Xin chào ban biên tập báo VietNamNet. Tôi là kỹ sư đang làm việc tại Nhật. Sau khi đọc bài báo ''Nhiều người Việt ở Nhật bị kỳ thị vì ăn cắp vặt?'' được đăng trên báo VietNamNet. Tôi muốn chia sẻ một số suy nghĩ của mình với ban biên tập báo.

Tôi sang Nhật Bản làm việc cũng được 7 tháng, tôi nghĩ chừng đó cũng đủ để hiểu thực tế của người Việt tại Nhật là như thế nào. Tại sao một số người Việt ở Nhật lại ăn cắp vặt, theo tôi có một số lý do sau: 

Thứ nhất: Do sự quản lý lỏng lẻo, quan liêu của một số cơ quan quản lý ở Việt Nam . Họ có bao giờ quan tâm những người Việt sang đây làm gì và nhận được những gì không? Câu trả lời là không. Toàn bộ việc xuất khẩu lao động đều giao cho tư nhân, hoặc những hình thức như vậy. Và phần lớn các công ty xuất khẩu lao động đều mục đích làm lợi cho mình càng nhiều càng tốt, họ không hề có trách nhiệm quản lý. Khi tiếp thị lao động với đối tác Nhật thì họ luôn có một tiêu chí đưa ra là: Lao động Việt Nam ''rất rẻ'' không tăng lương, không thưởng, làm cả thứ 7.

{keywords}
Ảnh minh họa

Thứ 2: Mức phí theo tôi biết thì ít nhất với các công ty đều là 4500$, vậy mỗi 1 lao động muốn sang được Nhật làm việc phải mất khoảng 6000-7000$, bao gồm học phí, chi phí sinh hoạt tại trung tâm đào tạo tiếng và khoảng 3000-5000$ tiền đặt cọc. Như vậy số tiền người lao động phải bỏ ra để sang Nhật sẽ khoảng 12000$ (có môi giới sẽ hơn). Trong khi đó, phần lớn lao động đều là người nghèo, kinh tế khó khăn.

Cuối cùng là người lao động, với mức lương của tu nghiệp sinh như hiện tại với mức lương khoảng 120.000 yên Nhật, trừ tiền thuế, tiền nhà, trả cho công ty xuất khẩu (cái này vô lý) họ sẽ nhận về khoảng 7-8,5 vạn yên, chưa có ăn. Tôi nghĩ như vậy 3 năm không có làm thêm họ sẽ kiếm vừa đủ tiền bỏ ra để sang Nhật. Điều này là chắc chắn, còn với kỹ thuật viên thì cao hơn một chút, nhưng cũng khó khăn.

Với tôi phần lớn những người ăn cắp vặt đều do hoàn cảnh, dù như thế không tốt chút nào, nhưng người Việt Nam tại Nhật phải trả giá rất nhiều bạn ạ, có những bạn hàng ngày đến công ty đều phải nghe chửi, đốc thúc làm việc, dù người Việt làm Việc rất chăm chỉ, nhanh nhẹn và cẩn thận.

Độc giả Lê Văn Nhàn