Vừa nhẩm tính tuổi của Hà, cô bạn thân tôi đang mang bầu, chồng tôi liền bảo:

- Như vậy là trễ quá rồi, phải gấp lên mới kịp sinh đứa thứ hai.

- Một đứa là đủ để Hà xiểng liểng rồi, sinh chi hai đứa cho nhọc?

- Phải hai đứa chứ!

- Căn cứ vào cái gì để anh nói “phải” thế này, “phải” thế nọ nhỉ!

Câu chuyện phiếm bên mâm cơm bỗng dưng trở nên nặng nề, căng thẳng, cảm giác chẳng ai chịu nhường ai trong một đề tài tưởng cũ kỹ đơn giản mà đầy nhạy cảm trong gia đình tôi. Tôi quyết định đứng dậy, bỏ lên nhà trên, nếu không thì có lẽ “chiến tranh” sẽ đùng đùng xảy ra vì một việc có vẻ không liên quan gì.

Hai vợ chồng tôi không rảnh tới mức mang chuyện người khác ra cãi cọ, mà do sẵn cái “phốt” trong nhà, hễ nói tới vấn đề con cái là có bực bội trách móc. Chuyện là, trước khi cưới nhau, tôi đã thổ lộ mình không thích trẻ con, bởi tôi chẳng phải mẫu phụ nữ ưa ẵm bồng chăm sóc con nít, nội trợ này nọ. Chồng tôi khi ấy “OK hết, việc nhà đã có mẹ anh lo, chúng ta chỉ sinh một đứa cho vui cửa vui nhà, sinh vào lúc nào là do em lựa chọn...”. Tôi tin lời anh.

Ai dè vừa đám cưới xong, mẹ chồng xa gần nói tới ước mơ ẵm cháu. Tôi lơ đi thì bà thẳng thừng bảo “cuối năm đấy nhé”. Tôi khó chịu nói với chồng, thì anh lấp lửng: “Có gì đâu, lấy chồng thì phải sinh con, đấy là lẽ thường”. Trời xui khiến thế nào, công ty tôi bỗng ra quy định, nhân viên phải công tác tròn hai năm thì mới được sinh con. Tôi mừng vì tạm thời thoát nạn. Nhưng rồi sau đó cũng phải ráng hoàn thành nhiệm vụ, đẻ đứa con gái cho mẹ và chồng vui lòng.

{keywords} 

Số phận trêu ngươi. Sau khi có con, tôi lại vỡ kế hoạch. Tôi muốn hủy thai, nhưng chồng cương quyết phản đối. Tôi cũng lần lữa không nỡ bỏ con, dù thừa hiểu, cả kinh tế lẫn điều kiện gia đình đều không cho phép nuôi hai đứa. Với con gái đầu lòng, tôi đã phải chật vật lắm mới có thể thu xếp đi làm trở lại, bởi không ai trông nom, đảm đương việc nhà. Mẹ chồng tôi đau ốm suốt. Bố chồng không hề mó tay vào bất cứ việc gì, quen đợi con dâu đi làm về cơm bưng nước rót. Thuê người giúp việc thì khả năng chúng tôi không kham nổi.

Cuối cùng, tôi bất đắc dĩ trở thành gái hai con... trông lòi con mắt. Câu nói vui ấy vận vào đời tôi đến thê thảm. Tôi tàn tạ, cáu bẳn, buộc phải nhịn mọi chi dùng cá nhân để có thể thuê người giữ con, thường xuyên oán trách chồng “đã không lo được mà cứ thích đẻ”. Con mình rứt ruột sinh ra, lòng dạ sắt đá nào mà không thương, thế nhưng, tôi vẫn cảm thấy có gì đó tiếc nuối và ân hận, cả bất mãn nữa. Giá như tôi cương quyết và cứng rắn hơn trong việc sinh nở, thì cả gia đình đã không phải sống cảnh chật vật khổ sở thiếu thốn thế này...

***

Hà, nhân vật trong câu chuyện của hai vợ chồng tôi, là mẫu phụ nữ hiện đại, kết hôn hơn tám năm mới mang thai đứa con đầu lòng. Hà không kế hoạch, cũng chẳng sốt ruột chờ mong được làm mẹ. Tới đâu hay tới đó là câu trả lời bình thản của Hà trước những dò hỏi của người thân lẫn thiên hạ nhiều chuyện. Hà bảo, có bầu rồi cô mới cảm thấy hối tiếc. Tự dưng vướng víu vào thân, bao nhiêu dự định, kế hoạch đều phải hoãn lại.

Công việc bị trì trệ, sự nghiệp đang xuôi mát bỗng dưng hụt hẫng. “Đúng là cái cục nợ đời!”, lúc vui miệng, Hà bảo thế. Lúc chán nản, Hà tuyên bố, nếu đẻ con gái, sẽ dạy nó rằng, con cái phải do mình quyết định, không thể phó mặc cho các ông chồng, vốn vô trách nhiệm lại thích sĩ diện hão, coi vợ con là vật trang sức phải sắm, chứ không nghĩ tới vợ mình cực khổ vì con thế nào. Đó là chưa kể các bà mẹ chồng hay hối thúc, thậm chí gây áp lực, mà chẳng hề nghĩ xem, bản thân giúp gì được cho gia đình của con khi nó thêm thành viên nhí hay không, mà cứ thích can thiệp!

