Dù bác sĩ nỗ lực cứu chữa, nhưng tình trạng sốc nhiễm trùng, suy đa tạng quá nặng, nam bệnh nhân 35 tuổi đã qua đời. Đây là trường hợp thứ 3 tử vong tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM kể từ đầu năm vì liên cầu khuẩn lợn.

Chiều 16/9, thông tin từ BS Dương Bích Thủy, khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực Chống độc Người lớn, bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM, cho biết, dù bệnh viện đã huy động tối đa trang thiết bị và chuyên môn phục vụ việc cứu chữa, nhưng bệnh nhân Bùi Văn N. (35 tuổi, ngụ tại Bến Tre) đã không qua được cơn nguy kịch.

{keywords}

Bệnh nhân thời điểm đang điều trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới

Như thông tin Dân trí đã đưa trong bài viết: “Vợ nấu thức ăn chưa chín kỹ, chồng “thập tử nhất sinh” phản ánh trường hợp nam bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn do ăn món huyết xào giá hẹ. Anh Bùi Văn N. được bệnh viện địa phương chuyển đến bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới trong tình trạng sốc nhiễm trùng, viêm màng não mủ, suy đa tạng…

BS Thủy cho hay: “Sau 1 tuần điều trị tích cực bằng hỗ trợ thở máy, đánh kháng sinh mạnh, lọc máu liên tục… tuy nhiên, tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân diễn tiến ngày càng trầm trọng. Cơ thể người bệnh không còn đáp ứng với điều trị, rơi vào sốc, ngưng tim. Chiều 16/9, gia đình đã làm thủ tục đưa bệnh nhân về quê lo hậu sự.”

Từ đầu năm đến nay, bệnh viện bệnh Nhiệt Đới TPHCM đã tiếp nhận và điều trị cho 10 trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn lợn, trong đó có 3 ca tử vong.

Liên cầu khuẩn lợn có thể lây nhiễm cho con người thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua đường tiêu hóa do ăn tiết canh, thịt lợn và các sản phẩm từ lợn nấu chưa chín. Những bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết cấp tính kèm theo sốc, nguy cơ tử vong lên tới 80 đến 90%.

Bác sĩ khuyến cáo, để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn lợn, các hộ gia đình chăn nuôi loài động vật này nên giữ gìn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ; rửa tay, vệ sinh cơ thể sau khi tiếp xúc với lợn; tuyệt đối không ăn tiết canh; chỉ ăn thịt lợn khi đã được nấu chín kỹ.

(Theo Dân Trí)