Người dân ở xóm Lồ, xã Phong Phú (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) nhiều năm nay vẫn thường gọi mế Hà Thị Tiến là “kỳ nhân dược táng” vì sở hữu bài thuốc chữa viêm phổi "cực dị" được tinh chế từ những loài cây gai ở trên núi đá.

Tiêu diệt bệnh “cò cử”

Mặc dù đã 61 tuổi nhưng nhìn mế Tiến trẻ hơn tuổi. “Có gì đâu con, mế toàn uống nước lá rừng, ăn rau rừng, tắm nước thuốc, người khỏe, tinh thần thoải mái thì trông trẻ vậy thôi”, bà phân trần.

Gọi mế là “lang y về phổi” cũng không hề ngoa. Chỉ cần nhìn giọng nói, nhịp thở hay bắt mạch người bệnh là bà biết ngay người đối diện có bệnh phổi hay không?. Theo bà giải thích, người mắc bệnh về phổi thường khi thở thì yết hầu bị lún sâu hơn người bình thường, nhịp thở gấp hơn, thường có dấu hiệu khó thở về đêm; khi trời trở sáng, trái gió trở trời là “lên cơn” vì chất dịch độc hại ở phổi ứ đọng lại làm tắc các đường dẫn khí ở phổi.

Kỳ nhân ẩn mình Hà Thị Tiến.

Về nguyên nhân, một trong các nguyên nhân dẫn đến bệnh là các chất độc hại như khói bếp, khí bụi làm cho lá phổi bị tổn thương, hệ miễn dịch của phổi không thể nào lọc được những chất độc hại và chúng tích tụ lâu dài gây ra viêm nhiễm.

Ở trẻ nhỏ thường hay mắc bệnh “cò cử” theo cách nói dân gian, cách nói thông dụng khác là hen suyễn. Người bị hen suyễn không chữa được kịp thời sẽ chuyển qua giai đoạn hen phế quản; bị nặng có thể ho khan, ho có đờm, thậm chí ho ra máu, nếu không chữa trị kịp thời sẽ chuyển thành viêm phế quản mãn tính, có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Để chữa được bệnh này, bài thuốc của mế Tiến cần rất nhiều cây thuốc, mỗi mức độ bệnh nặng nhẹ khác nhau lại có cây thuốc khác nhau. Trong đó tất cả các bài thuốc đều cần cây han, là vị thuốc có tác dụng “tiêu diệt” dịch nhầy ở phổi. Thế nhưng cần tuyệt đối lưu ý rằng đây là loài cây cực độc, lá của nó quệt vào người có thể khiến người ta đau cả tuần, thế nên chỉ được lấy rễ cây, tuyệt đối tránh vỏ và lá cây han.

Ngoài ra không thể thiếu được những cây thuộc họa gai núi đá gồm 15 loài khác nhau như gai tre trắng, gai tre đỏ, gai bưởi, gai hang... và 10 loài cây gai chuyên sống ở vùng đồi núi khô. “Lúc mế còn trẻ, khỏe thì còn trèo lên được núi đá. Giờ về già muốn lấy thuốc mế phải chỉ cây thuốc trên núi cao mà bảo con cháu trèo lên hái giúp”, mế Tiến cho biết.

Bài thuốc “ưa thích” con số 3

Theo bà Tiến, khi người ta mới chớm bệnh (gọi là hen suyễn hay viêm phế quản bình thường) thì chỉ cần đun thuốc uống là khỏi vì lúc này chất dịch nhầy ở phổi vẫn chưa ăn sâu vào các lỗ khí nên dễ khử trùng. Bài thuốc với người lớn cần rất nhiều cây kết hợp: Cây han, lá quýt khai, lá môi, cây đu đủ rừng, cây lá ngót, cây ổi rừng, cây dâu, cây dứa dại, tía tô, hạt dổi, bạc hà, kinh giới, cây cỏ gianh, ruột quả mướp, tầm gửi cây ngái, tầm gửi cây tranh, tầm gửi cây xoan…

Còn tiếp một số cây khác bà không biết nói bằng tiếng phổ thông mà chỉ biết tên bằng tiếng dân tộc Mường: Cây lá chanh hoi, cây chót, cây dây hẩm húc, cây phóp phép, cây nặng nẹ, cây ven. Tất cả những loại cây trên đã được rửa sạch, phơi khô, xắt nhỏ; sau đó trộn lẫn mỗi thứ một nắm tạo thành một thang thuốc lấy nước uống thay nước hằng ngày. Bà hướng dẫn tỉ mỉ: “Một tháng uống 3 thang, mỗi thang 3 ấm, mỗi ấm chia làm 3 ngày, mỗi bữa uống 3 cốc, mỗi ngày uống 3 lần vào lúc 7h, 11h và 19h”.

