- Đình Thông Tây Hội nằm trên đường Thống Nhất (phường 11, quận Gò Vấp, TP.HCM) là ngôi đình cổ nhất trên đất phương Nam. Trải qua gần 4 thế kỷ tồn tại, ngôi đình đang xuống cấp rất nặng nề.

Những ngày buồn của một di tích xưa

Đình được xây dựng vào năm 1679 trên thửa đất rộng 5.188 m2. Trải qua một thời gian khá dài, nhiều hộ dân ở gần lấn chiếm và một Trung tâm học tập cộng đồng được xây dựng đã thu hẹp diện tích của đình chỉ còn khoảng 1.500 m2.

{keywords}

Mặt tiền đình Thông Tây Hội

Chúng tôi ghé thăm đình vào một buổi sáng. Ban trị sự đình gồm nhiều bậc cao niên tiếp chúng tôi tại nhà võ ca, nơi để các đoàn hát bội diễn tuồng vào dịp lễ Kỳ yên hàng năm. Võ ca chiều ngang 14m, dài 17,5m, cao 4m gồm 7 nếp nhà và 52 cột gỗ, không có tường bao xung quanh. 

Kế cận võ ca là khu vực tiền điện và hậu điện, nơi thờ 2 vị Thành hoàng theo tục thờ thần của người Việt Nam. Vị thần chính được thờ trong đình là Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương là hoàng tử con vua Lý Thái Tổ. Ngoài ra còn thờ một số vị thần khác.

{keywords}

Di tích kiến trúc nghệ thuật, văn hóa lịch sử cấp quốc gia.

Tiền điện và hậu điện gồm 2 nếp nhà ghép trùng nhau trong đó có tất cả 48 cột, chia thành 8 dãy cột. Bốn cột giữa cao nhất là 4,5m, có đường kính là 30 cm (thường được gọi là "tứ tượng") là nơi quan trọng nhất, linh thiêng nhất - nơi đặt bàn thờ thần. 

Các chân cột ở chánh điện được khắc hình lăng trụ thắt ở giữa. Trên nóc chánh điện có tượng lưỡng long tranh châu bằng gốm men xanh. Quanh chánh điện có tường gạch.

{keywords}

Dãy nhà võ ca và tiền điện, hậu điện.

Một dãy nhà khác nhỏ hơn nằm kế bên được gọi là nhà túc hay nhà hội sở. Nơi đây là nơi làm việc của ban trị sự, nơi tiếp khách và chuẩn bị tế lễ. Nơi đây còn có bàn thờ các bậc tiền hiền và hậu hiền. Nhà túc có 3 nếp nhà với ngang 12m, dài 19m, cao 4,2m và có 56 cột.

Ông Nguyễn Tân Tâm, Phó trưởng ban trị sự đình, trăn trở: "Lẽ ra chúng tôi phải tiếp khách ở nhà túc nhưng do quá xuống cấp không thể ở được đành phải dời sang đây".

Chúng tôi nhìn sang nhà túc. Đó là một dãy nhà với 56 cột bị nhấn chìm dưới một hố sâu. Toàn bộ cột bên trong đã mục ruỗng và có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.

{keywords}

Khu nhà túc xuống cấp nặng được cảnh báo không ai được vào.

Theo ghi nhận của chúng tôi thì nhiều cột đã mất khả năng nâng đỡ mái nhà túc. Các thanh đà, kèo cũng có dấu hiệu mối ăn trơ ra phần lõi, có thanh bị gãy ngang. Phần mái xung quanh, những thanh song đã bật đinh, mục nát. Nhiều lớp ngói âm dương vỡ, nứt và rơi rụng dần.

Hiện nay chỉ còn dãy nhà võ ca và chánh điện tương đối còn vững chắc, những kết cấu còn lại hầu như đã xuống cấp thảm hại.

Nhiều công văn kêu cứu 

Ông Tâm cho biết thêm, theo quyết định số 2009/1998 - QĐ - BVHTT ngày 26/9/1998, đình Thông Tây Hội được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. 

Trước khi lễ trao bằng công nhận được diễn ra, đình được cấp một ít kinh phí để nâng cấp chánh điện và nâng nền lên cao phù hợp với cao trình của mặt đường.

{keywords}

Bên trong nhà túc

Nhờ vậy mà dãy nhà võ ca và chánh điện được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, do nâng nền lên cao 0,9m nên vô tình chôn nhà túc vào hố sâu. Trải qua nhiều mùa mưa, nhà túc luôn chìm trong ao nước. 56 cây cột đã bị mục chân. Hiện tượng nhà túc bị đổ sập chỉ còn là vấn đề thời gian.

Đình Thông Tây Hội là di sản cấp quốc gia nên chịu sự quản lý trực tiếp từ Cục Di sản thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nên vấn đề sửa chữa, cấp kinh phí phải được sự đồng thuận của Bộ. 

Ông Tâm nói tiếp: "Năm 2013, chúng tôi nhận thông báo được cấp 500 triệu đồng để trùng tu lại đình. Chúng tôi đã có công văn đề nghị Quận trình lên Thành phố, không nhận số tiền này vì số kinh phí thấp không thể thực hiện việc trùng tu.

{keywords}

Nhiều cột đã bị mục chân.

3 năm sau, năm 2016,  chúng tôi có nhận được văn bản do ông Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, ký thông báo dự kiến cấp số tiền hơn 3.5 tỷ đồng và sẽ khởi công trùng tu trong quý 3 năm 2016. Thế nhưng gần 1 năm trôi qua, chúng tôi vẫn chưa thấy tín hiệu gì của việc này.

Vì thế, để chuẩn bị cho lễ Kỳ yên năm nay được tổ chức vào ngày 14 và 15/8 âm lịch, chúng tôi đã vận động bà con đóng góp để chống dột lại cho cả chánh điện và nhà túc. Người dân cũng rất hi vọng trời sẽ không mưa để bà con có thể họp mặt trong nhà túc".

Ông Tâm cũng khẳng định thêm: "Chúng tôi cũng đã có nhiều văn bản nhờ kêu cứu cho ngôi đình đang ngày một xuống cấp nhưng đến nay tất cả đều chưa được giải quyết".

Người đàn ông kể về thời hưởng 'lộc trời' ở Sài Gòn

Người đàn ông kể về thời hưởng 'lộc trời' ở Sài Gòn

"Thời điểm ấy xích lô đắt khách vô cùng. Có người mua được nhà tạo nên cơ nghiệp cũng nhờ vào chiếc xích lô. Chúng tôi là những người thợ sửa xích lô nên cũng được hưởng "lộc trời" từ đó", ông Phát kể.

Trần Chánh Nghĩa