Đó là khẳng định của Bộ Trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn tại Hội thảo Quản lý tần số đối với vô tuyến băng rộng và IoT, do Cục Tần số vô tuyến điện (Cục Tần số) tổ chức tại Hà Nội ngày 8/6, đúng vào dịp kỷ niệm 24 năm ngày thành lập cơ quan này.

{keywords}
Bộ Trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu khai mạc Hội thảo Quản lý tần số đối với vô tuyến băng rộng và IoT ngày 8/6.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, trong những năm vừa qua, với chính sách tạo điều kiện tối đa cho sự phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, thị trường dịch vụ thông tin di động đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Hiện nay, tổng số thuê bao di động tại Việt Nam đạt hơn 120 triệu và được đánh giá là một trong những nước có mật độ thuê bao viễn thông cao trên thế giới. Dịch vụ 4G đã được cấp phép cho 4 nhà mạng di động và bước đầu đi vào hoạt động tại Việt Nam, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển hạ tầng băng thông rộng, tạo điều kiện cho việc đẩy mạnh IoT.

Năm 2016, doanh thu lĩnh vực viễn thông đạt 365.500 tỷ đồng (16,5 tỷ USD), tăng 7,5% so với năm 2015, đóng góp khoảng 27,32% vào tổng doanh thu toàn Ngành và khoảng 34,54% vào tổng nộp ngân sách nhà nước của Ngành. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn ghi nhận, thành tựu đó có sự đóng góp không nhỏ của lĩnh vực dịch vụ thông tin di động.

"Trong kỷ nguyên số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay, tôi cho rằng hạ tầng viễn thông công nghệ thông tin, hạ tầng băng rộng di động đóng một vai trò đặc biệt quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Điều đó đòi hỏi Bộ TT&TT cần tiếp tục có những chính sách hiệu quả để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ đối với hạ tầng viễn thông công nghệ thông tin nói chung, hạ tầng băng rộng di động nói riêng", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số cho biết thêm, vô tuyến băng rộng đang là xu hướng phát triển tất yếu của ngành công nghiệp viễn thông và ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà quản lý, các nhà cung cấp thiết bị cũng như các nhà khai thác viễn thông, đặc biệt trong bối cảnh khái niệm về hệ thống thông tin di động thế hệ thứ 5 (5G) đã được Tổ chức viễn thông quốc tế (ITU) thông qua.

Theo ông Hoan, ở Việt Nam, thông tin di động đã có bước phát triển mới trong năm 2017 với việc các nhà cung cấp dịch vụ triển khai mạng 4G-LTE trên băng tần 1800MHz trên khắp cả nước. Với LTE, tốc độ truy cập băng rộng vô tuyến đã tăng lên đáng kể. Hiện nay, Bộ TT&TT đang chuẩn bị đấu giá băng tần 2,6GHz để cấp cho các nhà mạng tiếp tục mở rộng mở rộng và nâng cao tốc độ mạng 4G, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người sử dụng.

Tuy nhiên, bên cạnh các đòi hỏi về tốc độ và nhu cầu dữ liệu truyền thống, hiện đã và đang xuất hiện các nhu cầu mới mà công nghệ di động hiện tại chưa đáp ứng được một cách đầy đủ. Đó là các yêu cầu về kết nối dữ liệu siêu rộng với tốc độ dữ liệu siêu cao, nhu cầu kết nối Internet vạn vật (IoT) với số lượng truy cập lớn, yêu cầu kết nối di động với độ tin cậy siêu cao và độ trễ cực thấp. Điều này đòi hỏi Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới phải có định hướng, chính sách sử dụng công nghệ và tần số thích hợp theo xu hướng mới, tránh sự lạc hậu khi phát triển từ 4G lên 5G.

Các thách thức trong kỷ nguyên 5G, IoT

{keywords}

Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia, đại diện nhiều bộ ngành cũng như doanh nghiệp viễn thông trong nước và quốc tế, các cơ quan quản lý tần số các nước Pháp, Lào, Myanmar.

Công nghệ 5G phát triển sẽ mang tới nhiều ứng dụng thiết thực, tạo nên kết nối thống nhất và định hình lại một loạt các ngành công nghiệp như giải trí, ô tô, điều khiển, an toàn, cứu nạn, dịch vụ hàng hóa, năng lượng, hạ tầng cơ sở, dịch vụ hàng hóa và bán lẻ.

Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Tuấn, Cục phó Cục Tần số, nó cũng đặt ra cho xã hội nhiều thách thức. Trước hết, đó là vấn đề chia sẻ phổ tần đáp ứng nhu cầu và tốc độ của các dạng kết nối khác nhau, cả ở khoảng cách xa tới hàng trăm km, cả ở khoảng cách gần chỉ vài trăm, vài chục mét. 

Cụ thể, việc tăng các kết nối trong nhà (ước tính khoảng 80% người dùng) đòi hỏi các băng tần cao, băng thông lớn, sử dụng công suất thấp và tái sử dụng được dễ dàng. Trong khi đó, 20% người dùng kết nối ngoài trời cần băng thông thấp, công nghệ beamforming, .. Về mặt tần số, ngoài đảm bảo cho 5G, các nước vẫn cần bố trí băng tần cho những hoạt động, công nghệ khác.

Một vấn đề nữa là cơ quan quản lý nhà nước phải đưa ra được mức giá hợp lý đối với các băng tần cấp cho các doanh nghiệp để tránh gây khó khăn, thậm chí thành gánh nặng tài chính đối với họ. Ngoài ra, vấn đề an toàn đối với sức khỏe con người cũng cần được chú trọng khi con người sống trong môi trường dày đặc sóng vô tuyến. 

VN chủ động về chính sách cho kỷ nguyên công nghệ mới

{keywords}

Ông Lê Văn Tuấn nhấn mạnh, dù mới bắt đầu nói về 5G, IoT và Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, nhưng Việt Nam đã có những bước chuẩn bị kịp thời cho các xu hướng công nghệ mới. Cụ thể, đầu năm nay, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ký ban hành thông tư mới, cho phép các nhà mạng chuyển đổi những băng tần đang sử dụng cho 2G sang sử dụng cho 3G, 4G. Băng tần 2100 MHz mới đây nhất cũng được quy hoạch cho sử dụng, phát triển 4G.

Cũng theo đại diện Cục Tần số, đối với nhu cầu IoT, Bộ TT&TT đã có một số chính sách mới, ví dụ như đưa thêm băng tần 60 GHz cho công nghệ Wigig phục vụ kết nối tốc độ cao giữa các đồ đạc, thiết bị trong nhà, bổ sung các băng tần cho sạc không dây, tần số cho radar ôtô. Trong đó, Cục Tần số đã gửi thư cho tất cả các hãng ô tô ở VN, đề nghị không dùng băng tần 24 GHz, mà chuyển sang băng tần mới theo quy định của Bộ TT&TT. Tất cả các xe mới nhập về hoặc sản xuất ở VN hiện sẽ phải sử dụng tần số radar trong khoảng 76 - 81 GHz.

Ở trong nước, VN đang tiến hành thử nghiệm các chính sách tăng công suất băng tần, xác định loại băng tần được cấp phép và không cấp phép, ... Đồng thời, VN cũng đang tham gia rất tích cực vào các hoạt động quốc tế, cả trong khu vực và IUT. Đáng chú ý, VN hiện có 2 phó chủ tịch nhóm nghiên cứu của ITU cùng 1 chủ tịch và 2 trưởng nhóm soạn thảo chính sách của khu vực nhằm chuẩn bị cho sự kiện WRC 2019.

Tuấn Anh