Trường hợp bệnh đã nặng thì cần đến phương pháp xông hơi bằng những cây lá rừng sau: Lá hương nhu, lá sả, lá bưởi, ngải cứu, muồng muồng, cỏ gianh, cúc tần, lá phổi ma, lá huyết dụ, sa nhân rừng, lá chân chim, đu đủ rừng, lá hồng bì rừng, lá trầu rừng, lá dổi, lá tai chua, cỏ may, lá tre gai, lá duỗi, lá cây sậy, pha thêm rễ cây han.

Sau khi rửa sạch, phơi khô, thái nhỏ, mế bốc mỗi thứ một nắm cho vào nồi đun lên 30 phút, bắc xuống dùng vải mưa để che đầu trùm kín cả nồi nước thuốc xông, xông đến khi nào cạn lại đưa lên đun xông tiếp, mỗi ngày xông khoảng bốn lần. Theo bà Tiến, cách xông này rất hiệu nghiệm vì các chất ở lá có vị thuốc dễ bốc hơi, dễ xông thẳng vào vùng bệnh để tiêu diệt bệnh “cò cử”.

Bà lang miền sơn cước này cho biết sau khi uống, xông, ngậm mà thấy ngứa ở cổ là thuốc đã có tác dụng, chỉ cần kiên trì chữa trị khoảng một tháng là khỏi. Những thức ăn phải tuyệt đối kiêng kị trong thời gian chữa bệnh là rượu, cá mè, ớt, măng, dưa chua. “Tôi không dám chắc là chữa khỏi 100% vì đây là bài thuốc nam cổ truyền, nó cũng cần phải hợp thầy, hợp thuốc mới khỏi, nhưng ít nhất khoảng 80% người được chữa đã khỏi bệnh”, mế Tiến kể lại.

“Kỳ nhân” ẩn mình

Bà Tiến cho biết cách thức truyền lại công thức bài thuốc này khá lạ lùng. Đó là bài thuốc gia truyền nếu muốn dạy cho người khác thì chỉ được truyền lại cho duy nhất một người; và phải vào thời điểm trong 3 ngày, từ 27 - 29 tháng Chạp mỗi năm. Người học phải nhận dạng cây thuốc và nhớ lấy, nếu trong 3 ngày không nhớ được thì chứng tỏ người đó không có tâm nối nghề và vĩnh viễn mất cơ hội. Được truyền nghề từ năm 12 tuổi, suốt 49 năm nay bà chưa tìm thấy “đệ tử”.

Bà thầy lang miền cao này “ở ẩn” nên chỉ có những ai đến xin thuốc mế mới đi lấy. Mỗi lần bốc thuốc cho bệnh nhân, mế không bao giờ đòi hỏi bao nhiêu tiền một thang mà như lời bà nói “mế không đòi hỏi tiền bạc, cốt là ở tấm lòng, mỗi người đến chỉ đặt gói kẹo hay là một hai chục ngàn lên bàn rồi xưng tên tuổi, quê quán, tình hình bệnh tật là mế lấy thuốc cho”.

Thậm chí người nào bệnh nặng, không tiện đi lại được mế coi như người trong nhà, nấu cơm cho ăn, đun thuốc cho xông, khi nào khỏi mới về. Nhiều người đã được chữa khỏi bệnh và nhận mế là mế nuôi.

Em Bùi Thị Nguyên, ngụ xóm Lồ là một trong những trường hợp nêu trên. Thiếu nữ này kể lại ngày còn bé mắc bệnh hen suyễn, thuốc thang khắp nơi cũng không khỏi, đến khi đem đến bệnh viện thì bác sĩ cũng trả về vì Tây y “bó tay”. Trong khi gia đình đang tuyệt vọng nhìn con thoi thóp, có người mách tìm đến bà lão này lấy thuốc cho con uống và điều ký diệu đã xảy ra khi cô bé được cứu sống.

Ông Bùi Văn Cảnh, Trưởng xóm Lồ nơi thầy lang này cư ngụ cho biết: “Nhiều năm nay người ta đã biết bà Tiến sở hữu một số bài thuốc nam. Đấy là những bài thuốc dân gian, chưa thấy ai nghiên cứu sâu nhưng thực tế bà Tiến đã chữa được nhiều người trong xóm khỏi bệnh”.

Một may mắn khác cho mế Tiến là có người chồng nhân hậu. Ông Bùi Văn Phanh, chồng của thầy lang vườn này cười hiền lành: “Dù ngày cũng phải đi làm ruộng, lên nương nhưng cứ có người đến tìm là bà ấy lại mê mẩn với thuốc men. Thôi thì thấy bà ấy lấy được thuốc cứu người, tôi cũng vui vẻ cáng đáng việc đồng áng thay cho bà ấy được vui”.

(Theo PLVN)