- Xác cụ rùa Hồ Gươm vừa chết tối 19/1 có thể xử lý thành tiêu bản khô để trưng bày chứ không phải ướp xác, PGS Hà Đình Đức, người nhiều năm nghiên cứu rùa Hồ Gươm trao đổi với VietNamNet chiều qua.

Ông Đức cho hay, bảo quản xác cụ rùa Hồ Gươm lâu dài là ý muốn chung của thành phố Hà Nội cũng như đông đảo nhân dân.

Về phương án bảo quản, ông Đức cho biết, “sẽ xử lý làm tiêu bản khô như cụ rùa trong đền Ngọc Sơn”, ông Đức nói.

{keywords}
"Cụ rùa Hồ Gươm" trong một lần nổi lên mặt nước. 

Hiện tại, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định chuyển về Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam) để nghiên cứu, bảo quản lâu dài.

Ông Nguyễn Trung Minh, Giám đốc bảo tàng này từ chối phát ngôn về quá trình xử lý xác cụ rùa Hồ Gươm. Tuy nhiên, Bảo tàng Thiên nhiên chủ yếu xử lý mẫu động vật thành các mẫu tiêu bản để trưng bày chứ không ướp xác.

PGS Hà Đình Đức cũng cho biết, chưa thể xác định được tuổi thọ của “cụ rùa”, cũng chưa có tài liệu nào nói về tuổi thọ của loài rùa này. Hiện chỉ biết rùa Hồ Gươm thuộc họ ba ba, mai mềm không có khiên giống như rùa trên cạn và nhiều khả năng là rùa cái.

Hồ Gươm vẫn còn “cụ rùa”?

Liên quan tới việc liệu còn cá thể rùa khác sống trong Hồ Gươm ngoài “cụ rùa” đã chết chiều 19/1 hay không, PGS Hà Đình Đức cho rằng, “cụ rùa Hồ Gươm” là cá thể duy nhất trong hồ.

Ông Đức lập luận rằng, theo những bức ảnh ông chụp “cụ rùa” từ năm 1991 tới nay thì chỉ có một cụ này và đây là “cụ rùa Hồ Gươm cuối cùng”.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Viết Vĩnh, chuyên gia thủy sản cho rằng, không loại trừ khả năng những “hậu duệ” của “cụ rùa Hồ Gươm” vẫn tồn tại ở đâu đó.

TS Vĩnh lập luận rằng, vào những năm 50-60, cá nhân ông là người sinh ra và lớn lên tại Hà Nội đã từng chứng kiến cả đàn rùa ngoi lên mặt nước chứ không phải một con, do đó, không loại trừ khả năng chúng sinh trưởng, đẻ trứng.

Bên cạnh đó, Hồ Gươm trước đây thông với các nhánh sông Hồng, do đó, cá thể rùa Hồ Gươm có thể không chỉ thấy ở Hồ Gươm mà ở những nhánh khác của sông Hồng.

Tuy nhiên, ông Vĩnh cho rằng, để tìm được “hậu duệ” của rùa Hồ Gươm cần phải có tổ chức, chính sách và cả kinh phí mới có thể làm được.

Thực tế đây không phải lần đầu các nhà khoa học tranh cãi về số lượng rùa trong Hồ Gươm. Hồi năm 2011, khi cụ rùa được đưa lên bờ để chữa trị cũng đã từng nổ ra cuộc tranh luận tương tự.

Theo các chuyên gia quốc tế thì rùa Hồ Gươm thuộc loài rùa Rafetus swinhoei hay còn gọi là ba ba Thượng Hải. Tính đến thời điểm năm 2010, trên thế giới có 4 cá thể loài này, gồm 2 cá thể ở Trung Quốc và 2 cá thể ở Việt Nam (một là cá thể ở Hồ Gươm mà người ta vẫn gọi là cụ rùa Hồ Gươm, một cá thể phát hiện ở Đồng Mô, Sơn Tây).

Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng, rùa Hồ Gươm là loài mới hoàn toàn, không giống với rùa ở Đồng Mô cũng không phải giống rùa mai mềm Thượng Hải ở Trung Quốc.

Lê Văn

TIN LIÊN QUAN