Chọn Việt Nam là điểm đến trong chuỗi hoạt động kêu gọi bảo vệ tê giác, tài tử Paul Backthorne khẳng định, đây là một trong những 'điểm nóng' về nạn tiêu thụ sừng của loài động vật này.

Chiều 20/5, tại ĐH Thăng Long, Hà Nội, nam diễn viên, nhà sản xuất phim Hollywood, Paul Blackthorne giao lưu cùng hơn 500 sinh viên trường Đại học Thăng Long về vấn đề bảo tồn tê giác.

Đây là sự kiện mở màn chiến dịch “Việt Nam ơi, bảo vệ tê giác!” kéo dài hai tuần, do diễn viên này cùng Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) và Tổ chức Bảo vệ Tê giác Thế giới (SRI) phối hợp thực hiện nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác tại Việt Nam.

{keywords}

Paul Blackthorne xuất hiện giản dị tại buổi Họp báo

Xuất hiện giản dị tại buổi Họp báo, nam diễn viên Paul Backthorne khẳng định, anh chọn Việt Nam là điểm dừng chân vì đây là quốc gia được xem là một trong những “điểm nóng” về tiêu thụ sừng tê giác. Niềm tin mù quáng vào việc sử dụng sừng tê giác để chữa bệnh và thể hiện đẳng cấp khiến nhu cầu tiêu thụ ngày một gia tăng. Năm 2010, cá thể tê giác Java cuối cùng tại Việt Nam đã bị giết để lấy sừng.

Anh nói: "90 % sừng tê giác ở châu phi được tiêu thụ ở Việt Nam. Sừng tê giác là biểu tượng cho sự phát triển tầng lớp trung lưu, đặc biệt là những doanh nhân giàu có mới nổi ở Việt Nam".

Nhưng anh cũng khẳng định: "Nếu tôi bỏ 6000 USD để mua 1 sừng tê giác nặng 1 kg thì tôi là kẻ ngốc và tôi đã bị lừa. Bởi người ta lầm tưởng sừng tê giác có tác dụng như một loại thuốc, hay thể hiện đẳng cấp giàu có của mình nhưng các chuyên gia y tế đã chứng minh những chất có trong sừng tê giác không khác gì móng tay của chúng ta. Ước muốn thể hiện mình có tiền là một điều hết sức bình thường với mọi người nhưng thay vì thể hiện bằng sừng tê giác hãy dùng cách khác để chứng minh".

{keywords}
Nam diễn viên ở lại Việt Nam trong 2 tuần để thực hiện chương trình “Việt Nam ơi, bảo vệ tê giác!”

Thông qua buổi trò chuyện, ngôi sao Hollywood hy vọng các bạn trẻ, sinh viên Việt Nam sẽ chung tay kêu gọi cộng đồng bảo vệ các loài động vật hoang dã quý hiếm, nhất là loài tê giác, thông qua việc hạn chế việc mua bán, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã.

Paul Blackthorne sinh năm 1969 tại Anh và được nhiều khán giả Việt Nam biết tới qua vai Thám tử Quentin Lance trong loạt phim truyền hình Arrow(Mũi tên xanh). Anh cũng từng góp mặt trong nhiều series truyền hình đình đám như 24, ER, The Dresden Files, CSI: Miami, White Collar (Cổ cồn trắng) hay CSI: Crime Scene Investigation. Bên cạnh diễn xuất, nhà sản xuất phim, anh còn được biết tới với vai trò là một nhà hoạt động xã hội tích cực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, động vật hoang dã.
Trong thời gian lưu lại Việt Nam, Paul Blackthorne sẽ tham gia ba hoạt động chính, gồm Họp báo và Tọa đàm chuyên đề về tê giác với sinh viên tại Đại học Thăng Long (Hà Nội), Giao lưu – gặp gỡ với doanh nghiệp Việt Nam, Triển lãm bảo vệ tê giác cùng tình nguyện viên ENV.

N.Trang