiện tại sân khấu ca nhạc phía Bắc rất nở rộ, bằng chứng là tuần nào cũng có show lớn diễn ra. Theo anh, thị hiếu Hà Nội đã “dễ tính” hơn xưa?

Xét từ góc độ nhu cầu thưởng thức, có thể nói người Hà Nội mang đặc trưng của cư dân đô thị tại một nơi là thủ phủ văn hóa trên một ngàn năm qua. Vì vậy tìm hiểu và thưởng thức nghệ thuật là nhu cầu hằng trong đời sống tinh thần, nó rất mạnh mẽ và phong phú, nên người Hà Thành có một tình yêu khá đặc biệt với những chương trình biểu diễn nghệ thuật nói chung và các chương trình ca nhạc nói riêng. 

Trong bối cảnh từ những năm 2015, 2016 trở lại đây, sự nở rộ của các liveshow âm nhạc tại các trung tâm biểu diễn lớn tại Hà Nội như Cung Hữu Nghị, Nhà Hát Lớn, Trung tâm Hội nghị Quốc gia hay Nhà hát Âu Cơ là một minh chứng thuyết phục cho nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân Thủ Đô ngày càng phong phú. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là người dân Hà Thành đã dễ tính hơn xưa.

Chỉ những liveshow nghệ thuật với sự đầu tư nghiêm túc, gu âm nhạc tinh tế và sự dàn dựng tốt, ca sĩ được mời là những giọng ca thành danh đúng với dòng nhạc đó thì mới “cháy vé”, khách đến chật rạp, còn những chương trình làm theo “phong trào” của những công ty chưa thực sự chuyên nghiệp, format chương trình không đúng thị hiếu thì vẫn còn nhiều show diễn thừa vé, trống ghế... 

Đó là sự chọn lọc rất tinh tế từ phía khán giả. Điều này càng làm cho các nhà tổ chức qua mỗi chương trình đều phải nhìn lại và có sự đánh giá, rút kinh nghiệm nghiêm khắc cho các show diễn sau.

{keywords}

Anh cũng là gương mặt được các nghệ sĩ tên tuổi đặt hàng làm show.

So với mặt bằng TP.HCM thì có thể chưa bằng, nhưng nhiều đơn vị phía Bắc đã đầu tư cho âm nhạc và bối cảnh sân khấu. Có thể nói tới sự kiện lên ngôi của những “sân khấu tiền tỉ”, “đêm nhạc kim cương”. Là đạo diễn chuyên nghiệp anh nhìn nhận thế nào về điều này?

Không thể phủ nhận rằng mặt bằng chung của sân khấu ca nhạc thời gian gần đây đẹp hơn lên rất nhiều so với trước. Một số nhà tổ chức đã rất quan tâm tới sự đầu tư cho phần “nhìn” thay cho chỉ chú trọng phần “nghe” như trước đây. 

Có câu là “xem ca nhạc” chứ không chỉ đơn thuần là đi “nghe ca nhạc”, điều này có nghĩa là ngoài nhu cầu thưởng thức giọng ca, bản phối hay với một chất lượng âm thanh tốt, sân khấu hiện nay đã chiếm một vị trí rất quan trọng trong thưởng thức nghệ thuật của khán giả. 

Tất nhiên không phải đơn vị nào cũng tập trung đầu tư cho sân khấu, điều này cũng là dễ hiểu vì một thực tế là đầu tư cho hạng mục này sẽ không có giới hạn, dao động từ một hai trăm triệu cho đến vải tỉ tùy thuộc vào các thiết bị kỹ thuật, các bối cảnh dàn dựng và những vật liệu sử dụng. 

Do sự tốn kém kinh phí nên những chương trình có doanh thu không cao sẽ rất khó để đáp ứng điều này, dẫn đến có chương trình công phu, hoành tráng đến từng tiết mục (đôi khi còn cầu kỳ quá tới rườm rà), nhưng cũng có nhiều chương trình chỉ duy nhất một bối cảnh đó và ca sĩ cứ theo thứ tự giới thiệu của MC ra hát đều đặn đến hết. 

Đó là một thực tiễn của sân khấu ca nhạc hiện nay, mỗi nhà tổ chức đều có lí do riêng để lựa chọn kiểu xây dựng sân khấu của mình. Tuy nhiên trên tinh thần chúng ta đều thấy một cách tổng quan là đẹp hơn, công phu hơn và thẩm mỹ hơn trên bình diện chung so với trước.

Sân khấu lạm dụng công nghệ

Những mảng miếng mà các đạo diễn thường đưa liệu có giống nhau khi sân khấu đôi khi bị trùng nhau về ý tưởng? Đặc biệt sự xuất hiện của những màn hình led đôi khi làm mất sự tập trung của khán giả trên sân khấu khi ca sĩ đang hát live?

