“Sau khi kết hôn, đúng là có những thứ không còn như lúc yêu nhưng không có nghĩa là sau hôn nhân đàn ông sẽ “phũ” thoải mái. Tôi nghĩ phụ nữ cần có “kỉ cương mềm” với người chồng của mình để không bị phôi phai những điều mình ao ước...”, nữ nhà báo chia sẻ.

Quốc tế phụ nữ 8/3 đang đến gần, mọi tâm điểm đều hướng về phụ nữ - một nửa của thế giới. 8/3 cũng là dịp tác giả trẻ Tĩnh Phan, cây viết về phụ nữ, ra mắt cuốn sách “Vệt son môi ở Bangkok”. Tĩnh Phan đã dành thời gian chia sẻ với VietNamNet về những tâm sự thầm kín của phụ nữ trong ngày này.

- Ai cũng biết 8/3 là Quốc tế phụ nữ và hoa, quà là những thứ đàn ông nghĩ đến đầu tiên được chọn để tặng các chị em. Theo chị đó có phải thứ phụ nữ thích nhất trong ngày này?

Tôi thấy phụ nữ vốn rất khó hiểu. Khó có thể nói rành mạch rằng họ thích gì, ghét gì... Có người chê hoa và quà chồng tặng trong những dịp đặc biệt, nói rằng hoa là sự lãng phí, quà thì không hợp, không vừa… Ấy thế nhưng, tôi từng chứng kiến có chị được chồng tặng hoa tươi trong một dịp lễ, chị ấy giữ hoa đến hơn 1 tháng, hoa bị mốc rồi mới vứt đi.

Tôi không thể trả lời câu hỏi về sự thích nhất của phụ nữ bởi vì những thứ thuộc về vật chất đó cần phát phiếu xã hội học để hỏi... (Cười) Tôi chỉ biết rằng, không có một khuôn mẫu nào về phụ nữ cả. Xã hội có hàng trăm, hàng nghìn kiểu phụ nữ khác nhau và mỗi người một sở thích riêng... những người là người yêu, người chồng, người bạn của phụ nữ là người cần quan tâm để hiểu sở thích, mong mỏi của từng ngườii

{keywords}

Tác giả trẻ Tĩnh Phan

- Có bà vợ đã chia sẻ thế này: “Ông xã mình vô tâm lắm. Các ngày lễ dành cho phụ nữ thế này, ông ấy có thể đặt vài chục bó hoa để tặng các chị em cùng công ty, nhưng lại không nhớ gì đến vợ ở nhà. 8/3 năm nay chưa thấy "hắn" đả động gì, nhưng chắc lại cũng như những năm trước thôi. Nhưng nói gì thì nói, dù lấy nhau đã mấy năm, đã quen với sự vô tâm của chồng, nhưng lần nào cũng như lần nào, mình vẫn mong chờ một điều gì đó bất ngờ sẽ xảy ra...”. Chị nghĩ sao về sự vô tâm của đàn ông?

Tôi từng biết và đã viết câu chuyện về một người đàn ông thế này, anh ấy rất tốt, anh ấy không uống rượu, không hút thuốc, anh ấy rất chăm chỉ làm lụng để kiếm tiền nuôi con thế nhưng vợ anh ấy lại bỏ nhà theo người đàn ông khác… Rất đau đớn và khó hiểu. Cái sự bỏ nhà theo người đàn ông khác của người phụ nữ ấy có đáng trách không? Có chứ! Nhưng hãy nhìn lại câu chuyện với lối hành xử của người đàn ông được cho là tốt. Người đàn ông kia đã biết khám phá người đàn bà của mình chưa, đã biết ao ước của cô ấy chưa, đã biết cô ấy rung động với điều gì chưa? Chưa, anh ấy chưa biết. Bởi thế nên vì một mùi hương ám ảnh ở bến sông mà chị ấy bỏ đi đấy…

Quay trở lại chia sẻ của người phụ nữ trên. Người phụ nữ vẫn chờ điều bất ngờ xảy ra, tức là cô ấy vẫn cho anh ấy những cơ hội để anh ấy không vô tâm. Tôi biết mà, đàn ông khi yêu và khi làm chồng có những sự khác nhau kinh khủng. Đàn ông lúc yêu họ thích che chở, có thể họ yêu cả cái dáng đi lom khom, vất vả của người phụ nữ của mình thế nhưng lấy nhau về làm chồng rồi, họ lại quên đi mất.

