Thấy con trai mấy ngày mất ăn mất ngủ vì lo đám cưới, bà mẹ thấp thỏm canh cửa phòng tân hôn vì sợ con gặp chuyện chẳng lành.

Bạc đầu vẫn phải lo cho con

Sự quan tâm, nuông chiều của cha mẹ, cam chịu làm “nô lệ” cho con từ việc nhỏ đến việc lớn không chỉ khiến con trẻ thụ động, sống ỉ lại mà còn khiến các bậc cha mẹ cũng khốn khổ vì con.

Ở tuổi gần 50, làm mẹ của hai đứa con, một trai một gái, một đứa năm nhất, một đứa năm cuối đại học, những tưởng chị Hạnh (Đống Đa, Hà Nội) sẽ “được nhờ”. Nhưng vì chiều con, không để con đụng tay vào bất cứ việc gì nên ngày hai bữa sáng – tối chị vẫn tự lọ mọ chuẩn bị cơm nước cho cả gia đình. Con gái 19 tuổi, ăn xong cái bát cũng không phải rửa. Con trai 22 tuổi, hoa quả phải gọt sẵn cho vào đĩa, bưng lên phòng riêng mới chịu ăn.

Chị bảo, chị thích việc bếp núc, thích chăm sóc con cái nên thấy những việc mình làm không có gì vất vả. Nhưng chị không biết rằng, “tình yêu thương” của chị khiến con thụ động, thiếu kỹ năng sống, không thể hỗ trợ khi mẹ gặp sự cố.

Một lần, chị bị ngất ở cơ quan, đồng nghiệp đưa chị vào viện. Chồng thì đang đi công tác xa, gọi cho hai đứa con thì chúng ú ớ hỏi “làm gì bây giờ ạ”. Phải đến 2 tiếng sau cậu con trai lớn mới “mò” được đến bệnh viện, trong khi quãng đường đi chỉ 6 km. Thấy chị tỉnh, đồng nghiệp gợi ý gọi con gái đến chăm cho tiện thì chị gàn “thôi được rồi, chị không sao”. Sau rồi mọi người mới biết, con gái được đưa rước từ nhỏ, xe máy không biết đi, đường không biết lối, có đến bệnh viện có khi còn khiến chị bận tâm hơn.

{keywords}
Ảnh minh họa

Một bà mẹ khác thì chăm sóc, lo lắng cho con trai đến mức đứa con lấy vợ rồi vẫn muốn chở che. Chị Hằng (Mỹ Đình, Hà Nội) chia sẻ rằng, nếu 3 năm trước chị không đấu tranh ra ngoài sống riêng thì có lẽ giờ này gia đình chị đã tan đàn xẻ nghé. Chị kể, chồng chị là con một, từ bé đến lớn đều bị bố mẹ quản lý, đi đâu cũng có bố mẹ tháp tùng, không dám thả ra vì sợ chơi bời, lêu lổng. Đến khi đi làm cũng bố mẹ xin việc cho rồi quản lý tài chính, giờ giấc đi lại. Ngày hẹn hò với chị, mỗi lần đi cà phê, xem phim đều phải xin phép, phải xin tiền mẹ. Đi chơi đến 10 giờ đêm là mẹ gọi điện hỏi đang ở đâu, sắp về chưa.

Đến khi lấy nhau rồi, chị Hằng mới thấm thía cái thói “bám váy mẹ” của chồng. Và chị cũng phải “nể phục” tâm sức quan tâm, chăm sóc con của mẹ chồng.

“Kể ra tưởng tiểu thuyết, đêm tân hôn mẹ chồng cứ ra lại vào phòng ngủ của hai vợ chồng, lúc vào kiểm tra chăn đệm có đủ ấm không, lúc vào đưa cho chồng cốc nước. Mình thấy kỳ kỳ nhưng cũng kệ. Đến gần nửa đêm hai vợ chồng chuẩn bị đi ngủ rồi, mình mở cửa phòng đi đánh răng rửa mặt thì thấy mẹ lù lù ở cửa, giật bắn mình.

Hỏi mẹ có chuyện gì thì bà kéo mình ra bảo con ơi thằng Q. mấy hôm nay mất ăn mất ngủ vì lo đám cưới, sức khỏe giảm sút đi nhiều, hai đứa đừng làm gì quá sức. Bà con dặn nếu có bị thượng mã phong thì phải kêu lên ngay để bà vào xử lý”, chị Hằng nhớ lại.

Chị Hằng bảo, nhiều khi mẹ chồng chiều chuộng con trai hơn cả trẻ nhỏ khiến chị vừa ấm ức, vừa cảm thấy tức cười. Ví dụ như ăn cá mẹ gỡ xương cho, đồ gì ngon cũng để phần con trai, đi đâu mẹ cũng tranh xách đồ trong khi con trai sức dài vai rộng để đi tay không.

“Nhiều lần cãi vã cũng chỉ vì mẹ chồng quá chiều chuộng con trai. Mình nhờ chồng thu quần áo hộ cũng bị nói nữa. May mà mình đòi ra ở riêng bằng được. Giờ thì anh xã biết nấu cơm, biết rửa bát, biết thay bỉm, pha sữa cho con rồi”, chị nói.

Chiều con - cha mẹ tự đày đọa mình

Cha mẹ nào cũng yêu thương, cũng dành những điều tốt đẹp nhất cho con nhưng đôi khi vì quá nuông chiều con mà cha mẹ lại tự đày đọa bản thân mình.

Cảnh tượng mà chúng ta vẫn thấy vào mỗi kỳ thi đại học, cao đẳng, đó là hình ảnh những ông bố, bà mẹ đội nắng, đội mưa kiên trì đợi con trước cổng trường thi. Đó là hình ảnh người mẹ tay xách nách mang lẽo đẽo theo sau, đứa con tay không đi trước thì không ngừng ca thán “mẹ mang theo lắm thứ thế để làm gì”.

Theo chuyên gia xã hội học Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính Quốc gia TP. HCM, việc nuông chiều, cung phụng con cái không có điểm dừng, hoặc thái quá đang biến một bộ phận giới trẻ... không thể trưởng thành, sống phụ thuộc cha mẹ dù đã có tấm bằng cử nhân, kỹ sư. Tuy nhiên, chỉ đến khi thấy con cái mình lười biếng, sống ích kỷ, không biết quan tâm ai thì họ mới giật mình, than vãn, kể cả trách móc chúng không biết hiếu thảo.

Khi chỉ biết nhận nhiều hơn cho, lớn lên giới trẻ cũng trở nên vô cảm, ít biết sẻ chia, thông cảm với người khác. Những đứa trẻ được nuông chiều, cung phụng thường gặp trục trặc, mâu thuẫn tại trường và khi đi làm cũng va chạm với đồng nghiệp nhiều hơn, đặc biệt dễ đổ vỡ trong hôn nhân vì không biết cách chung sống hòa hợp.

Kim Minh

(còn tiếp)