Họ cưới nhau khi anh đã ổn định ở vị trí kỹ sư công trình trong một công ty xây dựng ở Q.1, TP.HCM; chị vừa tốt nghiệp đại học. Sau ngày cưới, chị được chồng động viên tiếp tục học cao học. Ba năm qua, kinh tế gia đình một mình anh gánh vác. Luôn có cảm giác mình phụ thuộc chồng, chị Huỳnh Thị Mai Liên thường xuyên trăn trở...

Nắm tiền, nắm quyền?

Vợ (chị Huỳnh Thị Mai Liên): Em nghĩ, người làm ra tiền, lo liệu chi tiêu trong gia đình thì nghiễm nhiên họ sẽ thành ông chủ, bà chủ nhà thôi.

{keywords}

Chồng (anh Văn Đình Giác): Với phụ nữ thì anh không rõ, còn đàn ông tụi anh kiếm tiền giống như… bản năng vậy. Anh cưới vợ sinh con thì anh phải chu toàn cho vợ con, đó là chuyện đương nhiên. Còn nếu có suy nghĩ “tôi là người làm ra tiền, tôi phải là người được quyết định mọi thứ” thì chắc anh chồng đó… không phải là đàn ông nữa (cười).

Vợ: Đó là anh nghĩ thế thôi. Sự thật là dù anh có ý thức được hay không thì cán cân gia đình vẫn sẽ nghiêng về phía người đang gánh vác kinh tế gia đình. Em nghĩ đây cũng là một xu hướng tự nhiên thôi, khi không kiếm ra tiền hoặc kiếm được ít hơn, người vợ hoặc chồng đó sẽ tự cảm thấy mình phụ thuộc nên đâm ra… chiều chuộng người kia hơn, chăm lo cho người kia hơn, hỏi ý kiến người kia nhiều hơn, và luôn giữ ý để đứng dưới người kia một tí.

Chồng: Thật sao? Anh không hề mong muốn điều đó. Anh nghĩ, sự công bằng trong gia đình không nằm ở chỗ “tôi kiếm ra tiền thì tôi phải nắm quyền” mà chỉ đơn giản “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” thôi.

Đàn bà xây nhà thì sao?

Vợ: Thế nếu đàn bà muốn… xây nhà thì sao? Phụ nữ thời nay có nhiều lợi thế để kiếm tiền, có người còn làm ra tiền nhiều hơn chồng nữa. Vậy đàn ông có chịu làm người xây tổ ấm không?

Chồng: Đàn ông không cần một người vợ làm ra nhiều tiền, anh nghĩ thế!

Vợ: Đấy đấy, vậy thì đâu có công bằng.

Chồng: Đương nhiên là nếu cô ấy làm ra nhiều tiền cũng tốt thôi. Có điều, người xây tổ ấm phải là phụ nữ chứ. Đàn ông tụi anh… dốt lắm, sao đủ năng lực làm chuyện đó.

Gia đình chỉ yên ổn khi người chồng trở về và được nhìn thấy bóng dáng vợ mình trong từng bữa ăn, từng nét bài trí trong nhà. Với riêng anh, vợ anh phải là người đút cơm cho con anh ăn, chứ nếu có một cô giúp việc nào đó chăm lo mọi thứ cho con, mà lại… xinh hơn em thì anh không biết trước điều gì sẽ xảy ra đâu (cười lớn). Vậy, em có xây biệt thự thì cũng chẳng để làm gì, đúng không?

Vợ: (gật gù) Căng nhỉ! Em cũng nghĩ, phụ nữ thì không nên để mình bận bịu đến mức phó mặc mọi thứ cho người giúp việc. Em không thích sự xuất hiện của người thứ ba trong gia đình.

Bao nhiêu cho vừa?

Vợ: Nhưng “vừa” là một từ khó đấy. Phụ nữ thì nên lấy gia đình làm trọng, điều đó rõ rồi. Còn kiếm tiền thì vẫn phải kiếm chứ. Không thể nói chỉ cần chăm lo cho gia đình là “hoàn tất sứ mệnh” được. Phụ nữ hiện đại phải lo liệu được cuộc sống của bản thân để lỡ không may ly hôn thì vẫn sống được. Hơn nữa, việc suốt ngày chỉ biết giặt giũ, bếp núc dễ khiến người ta quẩn quanh, nhàm chán. Các anh cứ thích được thấy vợ mỗi khi về nhà, nhưng liệu có người chồng hiện đại nào có thể yêu trăm năm một người phụ nữ chỉ biết giá cả rau thịt hôm nay ra sao, ti vi hôm nay chiếu những chương trình gì...

Chồng: Nhưng nếu để chọn giữa người phụ nữ chỉ biết thịt rau, và người phụ nữ chỉ thích nói chuyện kiếm tiền, anh vẫn chọn mẫu đầu tiên đấy (cười).

Nói vậy chứ, đâu nhất thiết phải cực đoan như vậy. Anh thấy, chuyện này cũng đơn giản thôi. Đàn ông thì nhất định phải làm ra tiền rồi, trừ khi anh ta bệnh tật, phải trông cậy vào tình yêu của vợ. Còn phụ nữ, việc kiếm tiền không nên quá nặng nề, em chỉ cần đi làm để cảm thấy thoải mái, để sử dụng những điều em học tập, tích lũy được trong cuộc sống. Anh vẫn ủng hộ em học cao để thuận lợi cho việc tiến thân sau này. Nhu cầu kiếm tiền để đảm bảo chi tiêu bản thân luôn là chính đáng, nhưng nếu em vì gia đình mà không thể tự mình lo liệu được, anh vẫn sẵn sàng bù đắp cho em khoản đó. Đấy, chuyện chỉ có vậy thôi…

Vợ: Cuối cùng, anh vẫn kiên quyết cho rằng việc kiếm tiền của phụ nữ chỉ là chuyện phụ thôi, đúng không? (thở phào) May mà em cũng đảm đang, cũng lấy gia đình làm trọng, nếu không, chắc nhà mình chẳng yên đâu nhỉ?

Chồng (cười lớn): Đương nhiên rồi! Vợ giỏi kiếm tiền mà lại không đảm đang, nhà nào mà yên cho nổi?

Chị Liên kết thúc cuộc trò chuyện bằng cái lắc đầu, vờ tỏ ra ngán ngẩm. Chị tâm sự, bản thân đôi khi cũng bất bình trước quan điểm “phụ nữ không cần phải kiếm tiền” của chồng nhưng vợ chồng chị luôn cân bằng được với nhau; bởi ý muốn kiếm tiền, tiến thân không khiến chị bỏ rơi các giá trị thuộc về gia đình.

(Theo Phunuonline.com)