- Một thành phố thông minh và bền vững là một thành phố sáng tạo sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, hiệu quả hoạt động của dịch vụ đô thị.
{keywords}

Chúng ta đang sống trong sự hội tụ của hai hiện tượng quan trọng trong lịch sử nhân loại: sự gia tăng đô thị hóa toàn cầu và cuộc cách mạng kỹ thuật số. Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc, hiện nay 54,6% dân số thế giới (3,6 tỷ người) sống ở các thành phố, nghiên cứu cho thấy đến năm 2050, tỉ lệ dân cư thành thị sẽ chiếm hơn 70% dân số thế giới (64,1% ở các nước đang phát triển và 85,9% ở các nước phát triển sẽ sống ở các khu vực thành thị). 

Sự tập trung dân số, tốc độ gia tăng của đô thị đã mang lại cho các thành phố và quốc gia một số thách thức trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân; bắt đầu với các hạng mục cơ bản như cơ sở hạ tầng, môi trường, giao thông và ứng phó với thiên tai; các yêu cầu về nhà ở, năng lượng, an ninh, y tế và giáo dục, cũng như các vấn đề như truyền thông và giải trí. 

Do đó, việc xây dựng kế hoạch, quản lý và điều hành, đảm bảo cho các thành phố phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường sẽ là những thách thức mà hầu như tất cả các quốc gia sẽ phải đối mặt trong thế kỷ này. Quản lý và cải thiện chất lượng các thành phố đòi hỏi phải biết những gì xảy ra bên trong thành phố đó, điều này chỉ có thể nắm bắt được thông qua việc thay đổi phương thức điều hành của chính quyền, tham gia của người dân, cũng như sự tham gia của các bên liên quan chịu trách nhiệm quản lý chúng. Vì vậy, chuyển đổi "Thành phố truyền thống" thành “Thành phố thông minh” là một nhu cầu tất yếu. Với sự xuất hiện của công nghệ số, Internet và công nghệ di động, sự chuyển đổi này càng trở nên khả thi hơn. 

Trong thực tế, Thành phố thông minh là gì? 

“Thành phố thông minh là nơi mà công nghệ trở nên sống động”- theo quan điểm của Peter Sany, Giám đốc điều hành TM Forum (Hiệp hội thành viên toàn cầu về kinh doanh kỹ thuật số) đó là một khái niệm đơn giản nhất để hiểu thuật ngữ Thành phố thông minh. Trong Thành phố thông minh, công nghệ kết nối công dân, doanh nghiệp với chính quyền và với nhau, do đó loại bỏ sự phân tán thông tin và giảm thiểu các tác động tiêu cực thông qua phân bổ nguồn lực thông minh. 

Một thành phố thông minh và bền vững là một thành phố sáng tạo sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, hiệu quả hoạt động của dịch vụ đô thị cũng như khả năng cạnh tranh, đồng thời đảm bảo rằng nó đáp ứng được nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai về kinh tế, xã hội, môi trường. 

Để cải thiện cuộc sống của người dân, một dự án Thành phố thông minh hoàn chỉnh cần tính đến khía cạnh nhân văn, xã hội và môi trường của các trung tâm đô thị. Do đó, khái niệm về Thành phố thông minh cần phải kết hợp các khía cạnh liên quan đến quản trị, cơ sở hạ tầng, vốn con người và xã hội. Chỉ khi các yếu tố này được kết hợp, các thành phố mới trở nên thông minh và có khả năng thúc đẩy phát triển bền vững và tích hợp. 

Một Thành phố thông minh tích hợp các khu vực khác nhau của nó bằng cách sử dụng các mạng truyền thông băng rộng, điện toán đám mây, các thiết bị di động thông minh, phần mềm phân tích và cảm biến. Tập hợp các tài nguyên kỹ thuật số thu thập dữ liệu do các nhân viên khác nhau tạo ra và xử lý dữ liệu, tạo ra thông tin và kiến thức hỗ trợ quá trình ra quyết định của lãnh đạo, cung cấp chất lượng cuộc sống và lợi ích tốt hơn cho người dân. 

{keywords}

Trung tâm điều hành Thành phố thông minh Rio de Janeiro (COR) – Brazil. (Nguồn: Internet) 

Thông minh từ vận hành giao thông

Một số ví dụ về dịch vụ của Thành phố thông minh: Các bến xe buýt thông minh, cung cấp cho người sử dụng thời gian biểu xe buýt theo thời gian thực và bãi đỗ xe xác định sự chuyển động của xe ô tô thông qua các bộ cảm biến chuyển động và mạng không dây. Các bộ cảm biến được phân bố khắp thành phố sẽ cung cấp dữ liệu thời gian thực về tham gia giao thông của người dân, mức độ tiếng ồn và các hình thức ô nhiễm môi trường khác, cũng như điều kiện giao thông và thời tiết, điều này cho phép cơ quan quản lý tối ưu hóa các hoạt động của thành phố, bao gồm quản lý môi trường được cải thiện, tối ưu hóa đô thị: chiếu sáng công cộng kết nối với mạng dữ liệu cho phép quản lý mức độ chiếu sáng theo đặc điểm từng khu vực sẽ tiết kiệm được năng lượng một cách đáng kể. 

Trong lĩnh vực an ninh, đối với Thành phố truyền thống, có những cảnh sát tuần tra trên đường phố, Thành phố thông minh có những camera an ninh, để xác định các hoạt động đáng ngờ, ngăn ngừa tội phạm, tiết kiệm thời gian và nguồn nhân lực. Khi kết hợp với phần mềm phân tích, có thể xác định tình huống bất thường và thực hiện cập nhật hình ảnh, phân tích và thực hiện các biện pháp ngăn ngừa phù hợp. 

Các Thành phố thông minh là nền tảng cho sự phát triển kinh tế của các xã hội hiện đại, vì vậy chúng cần chuẩn bị tốt hơn để đáp ứng sự tăng trưởng nhanh chóng của dân số và quá trình đô thị hóa.

(Còn tiếp)

ThS. Nguyễn Huy Thịnh

Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh