Tối 13/4/2015, vào lúc 20 giờ tại trụ sở báo Taz (Tageszeitung) ở Rudi-Dutschke-Str. 23, 10969 Berlin-Kreuzberg sẽ trình chiếu miễn phí bộ phim tài liệu "Điểm lặng" với tiêu đề tiếng Anh là "Lighter than Orange". Bộ phim đã đoạt Giải thưởng Lớn tại Liên hoan phim New York, Mỹ.

Sau buổi chiếu phim sẽ có buổi gặp gỡ, giao lưu với đạo diễn, Giáo sư Nhiếp ảnh Matthias Leupold và trợ lý bộ phim Felix Klickerman, người đã làm việc với các nạn nhân chất độc da cam ở Hà Nội, do Sven Hansen, Biên tập viên về châu Á của báo TAZ làm MC.

{keywords}

Cảnh đầu bộ phim về nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Bộ phim "Lighter than Orange" là một bộ phim về số phận của hàng ngàn nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, những người chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu ở chiến trường, nhưng khi trở về không hề biết mình đã bị nhiễm chất độc da cam, mà con cháu họ sau này, thậm đến đời thứ ba phải gánh chịu hậu quả. Nhiều người đã chết khi được sinh ra hoặc mang dị tật suốt đời. Đó là những người như Mến, 31 tuổi, con gái của cựu chiến binh Bùi Phục Hưng, quê Phú Thọ, từ năm 17 tuổi thì bị mất trí nhớ. Đó là Nga, con gái của cựu chiến binh Đỗ Đức Địu, quê Quảng Bình, bị liệt nửa người. Cả ba con ông đều bị dị tật bẩm sinh. Đó là bộ phim về những cựu chiến binh như Hưng và Địu, hai trong số hơn bốn triệu nạn nhân chất độc da cam.

Trong khoảng 10 năm từ 1961 tới 1971, Mỹ cho cho máy bay rải hàng triệu lít chất diệt cỏ có chứa chất điôxin cực độc, trong đó có chất da cam xuống những cánh rừng, đồng ruộng ở Việt Nam và hai nước láng giềng nhằm phá hủy mùa màng và làm rụng lá cây che chở cho bộ đội Việt Nam.

Mặc dù chiến tranh đã qua đi 40 năm, nhưng hậu quả của chất độc da cam/điôxin vẫn còn tồn tại dai dẳng và ám ảnh số phận của hàng triệu con, cháu những người bị nhiễm chất độc năm xưa, những người bản thân họ không hề biết tới chiến tranh.

Trong khi những cựu chiến binh Mỹ bị nhiễm chất độc da cam /điôxin trong chiến tranh Việt Nam đã được Chính phủ Mỹ bồi thường, thì cách đây 10 năm, Tòa án Mỹ đã bác bỏ đơn kiện đòi bồi thường của các nạn nhân Việt Nam.

Bộ phim nhắc nhở dư luận thế giới không được quên các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam, những thảm kịch cá nhân của họ và kêu gọi cộng đồng quốc tế quan tâm, tìm ra các giải pháp giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam vượt qua những khó khăn mà tự mình không khắc phục nổi.

(Theo thoibao.de)