Được ví như Sa Pa của vùng Đông Bắc với cảnh đẹp thiên nhiên, các lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc, Bình Liêu - Quảng Ninh có nhiều lợi thế để phát triển du lịch bền vững.

“Sapa ở Quảng Ninh”

Nằm cách thủ đô Hà Nội 270Km, thành phố Hạ Long 108km Bình Liêu là một huyện đồi núi của Quảng Ninh có khí hậu quanh năm ôn hòa, cấu trúc địa hình đa dạng, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Vài năm trở lại đây Bình Liêu trở thành điểm check-in hấp dẫn của giới trẻ khi đến Quảng Ninh.

{keywords}
 

Bình Liêu nổi tiếng với phong cảnh miền núi, biên giới hùng vĩ, nơi có bãi “đá thần” trên đỉnh núi Cao Ba Lanh, Cao Xiêm, thác Khe Vằn cùng những thửa ruộng bậc thang trải dài. Là nơi có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống nhất tỉnh Quảng Ninh, nơi đây còn lưu giữ được những nét văn hóa riêng như: Nghệ thuật diễn xướng Then của người Tày, hát Sán cổ của người Dao, Soóng cọ của người Sán Chỉ...

Bình Liêu cũng là địa phương còn giữ được nét văn hóa bản địa đặc sắc của những bản làng dân tộc với những mái nhà đơn sơ, mộc mạc tại các bản Sông Moóc (xã Đồng Văn), Cao Thắng (xã Lục Hồn). Nhiều bản làng còn hoang sơ như bản Đồng Thanh (xã Hoành Mô)... vẫn còn gìn giữ, bảo tồn được những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi.

Ở Bình Liêu, vào mùa nào trong năm cũng có hoa nở: sắc đỏ tươi của hoa dong riềng, sắc trắng tinh khôi của hoa sở, sắc hồng của hoa hồi hay màu vàng dịu của hoa quế...

{keywords}
 

Bên cạnh các lễ hội văn hóa đặc sắc như Hội Soóng cọ, Hội Kiêng gió, Hội đình Lục Nà, Bình Liêu còn đặc biệt thu hút du khách đếm với lễ hội hoa Sở tháng 12 hàng năm. Tại lễ hội này ngoài việc ngắm hoa, du khách có thể được tham gia các trò chơi truyền thống của người dân nơi đây, thưởng thức các món ăn mang đậm hương sắc núi rừng như lợn quay, vịt nướng, cá nướng...

Đánh thức tiềm năng du lịch

Từ năm 2015 Bình Liêu đã xây dựng sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng, đa dạng, đậm đà bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn, kết nối với các trung tâm du lịch lớn trong và ngoài tỉnh để thu hút khách.

Huyện đã triển khai xây dựng 3 tuyến, 7 điểm du lịch trên địa bàn. Cụ thể, tuyến 1 từ thị trấn Bình Liêu - xã Húc Động - xã Đồng Văn - Cửa khẩu Hoành Mô; tuyến 2 từ trung tâm thị trấn Bình Liêu - xã Lục Hồn - Cửa khẩu Hoành Mô - xã Đồng Văn; tuyến 3 từ thị trấn Bình Liêu - đường tuần tra biên giới - Cửa khẩu Hoành Mô. 7 điểm du lịch trên địa bàn huyện Bình Liêu, bao gồm: Thác Khe Vằn, thác Khe Tiền, thác Sông Moóc, đình Lục Nà, chợ trung tâm huyện Bình Liêu, chợ Đồng Văn và Cột mốc số 1317, Cửa khẩu Hoành Mô.

Bình Liêu hướng đến phát triển 7 nhóm sản phẩm du lịch đặc thù gồm: Tham quan, khám phá, trải nghiệm biên giới Việt Nam - Trung Quốc; tìm hiểu văn hóa làng bản dân tộc; nghỉ dưỡng, chữa bệnh, hồi phục sức khỏe; tham quan vui chơi, giải trí mạo hiểm; công viên vui chơi, giải trí chuyên đề; ẩm thực truyền thống địa phương; đặc sản, hàng hóa lưu niệm truyền thống.

{keywords}
 

Để phát triển du lịch, Bình Liêu từng bước xây dựng, đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch hiện đại, đồng bộ. Đến nay, các tuyến đường giao thông phục vụ cho phát triển du lịch trên địa bàn huyện cơ bản được hoàn thiện, các điểm du lịch đều được cắm biển chỉ dẫn, chỉ đường. Các cơ sở ăn uống từng bước được đầu tư khang trang và chuyên nghiệp hơn. Cơ sở lưu trú dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện hiện đã phát triển cả về số lượng với 17 cơ sở lưu trú và gần 200 phòng, ngày càng được nâng cao về chất lượng.  

Song song với việc tổ chức các hội nghị công bố quy hoạch, xúc tiến đầu tư vào các dự án du lịch, huyện tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, khai thác du lịch trên địa bàn. Các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, đào tạo nguồn nhân lực phát triển du lịch cũng được tập trung triển khai. Huyện tích cực hợp tác du lịch thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và tạo dựng những ấn phẩm tuyên truyền về du lịch, tổ chức những sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao ở các hội chợ, triển lãm, hội nghị… Bình Liêu đã thành lập Văn phòng Du lịch làm đầu mối liên kết với các công ty lữ hành trong, ngoài tỉnh để giới thiệu, quảng bá du lịch.

Trong quá trình phát triển, Bình Liêu xác định việc khai thác các giá trị tài nguyên thiên nhiên phải đi đôi với việc bảo tồn, tôn tạo các giá trị tự nhiên, nhân văn, đảm bảo mục tiêu phát triển gắn với việc bảo vệ môi trường cảnh quan và phát triển bền vững.

Du lịch Bình Liêu những năm gần đây đã nhiều tín hiệu khởi sắc. Năm 2017, Bình Liêu đón trên 54.000 lượt khách, doanh thu trên 12 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2018, khách du lịch đến Bình Liêu ước đạt 38.027 lượt (tăng 213% so với cùng kỳ). Trong đó, khách lưu trú ước đạt 7.946 lượt, tăng gần 2,9% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu các hoạt động liên quan dịch vụ du lịch đạt 11,6 tỷ đồng, đạt trên 73% kế hoạch.

Hướng du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, Bình Liêu đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tổng khách du lịch đạt 221.900 lượt, tổng doanh thu đạt 152,7 tỷ đồng, đến năm 2030 đạt 648.000 lượt người, doanh thu khoảng 554,3 tỷ đồng, đóng góp 20,3% vào tăng trưởng kinh tế của huyện.

Ngọc Minh