- Cứ đi làm vài tháng tôi lại mất việc một lần. Cuộc sống gia đình đã khó khăn lại càng thêm thiếu thốn. Gánh nặng kinh tế đổ lên vai vợ tôi. Tôi thấy mình thật vô dụng nhưng không có cách nào để thoát ra.

Xin chào chuyên gia

Tôi đang bế tắc vô cùng. Là người đàn ông nhưng tôi không thể mang đến hạnh phúc đủ đầy cho vợ con để gánh nặng kinh tế đè nặng lên vai vợ. Để đến mức cô ấy muốn ly hôn. Tôi cảm thấy mình là người chồng thật vô dụng.

Tôi năm nay 27 tuổi, vợ tôi hơn tôi 5 tuổi. Chúng tôi đã kết hôn được 4 năm, có với nhau một bé trai 3 tuổi. Cuộc sống vợ chồng tôi xuất phát điểm còn rất nhiều khó khăn, nhất là từ khi vợ tôi có thai. Tôi chỉ là nhân viên bán hàng tại một siêu thị nhỏ với đồng lương ba cọc ba đồng. Nhờ sự giúp đỡ của gia đình hai bên nên hai vợ chồng tôi cũng đỡ khó khăn hơn một chút. Nhưng cơn ác mộng của tôi chỉ thực sự bắt đầu khi vợ tôi sinh con được 3 tháng. Siêu thị làm ăn thua lỗ và tôi mất việc, đồng lương hàng tháng vốn đã ít ỏi nay đã không còn. Mọi khoản chi tiêu đều do bố mẹ hỗ trợ. Hai vợ chồng chỉ biết động viên nhau cố gắng vượt qua. Hơn 1 tháng sau tôi xin được vào làm bảo vệ cho một công ty Hàn Quốc, vợ tôi cũng được cô tôi xin cho vào làm kế toán cho một công ty tư nhân.

Những tưởng từ đây cuộc sống sẽ bớt khó khăn nhưng ông trời như muốn trêu đùa tôi vậy. Làm bảo vệ được nửa năm lại một lần nữa tôi mất việc. Mọi khoản chi tiêu chỉ phụ thuộc vào lương của vợ. Tôi cố gắng tìm việc mới nhưng thất bại, mở quán ăn cũng phải đóng cửa do vắng khách.

{keywords}
Tôi thấy mình thật bất tài, vô dụng vì không kiếm được tiền lo cho vợ con. (Ảnh minh họa)

Ba tháng không tìm được việc làm, áp lực đồng tiền khiến chúng tôi luôn cãi nhau. Rồi vợ tôi bắt đầu đi tụ tập bia rượu với bạn bè trong công ty nhiều hơn. Con cái bỏ bê, chểnh mảng. Tôi muốn đi tìm việc cũng khó vì giờ con còn nhỏ, bố mẹ bận làm ăn trả nợ ngân hàng nên tôi phải cắn răng nhịn nhục ở nhà chăm con. Càng như vậy tôi càng bị vợ coi khinh, chì chiết. 

Tôi từ vị thế người chồng mà giờ như biến thành người vợ vậy. Thất nghiệp, tiền không có nên thỉnh thoảng vợ hay cáu bẳn, gắt gỏng, tôi đều nhịn. Tôi nghĩ, cô ấy lo lắng chi tiêu trong gia đình, áp lực công việc cộng thêm phải tính toán tiền nong nên cáu gắt cũng là thường tình. Nhưng không biết từ lúc nào cô ấy biến thành con người hoàn toàn khác. Một tuần thì đến 5 ngày sau giờ làm là những buổi liên hoan với đủ mọi lý do mà cô ấy cho là chính đáng. Khi tôi góp ý về điều đó thì được trả lời một câu mà có lẽ cả đời này tôi chẳng thể nào quên được "rằng cô ấy đi tụ tập, karaoke nhưng ra tiền". Nó như vết dao đâm vào tim tôi vậy. Đúng tôi không làm ra tiền thật, vậy tại sao tôi lại trách được cô ấy.

Vậy đấy, nhiều lúc cuộc sống thật oái oăm, giờ đi làm thì ai trông con, gửi nhà trẻ thì con còn nhỏ quá , thuê người trông thì không có tiền. Nhục lắm nhưng vẫn phải cắn răng chịu đựng. Ngày ngày trôi qua trong cãi vã, mâu thuẫn. Rồi con tôi cũng được 2 tuổi. Tôi quyết định tìm kiếm vận may ở nước ngoài. Tôi đăng ký đi xuất khẩu lao động sang Malaysia. Nhưng đi rồi mới biết mình bị lừa, bọn môi giới ăn chặn và không trả tiền lương khiến thu nhập hàng tháng chẳng được bao nhiêu. Vợ tôi thì nghỉ việc và muốn mở quán cà phê. Đến giờ sau một năm làm việc tôi gửi về cho vợ con được vỏn vẹn 21 triệu. Quán cà phê thì phải đóng cửa vì vắng khách.

Cuộc sống ngột ngạt cơ hồ bóp nghẹt tôi. Không đêm nào tôi ngủ được bởi những suy nghĩ, lo lắng. Không có tiền gửi về, vợ con tôi sống sao đây? Đến tuần trước thì tôi nhận được tin nhắn của vợ. Cô ấy trách tôi không thể lo được cho hai mẹ con cô ấy, cô ấy không cần tôi nữa.

