Những năm tháng cuối đời trong viện dưỡng lão, bà Lương thường kể cho các điều dưỡng viên chuyện tình yêu đẹp của mình.

Video: Phát sốt với bộ ảnh 2 cụ già ở viện dưỡng lão chụp ảnh bên hoa sen

Chị Vũ Thị Huệ (SN 1989) là nữ điều dưỡng có kinh nghiệm hơn 3 năm làm việc ở một viện dưỡng lão (thuộc một căn biệt thự tại Hà Nội).

Khi ấy mọi việc với chị đều rất mới mẻ dù đã học 3 năm trường y và có khoảng 3 - 4 năm làm việc ở phòng khám, bệnh viện.

“Khoảng thời gian đầu khi tiếp nhận công việc khá khó khăn với tôi. Hỗ trợ những người không quen biết đánh răng, rửa mặt, thay bỉm, tắm rửa… khiến tôi ngại ngùng. Tuy nhiên sau một thời gian, tôi đã quyết định gắn bó với công việc này”.

{keywords}
Người già tham gia sinh hoạt tại viện dưỡng lão (Ảnh: Viện dưỡng lão cung cấp).

Theo chị Huệ, công việc chăm sóc người già khá áp lực. Ngoài ca làm việc buổi ngày, họ còn có ca trực đêm.

Một tháng chị trực đêm khoảng 4 - 5 lần. Mỗi ca trực đêm các điều dưỡng viên theo dõi tình hình các phòng qua camera. Khi các cụ có vấn đề cần trợ giúp hoặc phản ánh thường bấm chuông để yêu cầu điều dưỡng viên hỗ trợ.

Theo điều dưỡng Huệ, nhiều cụ không còn minh mẫn, mất trí nhớ nên thường xảy ra nhiều chuyện dở khóc dở cười. Một lần vào lúc 9 giờ đêm chị hỏi một cụ già đang đi ngoài hành lang:

- Sao cụ chưa ngủ ạ?

- Tao đã được ăn cơm đâu mà đi ngủ, cụ này trả lời.

Dù trước đó cụ đã ăn tối cùng mọi người. Một cụ khác nhờ chị Huệ mua giúp một hộp sữa bột giá 300 nghìn nhưng kiên quyết khẳng định: “Sữa ấy chỉ 3 nghìn đồng thôi” và đưa đúng số tiền trên yêu cầu phải được nhận về một hộp sữa.

{keywords}
Giờ ăn cơm (Ảnh: Viện dưỡng lão cung cấp)

Trong khoảng thời gian làm việc tại viện dưỡng lão, chị Huệ cũng chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động.

“Tôi nhớ nhất trường hợp bà Nguyễn Thị Hằng (80 tuổi, ở Hà Nội), một bệnh nhân bị tai biến và tiểu đường”.

Dù không còn khả năng đi lại nhưng bà vẫn minh mẫn và tỉnh táo. Bà thường xuyên trò chuyện, động viên chị Huệ trong cuộc sống. “Tôi là điều dưỡng chăm sóc sức khỏe, cuộc sống cho bà nhưng đôi khi bà mới chính là chỗ dựa tinh thần cho tôi”, chị kể lại.

Con cháu đến thăm, bà Hằng thường dặn họ mang cho bà cái này, cái kia… Mỗi thứ mang thêm một ít để bà chia cho các nhân viên trung tâm và các bạn ở cùng. Đó đơn giản chỉ là cái bánh, hoa quả nhưng khiến điều dưỡng viên rất cảm động.

“Thỉnh thoảng nhờ tôi mua mua vật dụng bà không quên dặn tôi mua riêng cho con gái tôi gói kẹo. Bà nói: “Nếu con không mua thêm cho cháu, lần sau bà không nhờ nữa”, chị Huệ nhớ lại.

Theo chị Huệ, hoàn cảnh bà Hằng không quá khá giả. Ngày bà mất, chị là người trực ca cuối cùng. Cái chết của bà đã ám ảnh chị trong thời gian dài.

