Dù mới phát hiện 2 vạch đỏ trên que thử nhưng đã là lúc bạn phải bước vào “cuộc chiến” thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để bảo vệ bé yêu ngay từ trong trứng nước.

Ăn uống khoa học khi mẹ mới bắt đầu thai kỳ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, trí thông minh của bé yêu sau này. Theo Tiến sĩ Lynn Singer, Đại học Case Western Reserve, Ohio (Hoa Kỳ), ngay trong giai đoạn đầu, não thai nhi đã có 25.000 tế bào thần kinh được hình thành mỗi phút, từ đó não trẻ sẽ phát triển không ngừng. Đến tuần tuổi thứ 3, thứ 4, các cảm ứng thuộc ống thần kinh dẫn đến hình thành não bộ và tủy sống của thai nhi bắt đầu diễn ra.

Sự hình thành sớm não bộ, xương, tủy sống đòi hỏi mẹ bầu phải nhanh chóng cung cấp đầy đủ vitamin và dưỡng chất, hạn chế tối đa những yếu tố ảnh hưởng xấu đền sự phát triển các cơ quan trong cơ thể bé. Bởi thế nên dù đang rất hồi hộp lẫn vui mừng vì sắp được làm mẹ, cũng đừng quên thiên chức và nhiệm vụ cao cả là phải ăn uống lành mạnh để bảo vệ bé yêu nhé mẹ bầu. Sau đây là “tất tần tật” những lưu ý để mẹ bắt đầu thay đổi thói quen ăn uống của mình.

1. Đảm bảo ăn đủ dưỡng chất cần thiết

Axit folic và sắt là 2 dưỡng chất quan trọng nhất bên cạnh các loại vitamin khác mà mẹ bầu phải dung nạp, đặc biệt là trong giai đoạn đầu thai kỳ. Thông thường, các bác sĩ đều khuyến cáo bạn nên bổ sung axit folic ngay khi có ý định mang thai. Tuy nhiên, nếu trước đó chưa chú ý đến lời khuyên này, thì kể từ bây giờ, axit folic phải được ưu tiên hàng đầu trong thực đơn bầu bí; vì đây là chất giúp mẹ bầu làm giảm đáng kể các nguy cơ bị dị tật bẩm sinh nghiêm trọng và giúp tất cả tế bào trong cơ thể bé phát triển bình thường, khỏe mạnh.

Đặc biệt, những phụ nữ có nguy cơ cao như thường dùng thuốc chống động kinh, sẽ cần đơn thuốc liều cao axit folic trong suốt kỳ thai nghén. Ngoài uống viên bổ sung vitamin có bao gồm cả sắt và axit folic theo chỉ định của bác sĩ, bạn có thể tăng cường dung nạp axit folic qua các loại thức ăn giàu dưỡng chất này như đậu lăng, đậu đen, rau bina, măng tây, trái cây và nước ép trái cây, ngũ cốc, mì ống và bánh mì nguyên chất có bổ sung axit folic …

Bên cạnh đó, lượng máu tăng trung bình khoảng 40% khi mang thai cũng dễ làm cho bạn bị thiếu máu và thiếu sắt. Vì vậy, ngoài việc chắc chắn liều bổ sung vitamin trước khi sinh có chứa trên 30 mg sắt, bạn cần dung nạp thêm sắt qua thực đơn phong phú dưỡng chất này gồm thịt thăn bò, trứng, cá béo, phần đùi trong thịt gia cầm, ngũ cốc tăng cường… và các loại rau quả như rau bina, đậu, đậu lăng, mơ.

Tuy nhiên, sẽ rất khó để cơ thể hấp thu chất sắt có từ thực vật nếu bạn là người ăn chay trường. Khi đó cần lưu ý những mẹo nhỏ giúp tăng khả năng dung nạp sắt như ăn cùng các loại thực phẩm giàu vitamin C, chẳng hạn vắt nước cốt chanh vào món salad rau bi na. Cũng cần lưu ý thiếu máu nặng có thể dẫn đến nguy cơ sinh non và bé bị nhẹ cân, nên nếu thấy các biểu hiện thiếu sắt như da xanh xao, nhịp tim không đều, tay chân lạnh và dễ chóng mặt, mệt mỏi, bạn cần gặp bác sĩ để thăm khám và can thiệp kịp thời.

{keywords}

Các loại rau lá màu xanh đậm vừa giàu sắt vừa nhiều axit folic giúp mẹ bảo vệ thai nhi tốt hơn (hình minh họa).