Gia đình tôi ở gần một dãy nhà trọ cho công nhân thuê. Có cặp nọ, sáng, chồng đẩy cái xe cà khổ đi làm; vợ mải miết đi sau chiếc xe đẩy, bán trái cây các loại. Cuộc sống nói chung là cũng đủ đắp đổi. Rồi cô vợ mang bầu. May mà trời thương không đến nỗi nghén hay thai yếu. Nhưng cũng chẳng thể rong ruổi mỗi ngày bán buôn như trước. Vợ đành ở nhà khi cái bụng đã lùm lùm.

Cuộc sống dần trở nên kham khổ, bẳn chặt. Con chưa chào đời mà đã phải nghe bố mẹ cắn đắng nhau chuyện tiền nong. Hỏi thăm, cô vợ cúi đầu, mắt ung ủng nước: “Biết thế này em đã chẳng dám sinh con. Chồng cứ nằng nặc bảo, lấy nhau cũng... cả năm rồi, phải sinh nở cho có với người ta, chứ không chúng bạn lại trêu anh không đủ bản lĩnh đàn ông!”

Đứa trẻ vừa ra tháng đã được gửi về quê, nhờ ông bà nuôi hộ. Những năm tháng miệt mài trước mặt, con thơ thiếu vòng tay mẹ, chẳng có một mái ấm đúng nghĩa, lớn lên trong nỗi nhớ mong cô quạnh... Thế nhưng, mới đây tình cờ gặp anh chồng, đã nghe anh khoe rằng, tôi sắp được làm bố nữa rồi đấy nhé, cho thằng Tin nó có em, hơn một tuổi rồi chứ ít ỏi đâu! Kệ, trời sinh voi sinh cỏ, lo gì!

Tôi hình dung nét mặt cam chịu đến tội nghiệp của cô vợ anh. Mường tượng ra cuộc sống sắp tới của gia đình họ chắc hẳn sẽ càng thêm cơ cực. Tôi ghét cái quan niệm gàn dở “giàu con” cũng là một kiểu giàu! Đừng tưởng chỉ có người thiếu hiểu biết mới nghĩ thế. Tôi có anh bạn làm báo, vừa bị cắt thi đua vì sinh con thứ ba, bởi ráng kiếm một thằng cu cho đời thêm hương hoa, sau khi vợ làm một lèo hai “vịt bầu”. Vô phúc cho chị ấy, cái thai trong bụng vẫn là con gái. Anh nhà báo hậm hực nói, vô lý quá, thầy bói bảo số anh có con trai kia mà!

Tôi xót xa cho mấy mẹ con họ. Tính ra, tình cảnh chị ấy còn bi đát hơn của tôi hay Hà nữa. Giờ đứa con gái kia chưa kịp chào đời đã bị rẻ rúng, thương cho đời nó và cũng lo cho đời cả ba mẹ con. Với một ông bố ngu muội như thế, ai dám bảo anh ta không lén lút tìm cách biến lời bói toán thành sự thật?

Nhà nước cho sinh hai con, thì mình cứ làm cho hết suất! Nhiều cặp vợ chồng nhất định phải… "đẻ cho hết trứng" mà chẳng băn khoăn gì tới việc nuôi dạy. “Cây độc không trái, gái độc không con”, câu nói này có ác nghiệt quá không? Tại sao chuyện không sinh con lại đổ hết lên đầu phụ nữ? Sinh con ra, ai cực? Ai mang nặng đẻ đau? Ai thức khuya dậy sớm? Ai đầu bù tóc rối? Ai có thể sẽ phải nhịn ăn nhịn mặc để nuôi con, chứ chẳng lẽ bỏ mặc nó đói khát?

Ngược lại, ai có thể thản nhiên đi ngủ sớm như thường lệ, ôm gối qua phòng khác nằm để yên thân khỏi bị quấy rầy? Ai vô tư đi nhậu như trai trẻ độc thân? Ai lương ba cọc ba đồng nhưng vẫn dành phần lớn thu nhập cho rượu chè đàn đúm, mặc kệ vợ con no đói thế nào? Ai, thì không - nói - ra - ai - cũng - biết - là - ai - đấy!

Đàn bà, nên thương lấy chính mình. Ai sẽ chăm lo cho mình lúc mang thai, nằm ổ? Ai sẽ đóng góp kinh tế nuôi con? Ai sẽ giữ con cho mình đi làm trở lại? Nếu những câu hỏi lớn đó mà chồng mình không trả lời được, thì đừng vội vàng cố đẻ để mà khổ cả mẹ lẫn con...

(Theo PNO)