Các bác sĩ khẳng định, đây là trường hợp mang thai hiếm gặp nhất từ trước đến nay, thậm chí chưa từng ghi nhận trong y văn thế giới.

Mang thai 32 tuần, chị Hà Thị Ngân đã phải mổ gấp vì mang trong mình căn bệnh động kinh, viêm não dẫn đến co giật hôn mê triền miên. Các bác sĩ khẳng định, đây là trường hợp mang thai hiếm gặp nhất từ trước đến nay, thậm chí chưa từng ghi nhận trong y văn thế giới. Có lẽ chính vì sự phức tạp đó, mà ngay chính những người thân gia đình chị Ngân cũng không dám nghĩ, các bác sĩ tại bệnh viện Bạch Mai lại có thể giúp cháu bé sống sót kỳ diệu đến vậy. Dù rằng sau ca phẫu thuật, tính mạng của sản phụ, qua thời gian hôn mê quá lâu, vẫn chưa hết nguy hiểm.

Cả bệnh viện hội chẩn trong đêm

Nhiều ngày nay, thông tin về trường hợp đặc biệt của sản phụ Hà Thị Ngân (SN 1986, người dân tộc Tày ở thôn Nà Nhừ, xã Phú Bình, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, hiện đang sống cùng gia đình chồng tại Hải Phòng) đã thu hút đặc biệt sự quan tâm của dư luận. Do bị viêm não, lên cơn co giật, cơ thể bị dòi đục vì nằm trên giường quá lâu ngày, tính mạng chị Ngân hết sức nguy cấp khi bản thân đã mang thai qua tháng thứ 8. Tuy nhiên, nhờ sự tận tình của các bác sĩ, bé trai chị mang trong bụng đã được cứu sống trong niềm vui khôn tả nơi những người thân gia đình. Thậm chí, sau thời gian chăm sóc, cháu bé ra đời nặng 2kg đã có thể an toàn xuất viện.

{keywords}
Sản phụ 

PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai kể lại: “Lúc mới chuyển đến đây, sản phụ Ngân đang trong tình trạng hôn mê, bất tỉnh nên bệnh viện đã lập tức yêu cầu hội chẩn toàn viện ngay trong đêm”. Xác định đây là một ca bệnh khó vì trước đó chưa từng có tiền lệ, nên tất cả mọi phác đồ điều trị đều phải được bàn bạc và thống nhất của toàn bộ lãnh đạo bệnh viện. Sau khi thống nhất các bác sỹ đã đưa ra ý kiến, phải mổ lấy em bé ra, vì để càng lâu, việc chữa trị cho em bé càng khó. Điều chắc chắn là em bé chịu sự tác động của các loại thuốc điều trị co giật, động kinh mà bác sĩ sử dụng để kéo dài sự sống của sản phụ nhằm giúp thai nhi lớn hơn.

Đúng như tiên lượng, ngay sau khi được lấy ra khỏi bụng mẹ, em bé đã không tự thở được, suy hô hấp. Nhưng vì được chuẩn bị từ trước, nên thai nhi vừa ra khỏi bụng mẹ đã được tiến hành hồi sức, bóp bóng ôxy, bóp tim và đặt ống nội khí quản để cung cấp khí thở ngay lập tức, qua đó giúp bảo vệ não, tránh di chứng có thể xảy ra. Sau đó, bé được chuyển xuống khoa nhi nằm lồng ấp, thở máy, tình trạng rất xấu.

Bên cạnh đó, trung tâm hô hấp của em bé đã bị ức chế rất nhiều tháng ở trong bụng mẹ, chính vì vậy nên việc khởi động lại trung tâm hô hấp của em bé cũng trở nên đặc biệt khó khăn. Thách thức càng lớn cho các bác sĩ, bởi sau khi cho bệnh nhi thở bằng máy, tình trạng thừa ô xy lại bất ngờ ập đến. Vì hiện tượng này, các bác sĩ đã phải túc trực, mỗi ngày làm khí máu liên tục 2 đến 3 lần để bảo vệ não cho cháu bé. Phân áp oxy trong máu lên đến 244,7ml thủy ngân (bình thường chỉ số này chỉ cho phép dưới 100 - PV). Nếu cấp cứu ở người lớn thì không đáng ngại, nhưng ở trường hợp này, việc trẻ thừa ôxy lại rất nguy hiểm bởi dòng máu tới não nhiều, để lâu sẽ gây nên xuất huyết não.

Hơn nữa, ngay từ khi lúc sinh, đường huyết trong máu của trẻ thấp đến mức máy không đo được. Suốt 3 ngày đầu, chỉ số này lúc lên lúc xuống. Trẻ bị rối loạn chuyển hóa do sử dụng quá nhiều thuốc để cứu mẹ. Nồng độ đường huyết thấp gây nguy cơ ảnh hưởng đến não rất nhiều. Đáng nói, dù đã được truyền đường, cho ăn nhưng lượng đường vẫn không ổn định. Theo bác sỹ Dũng thì tình trạng này là do em bé chịu rối loạn chuyển hóa. Rất may, với nỗ lực điều trị, đường huyết của em bé đã dần dần ổn định, các thông số thở máy cũng đã trở về bình thường và sau một tuần, em bé chính thức cai thở máy và sau 9 ngày, đã phục hồi tốt và được rút máy thở ôxy. Đến nay, qua gần một tháng chào đời, sức khỏe bé Đăng đã ổn định, tăng hơn 100g và có thể tự bú, không có di chứng ở não, hô hấp, tim mạch bình thường và có đã thể xuất viện.