2. Tăng cường canxi

Canxi rất cần thiết để thai nhi phát triển khung xương và răng chồi chắc khỏe, do đó mẹ bầu cần lưu ý bổ sung các thực phẩm giàu canxi cho bé yêu trong chế độ ăn hàng ngày của mình như sữa tách kem, tách béo, yaourt, phô mai, nước cam ép, đậu phụ, sữa đậu nành…

3. Uống nhiều nước

Viện Y học Hoa Kỳ khuyến cáo mẹ bầu nên uống khoảng 10 ly nước (tương đương gần 2,4 lit) mỗi ngày vì cơ thể đầy đủ nước sẽ giúp ngăn ngừa táo bón vốn rất dễ gặp trong thai kỳ và ngăn chặn các cơn co xảy ra quá sớm. Để đỡ nhạt miệng, mẹ bầu có thể cho thêm chút chanh, dưa leo hoặc bạc hà. Các loại trà thảo mộc, nước trái cây, nước canh, súp cũng góp phần cung cấp nước cho cơ thể bạn.

4. Tránh rượu và caffein

Đừng vì sở thích cá nhân mà bỏ qua lưu ý quan trọng này trong suốt thai kỳ, đặc biệt là vào những tháng đầu bầu bí. Trong khi rượu đã được chứng minh là một trong những nguyên nhân gây dị tật bẩm sinh và làm chậm phát triển tâm thần ở thai nhi, thì các thức uống chứa caffein như cà phê có thể làm giảm lượng máu đến nhau thai, tăng nguy cơ sẩy thai, bé sinh ra dễ có nhịp tim, nhịp thở nhanh hơn và thường bị giật mình trong những ngày đầu chào đời … Nhưng nếu là tín đồ của cà phê, mẹ bầu cũng đừng lo lắng quá, vì dùng 1 tách cà phê mỗi ngày được cho là vẫn còn nằm trong giới hạn an toàn.

5. Đảm bảo an toàn thực phẩm

{keywords}

Ngay cả với trái cây chín cũng có nguy cơ làm mẹ bị nhiễm khuẩn nếu không được rửa và vệ sinh cẩn thận (hình minh họa).

Ngay khi vừa phát hiện mang thêm 1 mầm sống mới trong cơ thể, mẹ bầu cần quán triệt ngay quy tắc luôn “ăn chín uống sôi” với tất cả thực đơn ăn uống hàng ngày của mình. Nguyên nhân là do các loại thực phẩm tươi chưa tiệt trùng như phô mai mềm, thịt chế biến sẵn, thậm chí trái cây và rau quả không được rửa đúng cách đều có thể chứa vi khuẩn Listeria, một loại vi khuẩn có thể dẫn đến sẩy thai, sinh non, thai nhẹ cân và thậm chí làm thai chết lưu.

Song song đó, cần lưu ý đến việc chế biến thức ăn. Cần phải đảm bảo thức ăn đã chín hoàn toàn, cũng như không nêm nếm món ăn khi chưa nấu. Tránh cá sống, trứng sống hay ốp la vì dễ dẫn đến nguy cơ mắc 1 số bệnh như Listeriosis, Salmonella, Toxoplasmosis làm mẹ bị các vấn đề về thị lực, co giật và gây ra các tổn hại lên cơ thể thai nhi nếu bé hấp thu các vi khuẩn này qua nhau.

6. Tăng thực đơn màu sắc, nhiều cá và chất béo lành mạnh

Các loại trái cây, rau quả có màu sắc tươi sáng, rực rỡ chứa nhiều chất chống oxy hóa rất tốt cho mẹ bầu và thai nhi. Để thực đơn thêm phong phú và ngon miệng, bạn có thể rắc trái cây khô lẫn quả tươi vào ngũ cốc buổi sáng, hoặc trộn vào sữa chua cho các buổi ăn nhẹ trong ngày.

Ngoài ra, mẹ bầu cần tăng cường thực đơn với món cá nhiều omega 3, choline và các chất béo lành mạnh như cá hồi, cá ngừ trắng đóng hộp, cá cơm, cá trê, cá trích, cá tuyết và tôm, nhưng tuyệt đối tránh các loại cá kiếm, cá kình, cá thu và cá mập vì chứa hàm lượng thủy ngân cao có thể gây hại cho quá trình phát triển não thai nhi. Cũng lưu ý chỉ nên ăn khoảng 300 gram hải sản giàu omega 3 mỗi tuần. Bạn cũng có thể bổ sung omega 3 và các chất béo lành mạnh giúp não và tim thai nhi phát triển tốt qua trứng và các loại quả như quả óc chó, hạt lanh, hạt hạnh nhân…

(Theo Health/ Khám phá)