Thật nực cười. Tôi đang cười, nhưng cười cùng nước mắt. Cười cho cái thân mình thật kém cỏi, cười cho cái trò đời, nước mắt rơi cho vợ con. Giá như cô ấy đừng yêu tôi, đừng lấy tôi thì cô ấy không phải buồn phải khổ. Tôi có lỗi với vợ con. Tôi bất tài. Tôi vô dụng. Tôi phải làm gì đây?

Mạnh Hải (hoangmanhhai@...)

Chuyên gia tư vấn:

Chào anh, có một thực tế rất rõ ràng rằng gánh nặng cơm áo gạo tiền ảnh hưởng rất lớn đến hạnh phúc gia đình. Những lúc khó khăn, nó có thể là thứ gia vị giúp tình cảm vợ chồng sâu sắc, gắn bó nhau hơn, bởi lẽ cùng nhau trải qua những tháng ngày đồng cam cộng khổ. Song, nó cũng có thể phá hủy nhanh chóng hạnh phúc gia đình. Nhất là khi có con nhỏ mà kinh tế gia đình lại xáo trộn, thì vợ chồng rất dễ cáu gắt, gây gổ cãi nhau.

Nếu người vợ thất nghiệp thì còn đỡ, vì tâm lý của người Á Đông, người chồng đóng vai trò trụ cột về kinh tế nên khi các anh chồng chẳng may thất nghiệp hay gặp khó khăn trong việc kiếm tiền để trang trải sinh hoạt gia đình thì tình hình “bi đát” hơn nhiều.

Tuy nhiên như câu chuyện của anh thì chúng tôi thấy rằng anh không phải là người đàn ông vô trách nhiệm với gia đình. Anh đã cố gắng đi làm hết việc này đến việc khác để kiếm tiền nuôi vợ con. Nhưng cuộc đời con người không phải lúc nào cũng suôn sẻ, có những lúc gặp khó khăn do hoàn cảnh xô đẩy hoặc do bản thân thiếu may mắn.

Anh cũng là người chồng rất yêu thương vợ con, dù ở đâu cũng đều nghĩ và lo lắng cho vợ con ở nhà. Anh đã tìm cách ra nước ngoài để mong kiếm được một công việc với thu nhập cao hơn để lo cho gia đình, nhưng vận may không đến, thu nhập không được như mong muốn.

Vì vậy trước hết anh hãy giải thích cho vợ hiểu để chị ấy thông cảm cho anh. Anh cũng đừng vì những suy nghĩ tiêu cực, bế tắc mà trách móc vợ vì bản thân chị ấy cũng phải lo toan rất vất vả. Nếu vợ chồng anh biết động viên nhau, cùng nhau cố gắng, phấn đấu vượt qua khó khăn thì hạnh phúc sẽ mỉm cười. Anh hãy cố gắng lên rồi có lúc vợ anh sẽ hiểu và yêu anh nhiều hơn. Các cụ ta vẫn có câu “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”.

Bây giờ việc anh cần làm là tìm ra lối thoát để khắc phục tình trạng bây giờ, đó là anh hãy tích cực tìm kiếm một công việc tốt hơn, khi thu nhập ổn định rồi thì mọi việc sẽ ổn. Anh có thể nhờ bạn bè hay mọi mối quan hệ để giúp anh tìm việc.

Nếu công việc ở nước ngoài quá khó khăn, không có cách nào giải quyết thì anh có thể nghĩ đến việc về nước để tìm một công việc khác phù hợp hơn và quan trọng để thắt chặt tình cảm vợ chồng. Hai vợ chồng cùng đi làm để nuôi gia đình 3 người cũng không đến nỗi quá khó khăn. Nhưng có điều phải kiên nhẫn, công việc ban đầu có thể lương không được cao rồi vừa làm vừa tính tiếp.

Thu nhập không cao thì hai vợ chồng anh nên bảo ban nhau tiết kiệm, dành dụm để lo cho con. “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Anh cũng nên động viên vợ, thua keo này ta bày keo khác, rồi gia đình sẽ vượt qua khó khăn.

Cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Hai vợ chồng là chỗ dựa cho nhau nên hãy động viên nhau một cách nhẹ nhàng, để cả hai lấy lại tinh thần. Những cử chỉ quan tâm của anh lúc này rất ý nghĩa vì nó khiến chị ấy nhận ra tình yêu của anh dành cho gia đình.

Việc anh gặp khó khăn trong công việc là một giai đoạn thử thách của hôn nhân. Khó khăn vì thiếu thốn chỉ là một phần, phần khác - nặng hơn - vì đây là “thước đo” để đo lường tình yêu, sự quan tâm lẫn nhau, cách ứng phó, cư xử của hai vợ chồng… Nhưng đôi khi nhờ phép thử ấy mà vợ chồng càng hiểu nhau hơn, thương nhau hơn, cùng vượt qua gian nan, cùng an ủi nhau.

Chúc vợ chồng anh sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này và sống bên nhau hạnh phúc trọn đời.

Chuyên gia tâm lý

Nếu bạn gặp các vấn đề về tâm lý, tình cảm, bạn cảm thấy khó khăn trong các mối quan hệ trong gia đình hay ngoài xã hội. Bạn cần được tư vấn tâm lý, tư vấn tình cảm hay cần tham khảo ý kiến chuyên gia về những vướng mắc trong cuộc sống, bạn hãy gửi mail đến địa chỉ Bandoisong@vietnamnet.vn. Chúng tôi sẽ sẻ chia cùng bạn.