PGS.TS. Khắc Nguyên cho rằng, đổi mới bậc đào tạo sau đại học là cần thiết để đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao khi nền kinh tế - xã hội của đất nước đang đổi mới và phát triển mạnh mẽ.

PGS.TS. Khắc Nguyên đã có chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này.

Đã đổi mới nhưng vẫn còn bất cập

Đào tạo trình độ thạc sĩ được bắt đầu triển khai từ năm 1991. Đào tạo trình độ tiến sĩ được bắt đầu triển khai từ năm 1977.

Tính đến đầu năm năm 2014, cả nước có hơn 150 cơ sở đào tạo được phép đào tạo trình độ thạc sĩ và hơn 130 cơ sở đào tạo được phép đào tạo trình độ tiến sĩ. Số lượng các cơ sở đào tạo sau đại học được phát triển và mở rộng, đáp ứng nhu cầu học tập, đào tạo cán bộ cho các ngành nghề và các địa phương.

Đào tạo sau đại học trong nước thời gian qua đã đóng vai trò chính trong việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho đất nước. Không chỉ bổ sung lực lượng lớn cho đội ngũ giảng viên các trường đại học, cao đẳng và các viện nghiên cứu, nhiều trường đại học còn hỗ trợ và thực hiện các chương trình đào tạo nguồn nhân lực sau đại học cho các khu vực khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.

{keywords}


Nhiều công trình nghiên cứu của các đề tài luận án tiến sĩ các ngành Nông nghiệp, Y, Dược có khả năng ứng dụng cao, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế của đất nước

Trong 10 năm qua, đào tạo bậc sau đại học ở trong nước cũng đã có nhiều đổi mới và phát triển theo xu hướng chung của thế giới như điều chỉnh, bổ sung các trình độ đào tạo; mở thêm nhiều chuyên ngành đào tạo mới để phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng.

Tuy nhiên, công tác đào tạo vẫn còn bộc lộ những yếu kém và bất cập, đặc biệt là chưa đáp ứng được yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao của nền kinh tế đang đổi mới từng ngày. Một số chương trình đào tạo sau đại học còn xa rời thực tế, không phù hợp với xu hướng chung của các nước trong khu vực và thế giới; nội dung chương trình còn trùng lặp, nhắc lại các kiến thức của bậc đại học.

Đột phá từ khâu quản lý

Để từng bước khắc phục những bất cập trong đào tạo sau đại học hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chọn đổi mới quản lý giáo dục là khâu đột phá đầu tiên. Đây là sự lựa chọn đúng đắn. Bởi nguyên nhân sâu xa của các bất cập hiện nay đều gắn liền với các nội dung chính sách, quản lý của ngành.

Ngày 15/5/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ kèm theo Thông tư số: 15/2014/TT-BGDĐT.

Có 3 đổi mới chính đang chú ý trong quy chế này, đó là:

Thứ nhất, ch¬ương trình đào tạo trình độ thạc sĩ được xây dựng theo định hướng nghiên cứu và/hoặc theo định hướng ứng dụng.

Trong đó, chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu cung cấp cho người học kiến thức chuyên sâu của ngành, chuyên ngành và phương pháp nghiên cứu khoa học phù hợp để có thể độc lập nghiên cứu.

Còn chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng giúp cho người học nâng cao kiến thức chuyên môn và kỹ năng hoạt động nghề nghiệp. Nội dung chương trình hướng vào việc thực hiện mục tiêu và đạt được chuẩn đầu ra đã được xác định.

Thứ hai, chương trình đào tạo do thủ trưởng cơ sở đào tạo tổ chức xây dựng theo quy định hiện hành. Đối với chương trình đào tạo định hướng ứng dụng, việc xây dựng chương trình đào tạo phải có sự tham gia của tổ chức hoặc cá nhân làm công tác thực tế thuộc lĩnh vực sử dụng lao động sau đào tạo.

Và cuối cùng, sau mỗi khoá học, thủ trưởng cơ sở đào tạo phải xem xét việc sửa đổi, cập nhật, bổ sung, hoàn thiện chương trình đào tạo để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng và tiếp cận với chương trình đào tạo của các nước tiên tiến.

Với sự thay đổi này, có thể đặt niềm tin chất lượng đào tạo sau đại học sẽ từng bước được nâng cao để phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

PGS.TS. Khắc Nguyên