Ông Trình Văn Bình, 66 tuổi, từ huyện Lâm Thao, Phú Thọ lóc cóc lên tận Hà Nội vì nghe thông tin trên đài báo nói rằng sẽ cho phép mang thai hộ.

66 tuổi vẫn muốn có con

Ông Bình năm nay đã 66 tuổi, ông xuống bệnh viện Phụ sản Trung ương muốn nhờ các y bác sĩ giúp mình tìm người mang thai hộ. Ông Bình kể, vợ ông qua đời cách đây vài năm. Ông cứ sống cuộc sống lủi thủi một mình vì con cái đã có gia đình hết. Khi ông nghe trên đài, báo người ta nói về cho phép mang thai hộ, ông nảy ra suy nghĩ, giá mình có đứa trẻ nuôi trong nhà sẽ vui biết mấy.

Ông không bàn bạc nguyện vọng của mình với con. Ngày nào ông cũng chờ nghe tin tức về việc mang thai hộ nhưng cũng nhát được nhát chăng. Ông chỉ biết ở miền Bắc có Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho phép mang thai hộ. Ông khóa cửa nhà, dặn con là bố bố đi thăm bạn ở Đan Phượng, Hà Nội rồi bắt ô tô xuống tận bệnh viện. 11 giờ trưa ông vào Trung tâm hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện phụ sản Trung ương.

{keywords}

Ông Bình đang chờ khám tại Bệnh viện phụ sản Trung ương.

Lúc đầu nhìn nhiều người bệnh ngồi dàn hai bên hành lang của trung tâm, ông Bình hơi lo lắng: “Sao nhiều người xin đẻ hộ thế này. Toàn là đàn ông từ 30 đến 50 tuổi ngồi tràn ra hai bên hành lang. Không biết có ai giống hoàn cảnh của mình không đây. Tôi hỏi vài người xung quanh nhưng không ai tâm sự gì nhiều, người ta chỉ bảo tôi đi vào phòng tư vấn mà tư vấn”.

Khi gặp ông Bình, các y tá đều nghĩ rằng ông đưa con đi khám. Nhưng khi nghe ông tâm sự muốn làm hồ sơ xin mang thai hộ ai cũng giật mình. Giật mình hơn cả là việc ông không còn vợ và ông nghĩ rằng cứ xuống Hà Nội sẽ được bệnh viện tìm người để mang thai giúp ông.

Ông Bình chia sẻ “Tôi nghe thông tin bảo có người mang thai hộ, tôi thực sự muốn có con của mình nhưng không muốn lấy thêm vợ nữa. Nếu có người mang thai giúp, tôi sẽ cảm ơn các bác sĩ rất nhiều”. Vừa nói, ông Bình vừa đưa ra quyển sổ lương trong đó ghi rõ các tháng lương ông đã lĩnh. Với mức lương 5,5 triệu đồng mỗi tháng, ông bảo đủ sức nuôi thêm một đứa con.

Bệnh viện không tìm người mang thai hộ cho người có nhu cầu

Bác sĩ Hồ Sỹ Hùng – Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản – Bệnh viện Phụ Sản trung ương phải giải thích lại cho ông Bình rằng việc mang thai hộ đã được pháp luật quy định và những người như thế nào mới được phép nhờ người mang thai hộ chứ không phải ai cũng có thể làm được. Hơn nữa, bệnh viện không làm chức năng hay cung cấp phụ nữ để giúp những gia đình có nhu cầu mang thai hộ. Để mang thai hộ, người có nhu cầu phải làm đủ hồ sơ pháp lý như người mang thai hộ phải là chị em ruột hoặc họ hàng đồng hàng.

Sau khi nghe bác sĩ giải thích, ông Bình vẫn mong mỏi tìm kiếm một đứa con trai. Nhưng nhìn những đôi vợ chồng trẻ đang đi chạy chữa, chỉ mong có một đứa con thôi cũng được, ông giật mình: “Con cái là tài sản vô giá với cha mẹ. Vợ tôi sinh được 5 cô con gái, chúng cũng mải lo cho gia đình. Tôi thấy giá mình có một thằng con trai thì tốt biết bao nên nảy ra chuyện nhờ người mang thai hộ. Nhưng thế này thì khó thật”.

Quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo chính thức có hiệu lực thực thi từ ngày 15/3. Đến nay, những người có nhu cầu làm kỹ thuật cũng chưa hiểu hết được vấn đề thủ tục làm hồ sơ.

Chính vì chưa hiểu thủ tục, hồ sơ cần phải làm như thế nào nên họ cảm thấy khó khăn, phức tạp và có những câu chuyện như của ông Bình khiến bác sĩ vừa thấy thương, vừa giận vì ông không chịu tìm hiểu kỹ để đi đến quyết định quá mông muội.

* Tên nhân vật đã được thay đổi

(Theo Ph. Thúy/Infonet)