- Dù siêu thị điện máy này đã phủ nhận việc dùng mẫu bikini để chào bán sản phẩm nhưng việc làm này vẫn nhận nhiều phản ứng trái chiều từ dư luận. 

Phản cảm hay độc đáo?

“Maketing kiểu này nhiều người làm rồi", độc giả Trần Hoàng bày tỏ.

Theo anh Trần Hoàng, có hai cách để được chú ý và trở nên nổi tiếng: một là phải thật giỏi, xuất sắc, khác biệt (chiều hướng tích cực), hai là thật quái chiêu, khác lạ. Ở đây siêu thị điện máy này chọn cách thứ hai. 

{keywords}

Người mẫu bikini xuất hiện chiều ngày 28/4 tại siêu thị điện máy

Dưới góc nhìn của một người làm truyền thông, marketing, anh N. L, giám đốc truyền thông marketing của một công ty trên đường Tạ Quang Bửu cho rằng, sử dụng người mẫu bikini để quảng cáo sản phẩm không phải là xấu, chỉ có điều nó không phù hợp với văn hóa.

Doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển lâu dài thì cần phải phù hợp với văn hóa của khách hàng bản địa. Trong khi ở Việt Nam, việc dùng mẫu bikini chưa phổ biến, chưa được chấp nhận thì sẽ trở thành phản cảm. Cũng giống như việc ở nước ngoài uống bia có thể thoải mái cầm cả chai để cụng ly. Còn ở Việt Nam thì bạn phải cầm ly và cụng ở vị trí thích hợp nếu không sẽ bị phản ứng.

Chiêu PR này có thể thu hút truyền thông đưa tin, nhưng doanh nghiệp sẽ được lợi gì khi các tin gắn với hình ảnh tiêu cực này? Đây là một doanh nghiệp máy tính đã khá có tên tuổi ở Việt Nam, hình ảnh tiêu cực này vô tình họ đã mất đi vị thế của mình. Đơn giản chỉ là 1 cửa hàng điện tử giá rẻ không hơn không kém.

“Có một xu hướng mới trong kinh doanh là giữ chân khách hàng cũ thì khách hàng mới tự tìm đến. Khách hàng ngày nay cũng “cá tính” hơn trước, các chiêu trò scandal khó hấp dẫn họ hơn, thậm chí còn khiến họ khó chịu, mệt mỏi. Muốn tồn tại lâu dài thì nên sử dụng các phương thức truyền thông, marketing theo hướng bền vững thay vì  scandal , chiêu trò”, vị này nói.

“Tối kiến” của  doanh nghiệp

TS. Khuất Thu Hồng, Chuyên gia nghiên cứu về giới, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) cho rằng việc sử dụng người mẫu bikini đứng chào hàng của siêu thị điện máy nọ là “tối kiến”. Bikini và đồ công nghệ không hề liên quan đến nhau, nó khiến chiêu quảng cáo trở nên sống sượng, thậm chí là phản cảm.

“Các công ty có thể sử dụng phụ nữ để quảng cáo sản phẩm nhưng đồ điện tử và bikini không hề có mối liên hệ với nhau. Chiêu quảng cáo này sặc mùi thương mại, lạm dụng thân thể phụ nữ một cách sống sượng, phản cảm. Tại sao không để phụ nữ ăn mặc năng động, chuyên nghiệp thể hiện phụ nữ làm chủ tri thức, am hiểu công nghệ, cũng có thể sử dụng máy tính, đồ điện tử công nghệ một cách thành thạo. Thông điệp như vậy sẽ mạnh mẽ hơn, thu hút khách hàng hơn mà không lố bịch, sống sượng”, bà Hồng chia sẻ.

Bà Hồng cho rằng, để bán được hàng, không chỉ ở Việt Nam mà các nước trên thế giới vẫn sử dụng các chiêu trò để gây sự chú ý. Nhưng chưa thấy nước nào trên thế giới dùng phụ nữ mặc bikini để mời chào bán điều hòa, máy tính.

K. Minh