- “Nói đến thời bao cấp, ai cũng biết là thiếu thốn nhưng cũng chính vì thiếu thốn nên người người, nhà nhà đều chờ đợi và háo hức khi Tết đến”, nghệ nhân Ánh Tuyết (Mã Mây, Hà Nội) chia sẻ.

30 năm sau cái Tết cuối cùng của thời bao cấp, trong tâm trí của bà Phạm Ánh Tuyết, nghệ nhân dân gian duy nhất trong lĩnh vực ẩm thực được Nhà nước phong tặng, vẫn luôn hiện hữu những kỷ niệm khó quên.

Bà Tuyết cho biết: “Thời bao cấp vì cả năm thiếu thốn nên người người, nhà nhà đều khấp khởi, háo hức chờ Tết đến. Bây giờ, cái gì cũng đủ đầy khiến con người trở nên thờ ơ”, bà Tuyết nói.

Đi ngoài đường, nhìn bóng dáng người đi xe đạp, chở phía sau là những bó củi để nấu bánh chưng, người ta đã cảm nhận được cái không khí Tết đang về. Đối với người Hà Nội thời kỳ này, những ngày giáp Tết sẽ không bao giờ quên được không khí mua hàng ở các cửa hàng mậu dịch, bách hóa.

{keywords}
Nghệ nhân Ánh Tuyết

“Mặc dù 5h30 sáng các bách hóa, mậu dịch mới mở cửa nhưng nhiều gia đình đã í ới gọi nhau đi xếp hàng từ 4h sáng. Có người còn cẩn thận dậy từ 1, 2 giờ sáng để mua được hàng tươi, ngon hơn”, bà Ánh Tuyết kể.

Bà cho biết thêm, tùy theo gia đình, chế độ tem phiếu sẽ khác nhau. Nếu gia đình đó chỉ được mua 1 lạng thịt họ sẽ chọn mua thịt thủ, sườn, thịt chân giò… Bởi thịt này có xương, từ chế độ 1 lạng, họ sẽ được mua 2 lạng. 

Muốn mua được loại này, họ lại phải xếp hàng từ sớm. Bởi vậy xung quanh việc xếp hàng cũng có rất nhiều chuyện bi hài.

Bà Tuyết kể: “Những ngày giáp Tết, trời rất rét. Cái lạnh thấu da thấu thịt, chúng tôi đi ngoài đường nghe gió rít qua từng tán cây, mái ngói. Dậy sớm đến được của hàng mậu dịch, người nào người nấy chân tay lạnh cóng. 

Vì bận mua nhiều mặt hàng hoặc gia đình ít người không thể xếp hàng từ sáng đến trưa nên người ta nghĩ ra nhiều cách. Một trong cách đó là "nhờ" những viên gạch, chiếc nón rách… thế chỗ và không quên dặn người quen ở đó trông hộ.

Ban đầu mọi người xếp hàng rất nghiêm chỉnh thế nhưng nhìn thấy xe xích lô chở đồ về đến cửa hàng, tất cả lại ùa lên, nháo nhào. Những viên gạch, những chiếc nón rách cũng vì thế mà bị xô đẩy lung tung.

{keywords}

Cửa hàng mậu dịch phục vụ Tết Bính Thân 1956 tại Hà Nội (Ảnh: TTXVN)

Đến khi nhân viên bảo vệ ra ổn định lại hàng lối, tất cả lại nháo nhác đi tìm viên gạch hay cái nón vốn là vật tượng trưng để việc xếp hàng của người quen. Họ nhao nhao hỏi nhau: “Cái nón của tôi đâu? Viên gạch đâu rồi?”, tạo nên không khí rất ồn ã".

Bà kể thêm: "Thậm chí vì chuyện viên gạch mà người ta cãi cọ, xích mích nhau ngay tại chỗ. Đó là chuyện hai nhà cùng đặt 2 viên gạch để xếp hàng nhưng lúc quay lại thì chỉ còn lại 1 viên. Ai cũng nhận đây là của mình. Người này kêu lên: “Viên gạch này bị vỡ là của tôi, còn nãy anh đặt viên gạch nguyên lành cơ mà” nhưng người kia cũng không chịu. Cãi qua cãi lại thế là 2 người lao vào đánh nhau”.

