- Không dễ dàng chấp nhận li hôn để giải thoát nhau khỏi bế tắc hôn nhân, nhiều người chồng phụ bạc sẵn sàng ngược đãi, hành hạ vợ dưới vòng kiềm tỏa của danh nghĩa “vợ chồng”.

Tay trắng ra khỏi nhà

Nhiều năm nỗ lực với các hoạt động về bình đẳng giới, GS,TS Lê Thị Quý (Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển về giới) chia sẻ bà luôn day dứt bởi những con số “biết nói” về bạo lực gia đình. Đặc biệt, các vụ việc liên quan tới ly hôn khiến bà trăn trở vì những áp lực xã hội, những bất công mà phụ nữ Việt Nam vẫn đang phải gánh chịu. Nỗi trăn trở này xuất phát từ hàng trăm bi kịch gia đình mà bà đã tiếp xúc ở khắp các tỉnh thành Việt Nam.

“Có người chồng muốn đuổi vợ ra khỏi nhà đã hành hạ vợ bằng cách mọi cách: Tìm cớ đánh đập, làm nhục vợ. Có anh đe dọa, lột quần áo bắt vợ đứng ngoài cửa nhà suốt đêm, ban ngày lại cho vào bình thường để hàng xóm không biết. Người vợ xấu hổ chỉ biết im lặng chịu đựng. Hèn hạ hơn, vì không muốn chứa chấp, chia sẻ tài sản cho vợ, có ảnh tìm mọi cách đẩy cả vợ, cả con ra ở ngoài lều trông cá hàng năm trời” – bà Quý nhớ lại.

Điều đáng buồn là, ngay cả những phụ nữ hiểu biết, có tri thức, có vị trí xã hội đôi khi cũng không biết làm thể nào để giải thoát mình khỏi những ác mộng hôn nhân như vậy. Tại một xã nghèo ở Phú Thọ, bà Quý từng rất khó khăn, tốn nhiều thời gian mới tiếp cận được và hỗ trợ thành công một phụ nữ - nguyên là cán bộ xã – giúp chị ly hôn thành công với người chồng phụ bạc, vũ phu.

ảnh minh họa

Cùng là bộ đội xuất ngũ, nhưng cặp vợ chồng chị Hiền – anh Bắc (Phú Thọ) lại đi vào hai con đường khác nhau. Trong khi chồng chán nản, trượt vào rượu chè, cờ bạc, thì chị Hiền nhọc nhằn vượt lên gian khó. Chị vừa làm ruộng, vừa chăn nuôi, vừa nhiệt tình tham gia Hội phụ nữ xã. Nhờ chịu thương chịu khó, chị trồng trọt chăn nuôi giỏi, được tín nhiệm bầu làm phó chủ tịch xã, chủ tịch Hội phụ nữ địa phương. 

Từ ngày chị “lên chức”, tâm tính chồng chị càng đổ đốn. Anh ta uống rượu triền miên, trút mọi hậm hực lên đầu vợ bằng những trận đòn. Đỉnh điểm, trong một lần vợ đang họp UBND xã, anh ta say rượu, ra tận nơi tìm vợ “thị uy”. Chị Hiền bị chồng đánh đập, gục ngay ở cổng ủy ban xã. Sau lần ấy, chị Hiền cương quyết đòi li hôn, nhưng chồng chị không chấp nhận. Để phản đồi, y tìm mọi cách từ cầu xin đến đe dọa, hành hạ chị.  Trong khi gia đình lục đục, bị chồng khủng bố về cả tinh thần và thể xác, chị Hiền bị kiểm điểm, hạ tầng công tác...Đến khi li hôn được, cũng là lúc chị hoàn toàn trắng tay: Gia đình chồng hắt hủi, họ hàng dèm pha, gia sản bị chồng giữ lại, vị trí công tác cũng không còn.

Nỗi đau câm lặng

Lấy nhau hơn 10 năm, có với nhau 2 mặt con thì gia đình chị Bùi Thị Hạnh (Thái Bình) bị xoáy vào vòng dông tố. Chồng chị thay lòng đổi dạ, bồ bịch rồi về nhà cường quyết đòi li hôn. Vốn là người phụ nữ hiền lành, chị Hạnh hoàn toàn bất ngờ. Can ngăn chồng, chị chỉ nhận lại những trận đòn “dạy bảo” oan ức.

Đau đớn hơn cho chị, chỉ khi ra trước tòa, chị mới biết cơ nghiệp hai vợ chồng gây dựng bao năm nay đã bị chồng “tẩu tán” gần hết. Nhà cửa, đất đai đều đã được chồng “chuyển tên” cho người khác. Chị bám víu vào nhà chồng thì chỉ nhận được sự thờ ơ, lạnh lùng. Li hôn xong, chị Hạnh gần như suy sụp.

“Trao đổi với lãnh đạo tòa án các nhiều địa phương, tôi được biết một thực tế đau lòng: Phụ nữ nông thôn khi li hôn thường rất bị động. Họ thiệt thòi vô cùng vì không cơ mưu, không có chỗ dựa. Bạn bè, người thân cũng không dám và không biết bảo vệ họ. Hầu hết họ bị đuổi ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng” – bà Quý xót xa nói.  Điều khiến bà vẫn lo lắng đến giờ là những con số thống kê biết nói về thực trạng bạo hành gia đình ở Việt Nam, là những thiệt thòi mà người phụ nữ Việt chưa thể bước qua được.

Nhìn nhận về điều này, bà Lê Thị Quý phân tích: “Theo thống kê gần đây của Tổ chức y tế thế giới WHO, Hơn 58% số Phụ nữ Việt Nam đã từng bị bạo lực gia đình. 85% trong số đó chấp nhận, chịu đựng và không có ý định tố giác với bất kỳ ai. Trên 200 phụ nữ thừa nhận bị bạo lực thì có tới 49% nghĩ đến cái chết và hơn 10% trong số này đã tìm cách để được chết. Một trong những lý do khiến người phụ nữ chấp nhận câm lặng là vì những quan niệm khắt khe của xã hội về ly hôn. Sau ly hôn ,phụ nữ thường phải ra đường với hai bàn tay trắng hoặc nuôi con trong nghèo khổ mà ít nhận được sự trợ giúp của chồng cũ và gia đình chồng cũ (ngay cả khi luật định). Họ thường bị thiệt thòi trong việc chia tài sản và khó lập lại gia đình mới. Họ cảm thấy bế tắc trong việc xây dựng hạnh phúc của mình, nhiều người vẫn cảm thấy đơn độc trong xã hội và chưa nhận thức được quyền chính đáng của mình”.

Minh Tâm