Để ngành CNTT có được sự phát triển vượt bậc, đột phá và vươn ra quốc tế, người dân Việt Nam cần có một "ý thức trỗi dậy" và điều này quan trọng hơn bất cứ yếu tố nào khác.

Đó là khẳng định của PGS Vũ Minh Khương của Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (ĐH Quốc gia Singapore), trước câu hỏi của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT, Chủ tọa phiên thảo luận sáng của Hội nghị Quốc tế về CNTT Việt Nam ngày 3/12/2015. Trước đó, ông Bình đã nêu một câu hỏi vĩ mô cho các diễn giả: Yếu tố nào mà ngành CNTT Việt Nam cần nhất để phát triển đột phá?

{keywords}
Người dân Việt Nam cần có ý thức "trỗi dậy", không thỏa mãn với những gì đang có.

Khá nhiều "chìa khóa" khác nhau đã được đưa ra, từ việc các nhà lãnh đạo "cần hành động" cho đến việc bản thân doanh nghiệp ICT trong nước cần phải năng động hơn, tự mình tìm kiếm cơ hội, thay vì ngồi đợi Nhà nước tạo điều kiện, khuyến khích.

Với quan điểm khách quan, vị học giả đến từ Singapore nhấn mạnh rằng, nếu người Việt Nam dễ dàng thỏa mãn, bằng lòng với những gì đang có thì sẽ không thể thay đổi đột phá và vươn ra quốc tế được. Ông Khương dẫn chứng luôn, "nếu anh Bình (Trương Gia Bình - PV) không có ý thức "trỗi dậy" mà bằng lòng với công việc nghiên cứu thuở đầu, thì giờ chắc vẫn đang công tác ở một viện nghiên cứu nào đó, và Việt Nam đã không có FPT". 

Đại diện của Tập đoàn VNPT thì khẳng định, yếu tố công nghệ hiện nay tại Việt Nam đã hoàn toàn sẵn sàng, vấn đề là các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân có chịu ứng dụng hay không, không quên khẳng định "Ứng dụng CNTT là trào lưu không thể đảo ngược" đối với bất cứ quốc gia nào.

Không dễ thoát bẫy thu nhập

Nỗi ám ảnh về bẫy thu nhập trung bình tiếp tục nêu lại tại sự kiện, với khá nhiều chia sẻ thẳng thắn từ các diễn giả. Ông Phan Hữu Phong, Giám đốc Ban QLDA Quỹ Bill & Melinda Gates (BMG) khẳng định, "muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng để đi xa thì nhất thiết phải đi cùng nhau". Nói cách khác, các doanh nghiệp cần hợp tác, liên kết với nhau. Và hệ sinh thái gồm cơ quan quản lý, doanh nghiệp, tổ chức cũng cần phải phối hợp với nhau để tạo thành khối sức mạnh chung. Chỉ có như vậy mới mong thoát bẫy.

{keywords}

Hội nghị Quốc tế về CNTT Việt Nam.

Ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hội Truyền thông số thì cho rằng, tất cả các dịch vụ, sản phẩm của Việt Nam đều phải tự so mình với thế giới để biết "mình là ai, đang ở đâu". Tuy vậy, từ góc độ một nhà cựu quản lý, ông thừa nhận VN đang thiếu "cơ chế chính sách và tầm nhìn quốc tế".

Thủ tục hành chính rườm rà cũng bị cho là "thủ phạm" tiêu tốn rất nhiều thời gian của doanh nghiệp, xã hội. Thay vì thời gian đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, người dân lại phải chạy vòng quanh lo giấy tờ trong một quy trình rất thủ công. Theo các nghiên cứu quốc tế, việc số hóa các thủ tục hành chính này, nếu thành công, sẽ giúp GDP quốc gia tăng thêm không dưới vài %.

"Để thoát bẫy thu nhập trung bình, theo tính toán, VN cần tăng trưởng trên 10%/năm. Mức tăng hiện tại của ta đâu đó cỡ 6.5%. Nếu phát triển thanh toán điện tử, ta có thể tăng thêm 1% nữa. Tai nạn giao thông đang gây tổn thất 2.9% GDP, nếu giảm được tai nạn cỡ 2%, cộng thêm cải cách hành chính thì Việt Nam mới mong cán mốc thoát bẫy", ông Trương Gia Bình chỉ rõ.

"DN cảm thấy chưa được bảo vệ"

Không dưới một lần, hai từ "cơ chế" và "chính sách" được các diễn giả nhắc đến như những lý do quan trọng khiến ngành CNTT Việt Nam dù giàu tiềm năng nhưng lại chưa thể phát triển bung rào. Ông Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TT&TT), người trực tiếp tham gia xây dựng nhiều chính sách, cơ chế cho ngành đã bộc bạch nhiều trăn trở.

"Ý tưởng ứng dụng CNTT trong các văn bản của chúng ta tương đối xuyên suốt. Chủ trương của Đảng, Chính phủ rất đúng nhưng trong thực tế không đi nhanh được như ta mong muốn. Tôi không muốn dùng từ rào cản, nhưng chúng ta đang có nhiều níu kéo, như kiểu người muốn đi nhanh mà bị níu áo kéo lại", Ông Khả chia sẻ. "Đúng là một số chính sách phụ trợ liên quan đến CNTT chưa theo kịp sự phát triển của ngành nên trở thành níu kéo. Khuyến khích doanh nghiệp thì có, nhưng doanh nghiệp vẫn cảm thấy chưa được bảo vệ". Chẳng hạn như khi kiểm toán hoặc phát sinh các vấn đề thì luật hoặc chưa có, hoặc chưa đứng về phía doanh nghiệp.

"Xét về chủ trương thì thế giới cũng chỉ nói đến như của ta thôi. Chỉ có điều ô tô tốt nhưng chạy trên con đường không đẹp, không cho phép đi nhanh thì cũng chỉ chạy lọc cọc", ông Khả tâm tư.

Tỏ ra đồng tình, ông Phong cho rằng thủ tục hành chính của VN đôi lúc rất rườm rà nên tiến độ đầu tư, triển khai các dự án ICT rất chậm. Bên cạnh đó, ở VN còn có tình trạng "mỗi nơi làm một cách, một người làm một cách". Điều này gây khó cho doanh nghiệp, cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư và các quỹ nước ngoài.

Tin mừng là gần đây, một số quy định ưu đãi đặc biệt dành cho CNTT đã được Chính phủ phê duyệt. Đây có thể coi là một bước tiến mới trong lĩnh vực phụ trợ, song rõ ràng, các bộ ngành khác cần ý thức mạnh mẽ, quyết liệt hơn về việc hậu thuẫn, ủng hộ cho ngành để giải quyết khúc mắc mang tên cơ chế.

  • T.C

Tin liên quan