- Nhiều trẻ em Việt thiếu vi chất, suy dinh dưỡng. Nguyên nhân chính do đa số phụ huynh đang cho con ăn theo kiểu “đổ” thức ăn vào dạ dày hơn là tạo cho trẻ bữa ăn thực thụ.

Ths - Bác sĩ Đào Thị Yến Phi, Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã cảnh báo như trên tại ngày Hội dinh dưỡng do Bộ Y tế phát động chiều ngày 15/10.

Theo thống kê của Viện dinh dưỡng Quốc gia, trong 50 ngàn trẻ em Việt Nam ở độ tuổi từ 2 – 5 thì khoảng 20% bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và gần 30% suy dinh dưỡng thể thấp còi.

Ngoài ra, tình trạng thiếu vi chất ở trẻ (thiếu máu, thiếu vitamin A tiền lâm sàng và kẽm) còn khá phổ biến. Không chỉ thế, số trẻ đến khám vì lý do biếng ăn ở mức rất cao (chiếm tỷ lệ 50% các bệnh nhi gặp vấn đề về dinh dưỡng).

Bác sĩ Phi cho rằng nguyên nhân chính do phụ huynh chỉ đang cho con ăn theo cách “đổ” thức ăn vào dạ dày, chứ chưa tạo cho trẻ bữa ăn thực thụ.

“Tôi gặp nhiều đứa trẻ tới 7 tuổi mà mẹ vẫn đút cơm, vừa ăn vừa coi quảng cáo, chơi game hoặc đi rong ngoài đường. Như vậy trẻ không nhai mà các bé chỉ nuốt, bởi lúc đó giác quan của trẻ tập trung vào hoạt động khác. Thời gian bữa ăn kéo dài qua lâu mà bản tính của trẻ hiếu động dễ sinh chán nản, từ đó ăn biến thành một cực hình.”, bác sĩ Phi nói.

{keywords}
Bác sĩ Đào Thị Yến Phi cảnh báo nhiều phụ huynh cho con ăn sai cách. Ảnh: Thanh Huyền.

Từ đó, bác sĩ Phi khuyên phụ huynh, hãy tạo môi trường bữa ăn thật công bằng cho trẻ: ngồi vào bàn như mọi người, có quyền lựa chọn món mình thích và tự đút. Khi ấy trẻ sẽ tập trung tất cả giác quan, cảm nhận thức ăn tốt nhất.

Đặc biệt, bữa ăn của trẻ chỉ nên diễn ra trong 30 phút. Hết 30 phút mà trẻ vẫn chưa ăn xong, phụ huynh có thể cho ăn bù bằng thực phẩm khác.

Theo tính toán của các chuyên gia dinh dưỡng, dạ dày của trẻ em khoảng 200 ml, nếu tốc độ đút thức ăn vài phút/muỗng thì trong 30 phút dạ dày sẽ đầy.

Cứ cố ép sẽ chỉ nảy sinh tiêu cực, làm tâm lý trẻ xáo trộn, từ đó ám ảnh sợ ăn.

Bộ Y tế phát động chiến dịch truyền thông Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển từ ngày 16 – 23/10. Thông qua tuần lễ này, nhiều thông điệp sẽ được gửi tới các bậc cha mẹ để mục tiêu của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 – 2020 đạt hiệu quả tốt.

Thanh Huyền