Dù đã cập bến cảng Việt Nam, nhưng tuyến đường vận chuyển Tuabin điện gió GE từ cảng về tới dự án phải vượt qua nhiều đồi núi hiểm trở, đòi hỏi hoạt động khảo sát địa hình kỹ lưỡng và cẩn trọng trong suốt quá trình vận chuyển.

Trang trại phong điện Tây Nguyên tọa lạc tại xã Đliê Yang, huyện Ea H'leo, Đắk Lắk, tuy nhiên phần lớn các thiết bị tuabin phải được nhập về thông qua các cảng biển là cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) và cảng Phú Mỹ (Bà Rịa Vũng Tàu). Sau khi được cập cảng và thông quan, các thiết bị này sẽ được vận chuyển về tới vị trí dự án bằng các phương tiện chuyên dụng, với sự hỗ trợ và hướng dẫn của các đơn vị chức năng phụ trách điều tiết giao thông.

{keywords}
 Trụ tuabin cập cảng Cam Ranh, Khánh Hòa

Tuy nhiên theo các chuyên gia trong lĩnh vực vận tải, tuyến đường vận chuyển từ cảng về tới dự án phải vượt qua những địa hình đồi núi hiểm trở, đòi hỏi sự khảo sát địa hình kỹ lưỡng trước khi vận chuyển và sự cẩn trọng trong suốt quá trình vận chuyển. Đặc biệt, phải nói tới đoạn đường 12km đi qua đèo Phượng Hoàng - cửa ngõ phía Đông của tỉnh Đắk Lắk. Đoạn đường này một thời từng được ví như con đèo tử thần đối với giới lái xe bởi nó không chỉ có những khúc quanh co, uốn lượn liên tục theo hình ziczac mà còn có độ dốc lên tới 10%. Điều này gây cản trở không nhỏ đối với các xe tải siêu trường siêu trọng, vận chuyển thiết bị của dự án.

{keywords}
Cánh tuabin được vận chuyển từ cảng quốc tế Phú Mỹ
{keywords}
Tỉnh lộ 26 đoạn chạy qua đèo Phượng Hoàng với những khúc cua liên tục với độ dốc 10%

Đại diện GE tại Việt Nam cho biết: “Tuabin gió mà GE cung cấp cho dự án phong điện Tây Nguyên là loại tuabin có sải cánh lớn nhất trong các dự án đã và đang xây dựng ở Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Với sải cánh dài gần 57m cho dòng máy phát công suất 2.4MW nên hiệu suất vượt trội so với các dòng máy khác có cùng gam công suất”.

Là một tập đoàn công nghiệp toàn cầu, hoạt động tại hơn 180 quốc gia trên khắp thế giới, GE là một trong những công ty Mỹ đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Trong nhiều năm qua, tập đoàn này đã có nhiều đóng góp cho các công trình lớn, yêu cầu trình độ và chất lượng công nghệ cao ở Việt Nam.

Đối với dự án phong điện Tây Nguyên, công nghệ sản xuất của GE cho phép tạo ra những hiệu chỉnh về chiều cao của cột tuabin, kích thước cánh quạt và gam máy, phù hợp với điều kiện riêng của từng vị trí lắp đặt. Đồng thời, khi đi vào vận hành, các tuabin sẽ tiếp tục được quản lý bằng hệ thống quản lý tài sản APM, nhằm dự đoán và ngăn ngừa các sự cố trong quá trình vận hành, cũng như tối thiểu hóa thiệt hại về sản lượng khi xảy ra gián đoạn.

Trên cơ sở của những phân tích của hệ thống, đơn vị vận hành có thể chủ động thực hiện công tác khắc phục các lỗi kỹ thuật và tìm kiếm phụ tùng thay thế từ sớm. Điều này giúp tiết kiệm được thời gian, cắt giảm được chi phí, cũng như sản lượng bị thiệt hại, giúp hiệu năng sản xuất có thể tăng 5% và tạo thêm 20% lợi nhuận từ hoạt động sản xuất.

Trang trại phong điện Tây Nguyên có tổng vốn đầu tư khoảng 13.000 tỷ đồng, tổng công suất 280MW, dự án do Công ty cổ phần giải pháp năng lượng gió HBRE là chủ đầu tư, công ty cổ phần giải pháp tòa nhà thông minh (IBS) là tổng thầu EPC và tập đoàn GE là đơn vị cung cấp thiết bị tuabin điện gió. Dự án chia làm 3 giai đoạn, giai đoạn 1 dự kiến sẽ được hoàn thiện và kết nối với hệ thống lưới điện quốc gia vào cuối quý 3 năm nay với công suất lắp máy 28.8 MW.

Lệ Thanh