{keywords}
Các cụ già tham gia hoạt động chụp ảnh cùng hoa (Ảnh: Viện dưỡng lão cung cấp).

“Bà mất vào năm ngoái. Các điều dưỡng viên ai cũng buồn. Tôi khóc suốt mấy ngày. Cứ đi qua căn phòng 203, nơi cụ từng ở, tôi lại bật khóc”, nữ điều dưỡng cho biết.

Một người khác cũng khiến chị Huệ ấn tượng là bà Phùng Thị Lương. Bà Lương vào viện dưỡng lão năm 2015. Chị quen gọi người phụ nữ ấy là “U Lương”. Bà Lương mảnh khảnh, cao gầy và khá đẹp lão. Bà khá hiền lành, nhẹ nhàng và thỉnh thoảng chị thấy nét buồn hiện lên gương mặt bà.

Những câu chuyện ban đầu còn ngại ngùng nhưng sau khi thân thiết chị Huệ được bà kể nhiều hơn về cuộc đời mình. Hoàn cảnh của người phụ nữ này khá đặc biệt. Bà không có chồng, con. Người thân duy nhất thường hay vào thăm bà là người em trai.

“Những người già có thể lẫn lộn về những sự kiện xảy ra thời điểm gần nhưng những sự kiện xảy ra trong quá khứ họ nhớ rất rõ. Nhất là những kỷ niệm đẹp. Bà Lương cũng là một trường hợp như vậy”, chị Huệ nói.

Câu chuyện mà bà hay kể cho chị Huệ là tình yêu từ thời trẻ của bà. Năm đó bà 17 tuổi. Người bà yêu cũng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Họ có một tình yêu giản dị như bao cặp đôi khác. Ký ức bà luôn dừng lại ở lần họ hẹn hò ở vườn hoa Hà Đông. “Nơi đó lần đầu tiên người ta nắm tay tôi”, bà kể.

Sau đó, người thanh niên đi bộ đội và hi sinh nơi chiến trường. Bà Lương không còn mở lòng thêm một lần nào nữa. Bà quyết định ở vậy nuôi em khôn lớn. Khi các em dựng vợ, gả chồng bà lại chăm lo tuổi già cho cha mẹ. Cha mẹ mất bà vào viện dưỡng lão sống những năm tháng cuối cùng của cuộc đời.

“Trong khoảng thời gian ở viện bà thường kể lại mối tình thời trẻ của mình. Mỗi lần như vậy, mắt bà lại lấp lánh. Tôi cứ ngỡ trước mình là một cô gái 17, 18 chứ không phải là một người phụ nữ qua tuổi 80 đã từ lâu”, chị Huệ chia sẻ.

Sau 2 năm ở viện dưỡng lão sức khỏe của bà yếu dần. Bà mất tại trung tâm một ngày mùa đông năm 2017.

“Khi còn sống, bà vẫn đeo một chiếc nhẫn cũ ở tay. Có lẽ đó là chiếc nhẫn ước hẹn của họ. Tôi nghĩ vậy, dù đã lỡ mất cơ hội để hỏi bà…”, chị Huệ nhớ lại.

Tiếng chuông ám ảnh suốt đêm trong căn biệt thự ở Hà Đông

Tiếng chuông ám ảnh suốt đêm trong căn biệt thự ở Hà Đông

Theo người phụ nữ 66 tuổi, người bạn cùng phòng của bà khóc suốt đêm. Trong tiếng nức nở, bà ấy đã kể với cả phòng nỗi bất hạnh của mình.

Những cụ bà tuổi 80 ở căn hộ cao cấp, đi xe hơi ‘đến lớp’ mỗi ngày

Những cụ bà tuổi 80 ở căn hộ cao cấp, đi xe hơi ‘đến lớp’ mỗi ngày

Không có thời gian và điều kiện chăm sóc cha mẹ, nhiều gia đình ở Hà Nội đã lựa chọn dịch vụ bán trú ở viện dưỡng lão. Theo đó, các cụ già được gửi “đến lớp” vào mỗi sáng và được con, cháu đón về sau mỗi chiều.

Ngọc Trang - Vũ Lụa