Với những người đàn ông vô tâm, tôi muốn nhắc họ ngày 8/3 và những ngày sau này: Hãy nhớ lại mình đã yêu người phụ nữ của mình như thế nào. Hãy thương lại những xa xưa ở người phụ nữ của mình… Đừng chờ đến lúc có những phàn nàn, trách móc và xa hơn là lời đề nghị chia tay từ người phụ nữ của mình mới xót xa "thương lại những xa xưa".

- Một bà vợ khác cũng chia sẻ: “Chưa lấy chồng thì những dịp như thế này tha hồ thu "chiến lợi phẩm", thế mà kết hôn xong, gần 5 năm rồi, chưa được nhận một món quà nào từ chồng. Nhiều khi nghĩ cũng thấy tủi thân. Mà mình cũng chẳng đòi hỏi gì cao xa, chỉ cần chồng thể hiện sự quan tâm bằng một bó hoa hay hai đứa rủ nhau đi ăn gì đó, hoặc ngồi nhà ăn cùng nhau bữa cơm thôi, là thấy hạnh phúc rồi. Vậy mà, cũng không được”. Phải chăng kết hôn rồi, phụ nữ sẽ không còn 8/3 nữa?

(Cười lớn). Nếu tôi biết người phụ nữ gửi tâm sự này, tôi sẽ nhắn chị ấy rủ chồng đi ăn ngày 8/3 và mua váy tặng anh ấy trong ngày này... Sau khi kết hôn, đúng là có những thứ không còn như lúc yêu nhưng không có nghĩa là sau hôn nhân sẽ "phũ" thoải mái. Tôi nghĩ phụ nữ cần có "kỉ cương mềm" với người chồng của mình để không bị phôi phai những điều mình ao ước.

- Vậy khi không có hoa, quà, cũng không có sự chia sẻ của đàn ông. Theo chị phụ nữ nên làm gì trong ngày này để bản thân được vui vẻ?

Tôi có một cô bạn, bạn đi du học nước ngoài về làm ở hãng thông tấn của nước ngoài, rất giỏi, rất xinh, rất ngoan nhưng chưa có người yêu… Những dịp lễ đặc biệt bạn hầu như không có quà cũng như sự chia sẻ của đàn ông yêu mình. Tôi thấy bạn vẫn yêu đời phơi phới. Trong một ngày lễ gần đây, bạn kể rằng bạn đã ra hàng hoa mua 2 bó hoa. Một bó bạn để ở xe chở về nhà cắm chơi. Một bó còn lại sau khi chị bán hoa bó xong, bạn bảo: Em tặng chị… Hai mẹ con chị bán hoa đã nhìn bạn tôi không chớp mắt. Sau khi họ thấy lời nói của bạn tôi là hoàn toàn nghiêm túc thì đã quay sang ôm trầm lấy nhau và hô “sướng quá, sướng quá”. Làm cho bản thân và người khác được vui vẻ thì không có khuôn mẫu nào phải không?

{keywords}

“Người phụ nữ đọc sách của tôi sẽ tha thứ cho những lỗi lầm bản năng của mình” – Tĩnh Phan.

- Ra sách đúng dịp 8/3 phải chăng đây là món quà chị muốn dành tặng cho phái đẹp?

Người ta sẽ phải bỏ tiền ra để được đọc “Vệt son môi ở Bangkok” của tôi nhưng đó sẽ là một khoản tiền đáng bỏ… Tôi vẫn nói với vài người bạn kén đọc của mình, đàn ông không muốn mất vợ hãy đọc tác phẩm của tôi. Phụ nữ muốn tha thứ cho những lỗi lầm của mình cũng nên đọc sách của tôi.

- Người phụ nữ trong các tác phẩm của chị rất đa sầu, đa cảm. Người ta bảo, phụ nữ đa sầu, đa cảm thường khó hạnh phúc bởi họ đòi hỏi cao hơn ở người đàn ông. Điều đó có đúng không, thưa chị?

Nói thực lòng, tôi thích người ta nói những nhân vật của tôi là dịu dàng, nữ tính cơ... Nhưng cảm nhận văn chương là của mỗi người tôi không thể điều khiển được. Đúng là nhiều người thường có nhận định như vậy khi đọc các tác phẩm của tôi. Họ nói, tôi còn trẻ nhưng nhân vật tôi xây dựng dù là nghèo hay giàu, hèn hay sang chảnh thì họ dường như chật vật, vất vả và lo nghĩ nhiều… Khi tôi viết, tôi bị chìm mình vào trong đó. Cái tỉnh táo của bản thân tôi, không làm cho nhân vật của tôi bớt vất vả, bớt lo toan và thêm hạnh phúc. Đúng là, tôi thấy họ thiếu thốn… Nhưng ngòi bút “hồn nhiên” của mình là vậy. Tôi đành phải tạm hài lòng bởi vì mình đã chạm được vào một khoảnh khắc nào đó trong tâm trạng của những người phụ nữ ngoài đời thực rồi viết lên mong mỏi của họ.

