Đến các trung tâm mua sắm, siêu thị, cửa hàng mua sắm rồi “tiện” thanh toán luôn các loại hóa đơn điện, nước, truyền hình… đang là xu hướng mới của nhiều người dân thành thị.

Một công đôi việc


Tại cửa hàng FPT Shop trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1 (TP.HCM) quầy thu tiền các dịch vụ điện, nước, điện thoại, truyền hình, internet, vay, trả góp... được đặt ở một vị trí khá lớn và dễ thấy.

20h30 - 21h một ngày chủ nhật, quầy liên tục phục vụ 14 lượt khách đến đóng tiền cước. Có nhiều người nhà gần FPT Shop, cũng có người từ quận khác tới mua sắm và nhân tiện đóng tiền.

Tuy đông khách nhưng không ai phải chờ đợi lâu bởi thủ tục thanh toán khá đơn giản. Người đóng tiền chỉ cần đọc mã số khách hàng (có hiển thị trên các giấy báo cước) là được nhân viên thu ngân kiểm tra thông tin và phục vụ nhu cầu thanh toán hóa đơn ngay lập tức.

{keywords}
Tại nhiều cửa hàng, ngoài tiền mặt, người dân còn có thể dùng thẻ ngân hàng để đóng cước

Chị Thu Hương (Q.Gò Vấp) trước kia thường phải đến ngân hàng để đóng tiền trả góp hàng tháng cho khoản vay Home Credit. Từ đầu năm 2014, chị đã có thể dễ dàng đóng tại cửa hàng Viễn Thông A gần nhà.

Tiện lợi hơn là ngoài khoản trả góp, chị Hương còn đóng được các loại cước sinh hoạt khác trong khi cập nhật nhạc chờ, hình nền mới miễn phí bất kỳ lúc nào trong ngày, kể cả ngày cuối tuần.

Không còn phải xếp hàng, chờ đợi, không mất nhiều thời gian di chuyển, không mất phí dịch vụ và trên hết là có thể đóng tiền cả ngoài giờ hành chính, cuối tuần khiến ngày càng có nhiều người chọn đóng tiền ở những địa điểm mua sắm.

Bà Nguyễn Thái Vân Thủy, Trưởng phòng Phát triển Dịch vụ - Công ty TNHH Vòng Tròn Đỏ (với hệ thống chuỗi cửa hàng tiện lợi Circle K), cho biết: “Circle K bắt đầu cung cấp tiện ích thanh toán hóa đơn cho khách hàng đến mua sắm tại cửa hàng từ tháng 12/2013. Qua 8 tháng triển khai, lượng khách hàng đến đóng cước tăng hàng tuần, đạt hàng chục ngàn giao dịch đóng cước mỗi tháng”.

Cuộc đua triển khai dịch vụ thanh toán hóa đơn

Trong số nhiều dịch vụ cộng thêm cho khách hàng, các cửa hàng cũng liên tiếp mở dịch vụ thanh toán hóa đơn. Tại TP.HCM, hàng ngàn chuỗi cửa hàng như FPT Shop, Viễn Thông A, Nguyễn Kim, Hnam Mobile, Circle K, Thế Giới Di Động, Bee-Next, Citimart, Foodcomart... đều đã triển khai dịch vụ này.

Dạo một vòng quanh vài tuyến đường thuộc Q.Tân Bình, không khó để bắt gặp những cửa hàng có treo biển điểm thu tiền điện, nước, điện thoại, truyền hình, internet, tài chính...

Nếu như ở thời điểm hai năm trước, người dân chỉ có thể thanh toán được một hai loại hóa đơn, chủ yếu là tiền điện, nước tại một điểm thanh toán như bưu cục, ngân hàng thì đến nay, tại TP.HCM đã có hàng ngàn điểm giúp người dân đóng được đến 5,6 loại tiền cước.

{keywords}
Khách hàng có thể đến 1 điểm để đóng tất cả các hóa đơn điện, nước, điện thoại, truyền hình, internet, thanh toán vay, trả góp...

Ở Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, Huế, Bình Dương, Long An… những điểm thanh toán tiện lợi như vậy cũng không khó tìm.

Ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Trực tuyến Cộng Đồng Việt với dịch vụ thanh toán hóa đơn Payoo cho biết: “Payoo đã phủ dịch vụ thanh toán hóa đơn tại 58/63 tỉnh thành trong cả nước với hơn 1000 điểm thanh toán. Theo lộ trình đến hết năm 2014, Payoo sẽ có mặt ở tất cả các tỉnh thành, phục vụ nhu cầu đóng đa dạng loại cước của khách hàng”.

Về tiềm năng của thị trường, ông Lĩnh cho biết thêm, “Tại Việt Nam, nhu cầu có những kênh thanh toán tiện lợi thay thế các kênh truyền thống là rất lớn, đây cũng là xu hướng phát triển chung của thế giới. Ba năm trở lại đây, khách hàng đóng tiền cước sinh hoạt thông qua các điểm thu tiền của Payoo trên cả nước tăng hàng tháng. Số lượng khách hàng năm sau luôn cao hơn năm trước từ 7-8 lần”.

Nắm bắt tiềm năng của thị trường thanh toán hóa đơn, các cửa hàng đua nhau triển khai dịch vụ nhằm thu hút khách hàng ghé tham quan, mua sắm và đóng cước. Người tiêu dùng nhờ đó cũng được hưởng tiện ích thanh toán dễ dàng, nhanh chóng.

Theo phân tích của Kantar về thay đổi hành vi mua sắm tại Việt Nam (thực hiện vào tháng 7/2013): “Trong tương lai 10 năm tới, dự đoán mọi gia đình đều có mua sắm ở siêu thị mini hoặc cửa hàng tiện lợi ít nhất một lần trong năm”.

Tấn Tài