- "Mặc dù giàu có, cao lương mĩ vị trên đời đều được nếm qua nhưng doanh nhân Bạch Thái Bưởi vẫn thích ăn những món ăn giản dị như xôi dừa, mứt dừa" - bà Quế Hương chia sẻ.

Món ăn đặc biệt trong ngày Tết của gia đình doanh nhân lừng danh

Những ngày giáp Tết Mậu Tuất, tiết trời vẫn còn khá lạnh, tôi tìm đến căn hộ của bà Bạch Quế Hương - người chắt nội chịu trách nhiệm thờ cúng, trông nom phần mộ của doanh nhân Bạch Thái Bưởi (1875 -  1932), một trong bốn người giàu có nhất Việt Nam vào những năm đầu của thế kỷ 20.

{keywords}
Doanh nhân Bạch Thái Bưởi (1875 - 1932).

Bên ấm trà nóng bốc khói nghi ngút và khay mứt dừa đượm hương vị sầu riêng tự tay làm, bà trò chuyện với tôi về vị doanh nhân tiếng tăm lừng lẫy vào đầu thế kỷ 20.

Chắt nội doanh nhân Bạch Thái Bưởi cho biết, ông nguyên gốc người họ Đỗ ở Yên Phúc, huyện Thanh Trì, Hà Đông (cũ), nay là Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội. Khởi nghiệp từ đồng vốn bán củi, doanh nhân Bạch Thái Bưởi đã tạo nên một cơ ngơi khổng lồ với nhiều lĩnh vực khác nhau như khai thác mỏ quặng, buôn gỗ, mở nhà in, thành lập xưởng đóng tàu. Đặc biệt, doanh nhân Bạch Thái Bưởi còn được mọi người đặt cho danh xưng “vua tàu thủy”.

Nhiều giai thoại về sự giàu có của ông được truyền tai nhau cho đến ngày nay, như chuyện chiếc xe hơi dát vàng, gia tài đồ sộ cùng bản di chúc 30 trang để lại cho hậu thế...

Giàu có nức tiếng, sớm tiếp cận với nền văn minh phương Tây, vì thế "vua tàu thủy" Bạch Thái Bưởi có cuộc sống khá xa hoa nhưng ít ai biết ông có những sở thích rất đỗi giản dị.

Bà Quế Hương tâm sự, ngày bé bà hay được bố và người lớn trong nhà kể cho nghe về doanh nhân Bạch Thái Bưởi. Bà đặc biệt ấn tượng với câu chuyện món quà ngày Tết doanh nhân Bạch Thái Bưởi tặng cho khách mỗi khi đến chơi nhà.

Bà Quế Hương nói: “Thời kỳ làm khai thác quặng và tàu biển, cụ Bưởi chủ yếu sống ở Hải Phòng trong một căn biệt thự lớn gần trung tâm thành phố.

{keywords}
Bà Bạch Quế Hương cùng chồng và con gái (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Mặc dù cao lương mĩ vị trên đời cụ Bưởi đều được nếm qua nhưng cụ vẫn thích ăn xôi dừa và mứt dừa. Những món dân dã này cụ Bưởi có thể ăn vài ngày không thấy chán. 

Dịp Tết, việc chuẩn bị sắm sửa đều do một tay người vợ cả của cụ Bưởi lo liệu, quán xuyến. Cụ bà thường tự tay vào bếp nấu nướng các món cho chồng ăn, tuyệt nhiên không để gia nhân làm bao giờ".

Theo lời bà Quế Hương, trên mâm cỗ ngày Tết, doanh nhân Bạch Thái Bưởi thường dặn vợ chuẩn bị thêm món xôi dừa. Cụ Bưởi quan niệm rằng, chữ dừa nói chệch từ chữ “Thừa” (dư thừa của cải). Nếu đầu năm ăn dừa, cả năm gia chủ sẽ luôn no đủ, làm ăn tấn tới.

{keywords}
"Ngày bé, tôi được bố và các chú kể, cụ Bưởi rất thích ăn xôi dừa và mứt dừa" - bà Quế Hương nhớ lại.

“Món xôi dừa do cụ bà nấu, có hương vị rất đặc trưng. Cách chế biến khá cầu kỳ, công phu. Cụ chọn loại gạo nếp ngon, không vo gạo, không đảo gạo mà chỉ ngâm. Ngâm xong, gạo được đổ ra giá cho ráo nước rồi trải ra giấy bản, thấm cho hạt gạo khô thì mang đi đồ. Nước đồ xôi phải là nước dừa chứ không dùng nước lã.

Vừng rang hơi già lửa, mang đi giã nhỏ, dừa nạo nhỏ, xào lên. Khi xôi chín thì trộn vừng và dừa vào xôi cho đều”, bà Quế Hương kể tiếp.

Bà Quế Hương cho biết thêm, doanh nhân Bạch Thái Bưởi là người quảng giao, nhiều bạn bè. Vì vậy dịp đầu năm, tư gia họ Bạch luôn dập dìu khách viếng thăm.

Khi khách cáo biệt ra về, cụ Bưởi đều dặn gia nhân chuẩn bị một gói xôi dừa tặng cho khách với hàm ý chúc họ năm mới may mắn, phát tài. Đây cũng là cách cụ thể hiện lòng hiếu khách và sự cảm kích với người đến chúc Tết.

