Có “rừng vàng, biển bạc”, đầy đủ nông thôn, đô thị, di tích cổ, làng nghề truyền thống… Quảng Ninh níu chân du khách bởi những trải nghiệm du lịch cộng đồng hấp dẫn, riêng có.

Một trong những điểm đến đặc sắc không thể không nhắc đến khi đến Quảng Ninh là du lịch làng quê Yên Đức (Đông Triều). Ngoài phong cảnh thanh bình, yên ả của một làng quê thuần nông, du khách được trải nghiệm cuộc sống thường ngày của bà con nông dân như: Xay lúa, giã gạo, úp cá, tham quan ngôi chùa cổ của làng, xem múa rối nước, tìm hiểu nét đẹp văn hoá ở đây. Đặc biệt hơn, du khách có thể đến thăm nhà dân, được tìm hiểu những nét đẹp về bản sắc văn hoá, phong tục tập quán và cuộc sống của người dân địa phương...

{keywords}
 

“Sự kết hợp hài hòa giữa những giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của địa phương với mong muốn trải nghiệm những điều mới lạ của du khách đã tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo và mới lạ. Tham gia hình thức du lịch này, chúng tôi không chỉ được trải nghiệm sự vất vả của người nông dân mà thông qua đó còn giáo dục cho con em những giá trị của lao động. Các hoạt động bình dị, mộc mạc nhưng lại rất sinh động, ý nghĩa.” - anh Hùng, một du khách chia sẻ.

Còn nhiều trải nghiệm riêng có, khác biệt ở Quảng Ninh dành cho du khách. Đến Đông Triều, du khách có thể lấm lem bùn đất để tự mình nặn nên một chiếc bình gốm. Du khách cũng có thể lang thang phố cổ Tiên Yên và xem cách người dân bản địa làm bánh gật gù hay món khau nhục; hay đắm mình trong làng rau, làng tre, làng hoa Tiền An (Quảng Yên). Nếu thích lội bùn bắt ốc, tìm cua nơi rừng sú nhiều chục năm tuổi, du khách có thể tìm đến Hải Hà, Tiên Yên. Các bản vùng cao Bình Liêu, Ba chẽ, Tiên Yên cũng luôn gọi mời khách phương xa đến để dự lễ hội hoa sở, hoa trà vàng, lễ hội cầu mùa với khèn, với những điệu hát then, các cuộc thi bắn cung, làm bánh giày hấp dẫn...

{keywords}
 

Thay vì trải nghiệm đời sống của một nông dân, đến với Quan Lạn, tham gia tour du lịch “Một ngày làm ngư dân”, du khách vừa có thể khám phá vẻ đẹp thiên nhiên của Quan Lạn vừa tham gia các hoạt động thường nhật của ngư dân như ra khơi câu mực, thả lưới đánh cá, đào xiếp... để hiểu thêm về những giá trị văn hóa, lịch sử, nguồn cội của vùng đất này.

Để có thể mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách, người dân Quan Lạn đã tham gia rất nhiều các lớp tập huấn, bồi dưỡng do chính những chuyên gia về du lịch giảng dạy từ cung cách ứng xử cho đến giao tiếp với du khách. Tất cả đều được giảng giải một cách bài bản để phù hợp với nguyên tắc làm du lịch mà vẫn giữ nguyên bản sắc văn hóa của cư dân bản địa.

Có thể nói, du lịch cộng đồng đã mang lại một luồng gió mới cho người dân Quảng Ninh, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Tuy nhiên, bên cạnh các mô hình du lịch cộng đồng thành công thì ở một số địa phương, hình thức này vẫn còn mang tính tự phát, manh mún, chưa có chiến lược phát triển lâu dài, chưa có sự gắn kết giữa chính quyền và doanh nghiệp làm du lịch. Nguyên nhân là những khó khăn về cơ sở hạ tầng, giao thông, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực làm du lịch thiếu chuyên nghiệp.

Là một tỉnh có cảnh đẹp thiên nhiên phong phú, văn hoá giàu bản sắc, Quảng Ninh là “mảnh đất màu mỡ” để phát triển du lịch cộng đồng. Để du lịch cộng đồng phát triển bền vững, cần có sự chung tay của chính quyền địa phương, người dân, sự tham gia của các đơn vị kinh doanh lữ hành - “cầu nối” cho du khách và cộng đồng địa phương. Đây được coi là hướng đi mới của du lịch Hạ Long - Quảng Ninh trong việc phát triển du lịch bền vững.

N.Hân