{keywords}

Đạo diễn Vạn Nguyễn và ca sĩ Tùng Dương.

Có một yếu tố mà nhiều đạo diễn hoặc các nhà tổ chức hay ưu tiên sử dụng hiện nay trong dàn dựng sân khấu là màn hình điện tử - Led. Đây là một sản phẩm của khoa học kỹ thuật trong ứng dụng ở lĩnh vực nghệ thuật. Nó có một ưu thế đặc biệt là trình diễn được mọi khung hình - Visual - theo ý đồ của người dàn dựng, từ ngọn núi, mặt biển, dòng sông cho đến tòa nhà chọc trời, những cơn giông tố hay cánh rừng cuối chiều, hoàng hôn lá vàng hay đêm mưa tuyết trắng... tất cả đều thể hiện được với độ nét ngày càng cao.

Với sự thần kỳ về tính năng như vậy nên rất dễ hiểu vì sao màn Led xuất hiện trong hầu hết show diễn ca nhạc ở các trung tâm lớn, việc sử dụng màn hình led đã thay thế cho rất nhiều những bối cảnh sân khấu trước đây.

Tuy nhiên cũng vì sự hữu ích này mà có đôi khi chúng ta lạm dụng, nhiều chương trình bây giờ hầu như không có một bố cục nào khác ngoài một màn hình led đặt chính giữa, và đến bài nào tả về khung cảnh nào ta lại bật hình ảnh đó mang tính trực quan minh họa tại chỗ (tựa tựa như coi tivi)... 

Vậy là vô hình chung những ý tưởng sáng tạo, những thiết kế mỹ thuật, những phong cách dàn dựng chỉ còn xoay gọn trong việc làm ra những Visual thật đẹp. Tất cả phần nhìn, những cảm quan thẩm mỹ chỉ còn tập trung cho một hoặc vài màn hình màu mè trên sân khấu.

Trong Live Concert “Trịnh ca - Lời huyền thoại” vừa qua tại Cung Hữu nghị Hà Nội, thay bằng việc đưa hình ảnh một cây huyền thoại xuất hiện trên màn hình điện tử, để đẩy tối đa tầm vóc của “Cây huyền thoại” mang hình ảnh cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn, tôi đã làm việc với tổ họa sĩ thiết kế dựng hẳn một cây huyền thoại bằng chất liệu composite với chiều cao 8m và ngang 14m. 

Đây là một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật hoàn toàn với kích thước khổng lồ và tốn phí gấp hàng trăm lần so với việc tạo visual hình ảnh cây cổ thụ trên màn hình Led.

{keywords}

Đạo diễn Vạn Nguyễn chụp cùng vợ chồng danh ca Giao Linh.

Tôi nghĩ không chỉ tôi, mà một số đạo diễn vẫn luôn hướng đến một phương pháp xây dựng sân khấu như một tác phẩm nghệ thuật lớn, và đưa khán giả đến với cung bậc cảm xúc cao nhất của bài hát, của đêm diễn với bối cảnh lộng lẫy và thẩm mỹ.

Cái tài tình của một đạo diễn ngoài sự hiểu biết còn cần những gì nữa?

Tôi nhớ mãi một câu nói của Thầy tôi - NSND Nguyễn Ngọc Phương, thầy nói người đạo diễn không được phép nói “không biết” với những gì liên quan đến công việc mình làm. Điều này quả thực là rất khó, nhưng với tôi câu nói ấy luôn là một tôn chỉ của nghề, tôi luôn cố gắng học hỏi, tìm hiểu và nghiên cứu những gì có thể bổ trợ cho chuyên môn, từ cái gốc của ngành Văn hóa học (tôi tốt nghiệp ĐHVH và Th.s Văn hóa học rồi mới bước chân vào học Đạo diễn chuyên nghiệp), những kiến thức nền tảng về văn hóa Việt Nam, cho đến những chặng đường phát triển sân khấu và những loại hình nghệ thuật tôi đều cố gắng tìm hiểu... 

Và quả thực càng học hỏi càng thấy mình nhỏ bé, bao nhiêu những kiến thức mình biết tôi đều cố gắng vận dụng cho tác phẩm. Và có một điều đối với nghề đạo diễn nói riêng và mọi ngành nghề nói chung đều không thể thiếu được, đó chính là tình yêu nghề. Không một ai có thể thành công thật sự nếu thiếu đi lòng yêu nghề và sẽ ít người tin là nghề đạo diễn lại vất vả đến thế.

An An