Bản thân tôi cũng từng bị "chê" là đa sầu, đa cảm. Tôi làm báo lại viết văn. Có lẽ tôi tư duy nhiều hơn những người phụ nữ khác. Thế nhưng tôi đã lấy một ông chồng rất bình thường - tôi không đòi hỏi cao đâu! Anh ấy hết sức đơn giản. Khi tôi đói và mệt, anh nấu cơm cho tôi ăn. Khi tôi đa sầu, đa cảm anh ấy đưa tôi đi dạo… Tôi có hạnh phúc hay không? Vì sống ở đời không ai có thể nắm tay mãi mãi nên tôi chưa nói được. Nhưng tôi chỉ mong rằng, phụ nữ hay bất cứ ai, đừng để những định mệnh xấu xí ám ảnh mình. Đừng tin người khác nói “đa sầu, đa cảm số em hẳn nghiệt ngã lắm đây”…

- Một phụ nữ đi du học về nhận xét rằng "chỉ có ở Việt Nam mới chào mừng 8/3 một cách hân hoan, hừng hực còn ở nước ngoài, họ không biết 8/3 là ngày gì vì ở bên đó ngày nào phụ nữ cũng được nâng niu, yêu thương, tôn trọng". Đàn ông Việt đợi đến 8/3 mới thể hiện còn đàn ông Tây không như vậy... Phải chăng phụ nữ Việt quá thiếu thốn tình yêu nên mới viện các dịp lễ này để nhận được sự quan tâm của người thân, bạn bè?

Tôi may mắn được quen biết cả đàn ông Tây và đàn ông Ta, hiểu cả Tây và Ta nên tôi không đồng tình với nhận định đó. Ở đâu cũng vậy, xã hội chỉ là một phần nào còn chính người phụ nữ sẽ phải tự tạo giá trị cho chính mình. Tôi lấy 3 ví dụ thế này: Ở nước Úc, tôi có một người bạn thân, anh ấy từng kể cho tôi về những sinh viên Việt Nam sang đó du học và lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Có cô gái Việt lấy bằng tiến sĩ nhưng lúc nào cũng mong “bẫy” được một người đàn ông gốc Úc để làm mẹ đơn thân, có tấm thẻ ở lại… Đàn ông Tây họ cũng khôn lắm! Họ biết được như vậy thì họ có còn nâng niu, yêu thương và tôn trọng cô gái ấy được không?

Cũng ở một nước phương Tây khác, có một phụ nữ Việt Nam sang đó làm việc. Chị ấy xuất sắc đến mức là trưởng một dây truyền sản xuất. Thế nhưng lòng tham tiền bạc khiến chị ấy vẫn bị cặp bồ, chị ấy yêu cầu bồ mua đồ cho ở các siêu thị lớn rồi về bán lại cho các chị em người Việt để có thêm thu nhập. Như thế thì dù chị ấy xuất sắc có được xã hội tôn trọng không?

Quay trở lại với chính trường hợp của mình ở Việt Nam, tôi là dân luật, có lần tôi học về bình đẳng giới. Tôi cứ nghĩ đi nghĩ lại rằng, tôi có cần cái gọi “thêm sức mạnh” từ quy định của pháp luật để có bình đẳng giới không? Hay bản thân mình đã có thừa những cái mạnh để đòi quyền bình đẳng với đàn ông ở cơ quan và chồng ở nhà? Tôi nhận thấy rằng cái gì cũng do mình làm nên cả. Thử động đến tôi mà xem…

Tôi cũng không đồng tình với việc phụ nữ Việt quá thiếu thốn tình cảm nên viện những ngày lễ để được “nhận bù”. Nếu bạn là một người phụ nữ chủ động tạo ra những giá trị cho mình và cho người mình yêu thương thì sẽ không có thiếu thốn gì cả. Bạn đừng chờ đến lúc thiếu thốn quá mức rồi mới bù, thấy thiếu thiếu là tự bù vào luôn mới hay…

Kim Minh (thực hiện)