{keywords}
Doanh nhân Bạch Thái Bưởi thường tặng xôi dừa cho khách đến thăm nhà vào dịp đầu năm mới.

Quá khứ đã lùi sâu vào dĩ vãng nhưng câu chuyện về doanh nhân tài ba một thuở này vẫn sống mãi với dòng chảy thời gian và trong ký ức nhiều người Việt. Mỗi dịp giỗ Tết, bà Quế Hương đều tự làm 2 món xôi dừa, mứt dừa dâng lên thắp hương doanh nhân Bạch Thái Bưởi để tỏ lòng thành kính.

Nức lòng văn hóa ẩm thực người Hà Nội xưa

Nói đến Tết Hà Nội xưa chắc hẳn nhiều người dân Thủ đô sẽ liên tưởng đến hình ảnh ông đồ cùng câu đối đỏ, chợ hoa Hàng Lược, chợ phiên tấp nập người đi. Nhưng sẽ là thiếu sót khi không nói đến mâm cỗ Tết bởi đất kinh kì xưa vốn từ lâu đã nổi tiếng về sự thanh nhã và cách ăn uống vô cùng tinh tế.

{keywords}
Bố mẹ ông Thái An chụp ảnh cùng các con (Ảnh: Gia đình cung cấp).

Ông Nguyễn Thái An (SN 1943 - Hàng Đào, Hoàn Kiếm, Hà Nội) con trai chủ tiệm vải Thái An nổi tiếng những năm 40 của thế kỷ trước chia sẻ: “Người Hà Nội xưa quan niệm, mâm cỗ không chỉ là chuẩn bị các món ăn mà nó còn thể hiện sự tinh túy của văn hóa ẩm thực. 

Tôi nhớ mợ (mẹ) tôi vẫn nói: “Số lượng món ăn thường không cố định, phụ thuộc nhiều vào điều kiện của chủ nhân nhưng dù nhiều hay ít thì mâm cỗ nào cũng phải có đủ bánh chưng, dưa hành, giò lụa, thịt gà và xôi.

Dù đơn giản nhưng không hề qua loa, số lượng đĩa và bát trên mâm cỗ cũng phải đảm bảo số lượng nhất định, thường thì 4 đĩa 4 bát tượng trưng cho tứ trụ, 4 phương và 4 mùa. Bốn bát gồm chân giò lợn hầm măng, bóng thả, miến và một bát mọc nấm. Bốn đĩa gồm thịt gà, thịt lợn, giò lụa và xôi”.

Đặc biệt, các món ăn dù ngày thường hay lễ, Tết đều được mợ tôi chế biến rất công phu, tỉ mẩn. Nhiều món ăn không phải mua đồ về nấu ngay mà có khi phải chuẩn bị từ trước đó vài ngày.

Ví như món mía hấp bông nhài (mùa thu hấp với bông bưởi). Mía được mua về, chẻ nhỏ bằng đốt ngón tay, mang đi rửa sơ với nước ấm, bỏ vào nồi hấp cùng bông nhài, bưởi. Bắc ra đĩa, mía tỏa ra mùi hoa nhài thoang thoảng. Khi ăn, ta có thể cảm nhận được vị ngọt thanh của đường mía và mùi hương hoa hòa quyện. Ăn xong vài giờ vẫn còn phảng phất mùi thơm đó”.

Vẫn theo lời ông An, trên mâm cỗ Tết có thể nhiều món ăn nhưng các món được bày vào bát, đĩa rất nhỏ chứ không phải những chiếc đĩa vại. Việc bày đồ ăn vào bát đĩa nhỏ như vậy cũng xuất phát từ cách ăn thanh lịch của người Hà Nội xưa.

“Lúc nào cậu mợ tôi cũng giáo dục các con rất nghiêm khắc, đặc biệt là nếp ăn uống mợ tôi càng khắt khe. Mợ hay nói “con gái Hàng Bạc miếng giá cắn đôi”, ám chỉ việc khi ăn phải nhỏ nhẹ, từ tốn, không được phát ra tiếng khi nhai.

Vì vậy khi chế biến đồ ăn, bao giờ người Hà Nội xưa cũng làm vừa miệng, bé xinh, ăn cho lịch sự” - ông Thái An chia sẻ.

Gia tài đồ sộ của Bạch Thái Bưởi trong bản di chúc 30 trang

Gia tài đồ sộ của Bạch Thái Bưởi trong bản di chúc 30 trang

Bản di chúc của Bạch Thái Bưởi dài 30 trang. Chắt nội của ông cho biết: “Cụ để lại cho con cháu tất cả bằng ngân phiếu và bất động sản, không có vàng. Có người nhận được hàng chục ngàn đô la...”.

Khúc củi lạ và vận may đặc biệt của doanh nhân Bạch Thái Bưởi

Khúc củi lạ và vận may đặc biệt của doanh nhân Bạch Thái Bưởi

Bạch Thái Bưởi vớt được khúc củi tỏa ra mùi thơm kỳ lạ. Người Trung Quốc trả giá cao để mua được khúc củi này. Từ số vốn ít ỏi, ông lao vào thương trường và trở thành một doanh nhân lừng lẫy của Việt Nam đầu thế kỷ 20.

Diệu Bình - Lê Thúy