Không phải cứ xếp hàng, cứ đi sớm là mua được hàng. Nhiều người có mặt từ sớm nhưng đến lượt thì hết hàng đành tiu ngỉu ra về.

Chính vì việc mua sắm tốn thời gian nên để chuẩn bị cho một cái Tết đầy đủ, người ta phải rục rịch lo toan từ trước đó cả tháng.

“Đầu tiên chúng tôi mua hàng khô như măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương..., gần Tết mới mua đồ tươi là các loại thịt, giò. Sau đó mọi người trang hoàng nhà cửa và chế biến thực phẩm như làm bánh, mứt, bánh chưng...

Tất cả đều được làm thủ công nên rất vất vả và mất thời gian. Rửa xong lá dong, đãi xong đỗ để nấu bánh chưng, chân tay đông cứng lại. Quét mạng nhện, quét vôi, lau bàn thờ... cũng mất cả ngày", bà Ánh Tuyết cho biết.

Một điểm nhấn nữa trong ẩm thực Tết của người Hà Nội là món bánh quy gai, quy xốp. Để có món này nhiều gia đình đã phải chuẩn bị bột, đường, trứng gà để làm bánh từ nhiều tháng trước. Họ tích góp tem phiếu mua bột mỳ. Tích góp đường từ cả nửa năm. Sau nữa lại phải mua trứng gà cũng bằng tem phiếu.

Trước Tết, người Hà Nội mang nguyên liệu ra tiệm làm bánh của hợp tác xã để chờ đến lượt làm. Có người để đấy hôm sau ra lấy bánh nhưng cũng có người chờ đợi để mang về luôn. Giáp Tết đông người làm, có gia đình phải chờ từ sáng đến chiều tối mới đến lượt.

Bánh mang về rồi, người ta lấy giấy báo ủ kỹ, cho vào trong những chiếc thùng tôn đựng gạo để bánh giòn. Đến Tết họ trịnh trọng mang ra tiếp khách.

{keywords}

Thiếu nữ Hà Nội đi chợ hoa Tết Kỷ Hợi 1959 (Ảnh: TTXVN)

Bà Tuyết kể thêm, các cô gái Hà Thành xưa rất khéo tay. Mứt được phân phát không đủ họ đã tự tay làm các loại mứt, bánh. Mứt phổ biến vẫn là mứt gừng, mứt bí, mứt cà rốt… Các loại bánh thời đó là bánh vòng, bánh su sê, bánh củ cải, bánh cốm mốc…. 

Các cô gái Hà Nội xưa cũng không quên cắm một bình hoa “thập cẩm” trang trí nhà với nhiều loại: hoa dơn, thược dược, violet, hoa đồng tiền… 

“Khách đến nhà nhìn miếng mứt đẹp mắt, ngon miệng nhìn bình hoa rực rỡ là biết ngay trong nhà có cô con gái lớn đến tuổi cập kê và khéo tay. Câu chuyện có lẽ cũng vì thế mà rôm rả hơn…”, Nghệ nhân Ánh Tuyết hóm hỉnh cho biết.

Tết thời bao cấp: Đau đầu thái lá gan lợn thành 45 phần

Tết thời bao cấp: Đau đầu thái lá gan lợn thành 45 phần

“Một lá gan lợn chúng tôi phải thái thành 45 miếng để đủ cho 45 người. Thế mà Tết vẫn cứ rộn rã tiếng cười …” - nhà văn Lê Tự (SN 1955) nhớ lại cái Tết của nhiều năm về trước.

Tội 'tày đình' của cậu bé nghèo đêm 30 Tết

Tội 'tày đình' của cậu bé nghèo đêm 30 Tết

“Trong lúc trông nồi bánh, chúng tôi hát đủ bài, chơi đủ trò rồi ngủ quên lúc nào không biết. Thấy nồi bánh cháy khét, bố tôi giận lắm…”.

Tiền bị mối ăn, mẹ nghèo khóc ròng vì mất Tết

Tiền bị mối ăn, mẹ nghèo khóc ròng vì mất Tết

"Trước Tết nhà tôi lợp lại mái tranh, cũng là lúc mẹ tôi lấy số tiền tiết kiệm từ đây xuống. Vậy mà, bà bàng hoàng phát hiện toàn bộ tiền bị mối ăn. Năm đó nhà tôi mất Tết…", nhà văn Lê Tự chia sẻ.

Vũ Lụa - Ngọc Trang