Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, trong năm 2018 các cơ sở đào tạo nghề của tỉnh sẽ đào tạo khoảng 35.000 người lao động ở nông thôn, trong đó trình độ cao đẳng là 1.500 người.

Không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo

Công tác đào tạo nhân lực được tỉnh Quảng Ninh xác định là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược, bởi vậy tỉnh tích cực đầu tư, nâng cao chất lương đào tạo nghề. Theo thống kế của Sở LĐ-TB&XH tỉnh, tổng kinh phí dành cho công tác giáo dục nghề nghiệp năm 2017 trên địa bàn tỉnh là 580,084 tỷ đồng.

Không ngừng phát triển hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đến nay Quảng Ninh đã có 39 đơn vị tham gia hoạt động đào tạo nghề nghiệp là cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia giáo dục nghề nghiệp. Trong đó có 32 cơ sở công lập và 7 cơ sở thuộc doanh nghiệp, hình thành một mạng lưới cơ sở đào tạo nghề đa dạng.

Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, Quảng Ninh chú trọng công tác bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giáo viên, đầu tư, nâng cấp các trang thiết bị máy móc. Tính đến hết năm 2017, số nhà giáo cơ hữu và tham gia đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề nghiệp là 1.926 người. Trong đó, giáo viên đạt chuẩn thuộc các trường cao đẳng, trung cấp là 60%; giáo viên đạt chuẩn thuộc các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên là 59,3%. Số vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho các cơ sở đào tạo nghề năm 2017 là 55,888 tỷ đồng; đầu tư trang thiết bị là 29,765 tỷ đồng.

Các cơ sở đào tạo nghề cũng rất chú trọng đến việc xây dựng, phát triển chương trình đào tạo nghề nghiệp, xây dựng chương trình đào tạo theo từng trình độ, theo đó đã có 288 chương trình đào tạo được xây dựng trong năm 2017.

{keywords}
 

Gắn với giải quyết việc làm

Trong 6 tháng đầu năm, Quảng Ninh  đã tuyển sinh được trên 11.000 người. Trong đó, tuyển mới cao đẳng nghề 12 người; tuyển mới trung cấp nghề trên 1.700 người; tuyển mới sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên trên 9.400 người…

Sau học nghề, nhiều nông dân đã áp dụng kiến thức vào sản xuất, tăng gia phát triển kinh tế hộ gia đình. Các lớp dạy nghề đã góp phần giải quyết được nhu cầu học nghề, giúp nhiều lao động nông thôn có việc làm và thu nhập ổn định, đồng thời góp phần đáp ứng  nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp, đáp ứng sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động của địa phương.

Nhằm định hướng nghề nghiệp và giải quyết việc làm khi kết thúc khóa học cho người lao động, tỉnh đã phối hợp với các trung tâm giới thiệu việc làm tổ chức các chợ phiên việc làm, hội chợ việc làm thu hút hàng nghìn lao động tham gia. Hơn 200 doanh nghiệp đã đăng ký tuyển dụng lao động, hơn 2.000 lao động được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ lao động thất nghiệp tại địa phương.

 Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, công tác đào tạo nghề tại địa phương còn một số bất cập như  một vài địa phương thực hiện chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu học nghề, chưa gắn kết giữa đào tạo và sử dụng lao động, chưa kết nối được thông tin về cung - cầu lao động thị trường gắn với đào tạo nghề…

Trong thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tập trung các giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác dạy nghề cho lao động nông thôn như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, xã hội về vai trò của công tác đào tạo nghề tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tiếp tục hoàn thiện, nhân rộng các mô hình đã thí điểm có hiệu quả, nghiên cứu xây dựng mô hình dạy nghề theo đơn đặt hàng, dạy nghề gắn với các nghề, vùng chuyên canh, xây dựng nông thôn mới và các doanh nghiệp nhằm sản xuất những sản phẩm nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao; lồng ghép các chương trình hỗ trợ lao động nông thôn phát triển sản xuất với chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Trong năm 2018, các cơ sở đào tạo nghề của tỉnh Quảng Ninh sẽ đào tạo khoảng 35.000 người, trong đó trình độ cao đẳng là 1.500 người, trình độ trung cấp là 5.000 người, trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là trên 28.500 người, ngày càng đáp ứng ứng tốt hơn nhu cầu nhân lực chất lượng cao, theo nhu cầu của thị trường và doanh nghiệp.

Ngọc Minh