PGS - TS Nguyễn Tiến Dũng cho hay, đây là trường hợp mang thai hiếm gặp, chưa từng gặp trong nước cũng như chưa từng được ghi nhận trong y văn thế giới. Theo bác sĩ Dũng, thông thường người bệnh chỉ hôn mê 5 - 7 ngày, nhưng hôn mê trong vòng ba tháng lại đang mang thai là trường hợp vô cùng đặc biệt.

 Cảm thương cuộc đời bất hạnh của người mẹ trẻ

Được biết, chị Ngân có hoàn cảnh rất đáng thương. Từ lúc sinh ra, Ngân đã mồ côi cha, lên 5 tuổi, lại phải gánh thêm nỗi đau mất mẹ. Được bà ngoại đón về nuôi dưỡng, nhưng đến 13 tuổi, Ngân đã phải xa quê, xuống Hà Nội tìm việc mưu sinh. Không nề hà bất cứ công việc gì, từ rửa bát đến dọn vệ sinh, bồi bàn, Ngân đều nhận làm, miễn sao có tiền gửi về cho bà ngoại.

{keywords}
Cháu bé đã qua cơn nguy kịch 

Cũng tại Hà Nội, Ngân đã gặp và yêu anh Vũ Đăng Khoa. Yêu nhau đã khá lâu, nhưng mãi đầu năm 2013, họ mới chính thức trở thành vợ chồng. Ngày về nhà chồng không giống như bao cô gái khác, Ngân không có đám cưới, cũng không có đón dâu mà chỉ có duy nhất giấy đăng ký kết hôn. Yên bề gia thất, vợ chồng Ngân mở một cửa hàng sửa chữa máy vi tính trên đường Thiên Lôi, Hải Phòng. Ngân xin đi học nghề cắt tóc, gội đầu nhưng do không có vốn mở cửa hàng nên phải đành chịu thất nghiệp. Không có công ăn việc làm, Ngân ra phụ chồng trong quán sửa chữa máy tính hoặc làm thuê, làm mướn kiếm thêm tiền chi tiêu.

Cuộc sống cứ thế êm đềm trôi đi, cho đến ngày Ngân mang thai đến tháng thứ 6. Đang từ một người phụ nữ khỏe mạnh, Ngân đột nhiên thấy cơ thể suy nhược, chân tay tê buốt, cảm giác khó đi lại. Rồi nặng hơn, cô bắt đầu xuất hiện những cơn co giật khắp cơ thể. Lúc ấy, vợ chồng cô rất lo sợ, nhưng khi nghe một số người động viên có thể do thai quá lớn chèn dây thần kinh gây ra hiện tượng trên, anh Khoa chỉ đưa chị Ngân đi châm cứu rồi về nhà điều trị. Tuy nhiên, được ít ngày, Ngân bỗng dưng bị lên cơn co giật, sùi bọt mép, hôn mê và ngất đi. Gia đình đưa Ngân đến bệnh viện, nhưng chưa kịp “định thần” thì nhận được thông báo của bác sĩ là Ngân bị viêm não, cần phải chuyển lên tuyến trên gấp.

“Tôi không thể tin nổi khi nghe bác sĩ nói cháu và con tôi đang trong tình trạng nguy kịch. Đến bây giờ, hàng tháng trôi qua nhưng con dâu tôi vẫn trong tình trạng hôn mê, co giật. Tội cho nó, sinh con ra nhưng chưa được biết mặt con như thế nào”, bà Lưu Thị Nhung (mẹ chồng Ngân – PV) nghẹn giọng cho biết. Cũng theo bà Nhung, chỉ trong khoảng thời gian hơn 2 tháng mà có tới 6 lần Ngân phải nhập viện cấp cứu, hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Tuy nhiên, mỗi lần về chưa được bao lâu, thì Ngân lại lên cơn co giật, hôn mê nằm liệt giường.

Kể đến đây bà rưng rưng nước mắt nghĩ đến con mà xót xa, không biết rồi sẽ ra sao nữa. Bà Nhung cho biết: “Từ ngày bị đến bây giờ nó suốt ngày trong tình trạng hôn mê triền miên không biết gì. Trước kia, mỗi lần tỉnh dậy thì chỉ gọi được hai tiếng mẹ ơi. Còn bây giờ thì… Tôi chỉ mong sao cho nó nhanh khỏi bệnh để sớm ngày được trở về với chồng con nó”.

Bác sỹ Phạm Thế Thạch (khoa Hồi sức tích cực) cho biết, sản phụ Hà Thị Ngân có thể sẽ qua khỏi cơn nguy kịch, tính mạng không còn bị đe dọa nhiều song khả năng hồi phục bình thường là thấp, nhiều khả năng chị phải sống đời sống thực vật suốt đời như vậy.

Những tiếng thở than lay động tâm can

Chúng tôi đến thăm Ngân lúc 12h trưa, đúng lúc bác sĩ cho gia đình vào chăm sóc người nhà. Nhìn Ngân nằm liệt giường trong tình trạng co giật, mắt đờ đẫn không biết gì xung quanh, phải ăn uống qua đường xông (đường mũi – PV), bà Nhung lại xót xa khóc nấc lên. Bà tâm sự: “Từ khi xảy ra chuyện không may, ngày nào cả gia đình cũng có mặt trên bệnh viện. Tôi chăm sóc tắm rửa cho con dâu, ông nội thì chạy khắp nơi lo giấy tờ, tiền nong còn bố nó thì ở dưới khoa Nhi chăm sóc cho cháu bé. Cả tháng nay, gia đình không có ai ở nhà. Nhưng cứ đà này, chúng tôi cũng không biết có thể cầm cự được bao lâu vì hoàn cảnh khó khăn quá, chẳng còn biết vay mượn ai được nữa”.

Theo Gia đình xã hội