Không phải chuyện trong phim; câu chuyện dưới đây ghi được tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.

Hạ tuần tháng 5 vừa qua, vợ chồng ông Trương Ngọc Mai ở tổ 3, khu 10, phường Hồng Hải, TP Hạ Long hằng ngày thay nhau đến hệ Nội, Bệnh viện tỉnh chăm sóc mẹ ốm. Ở giường bên, bệnh nhân Nguyễn Thị X, tuổi ngoài 80, quay sang hỏi bà Nguyễn Thị Hải Yến- vợ ông Mai:

- Mấy ngày qua, tôi chỉ thấy hai bác trông nom cụ. Thế nhà các bác không bốc thăm à?

- Thưa cụ, bốc thăm để làm gì ạ?- bà Yến ngỡ ngàng hỏi lại.

- Là...là con cái phải bốc thăm để thay nhau trông nom bố mẹ, tránh được chuyện tị nạnh người trông nhiều, kẻ trông ít.

{keywords}

Ảnh minh họa

- Dạ, nhà cháu neo người, chỉ có vợ chồng cháu nên không lấy ai mà ganh tị. Nhưng có chuyện đó ạ? Cháu biết nhiều gia đình khi cha mẹ ốm đau, anh trên em dưới phân công, sắp đặt đâu ra đấy. Họ nhường nhịn, tự nguyện đỡ khó cho nhau, ngày đêm phụng dưỡng bố mẹ.

Nghe vậy, cụ X. thở dài, xoay lưng lại, chẳng trò chuyện gì nữa. Tuy nhiên chỉ ít phút sau, dường như không nén nổi nỗi bức xúc, cụ X. bùi ngùi giãi bày. Theo đó được biết cụ X. có đến tám mặt con cả trai lẫn gái.

Ngày cụ ốm phải nằm viện, con nào cũng kêu rên bận việc nhà, mắc việc cơ quan, rất khó xoay xở thời gian “túc trực” giường bệnh. “Đã thế thì...”, ai đấy đề xuất lần lượt từ con cả đến con út luân phiên, mỗi người trông mẹ một ngày. Nếu hết tám ngày mà cụ X. vẫn nằm viện thì lại tiếp vòng hai, vòng ba... Song nhiều ý kiến phản đối vì cho rằng với cách cắt cử này sẽ có người “thiệt thòi”, người kia “hưởng lợi” (!).

Hai ngày nghỉ cuối tuần ai cũng muốn đưa vợ con, chồng con đi siêu thị mua sắm hoặc thăm thú đây đó. Lại còn có người chất vấn: “Trường hợp mẹ ốm không hết vòng trông coi thì chúng tôi ở tốp đầu “lỗ” à?”.

Cuối cùng đa số tán thành: bốc thăm là “thượng sách”, là “công bằng”, là “đẹp nhất” (!). Anh chị nào “số đen” bốc phải mấy lá thăm đầu tiên hoặc rơi vào thứ bảy, chủ nhật thì tiếng là lên chăm sóc mẹ ốm nhưng mặt mày nặng như đeo đá, cau có gắt gỏng như khỉ ăn phải gừng khiến người mẹ đắng đót, xót xa nỗi đau còn lớn hơn rất nhiều đớn đau bệnh tật...

(Theo Báo Quảng Ninh)