11 năm trước, chiếc máy bay màu bạc Boeing của hãng British Airlines cất cánh từ Luanda, Angoda cũng đã biến mất không dấu vết và gia nhập vào danh sách những phi cơ thương mại mất tích bí ẩn nhất trong lịch sử.


{keywords}
Lực lượng cứu hộ của Singapore đang tham gia chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay MH370 của Malaysia Airlines. Ảnh: Reuters

Dù máy bay mất tích diễn ra trong phim và tiểu thuyết nhiều hơn ngoài đời thực, nhưng không phải là không có. Năm 1979, một chiếc Boeing 707 chở theo 6 người cũng đã mất tích ở Thái Bình Dương sau khi rời sân bay Tokyo. Hàng chục chiếc máy bay nhỏ hơn khác cũng đã mất tích mà con người không thể định vị được, cho tới tận bây giờ.

Trở lại với chiến dịch tìm kiếm chưa có kết quả dành cho chiếc máy bay MH370 của hãng Malaysia Airlines, sở dĩ người ta gọi đây là vụ việc "chưa từng có tiền lệ" là vì kích cỡ của máy bay (Boeing 777) quá lớn để bất cứ hệ thống sóng âm và vệ tinh nào trên mặt đất cũng có thể bắt được tín hiệu. Hơn nữa, máy bay bị mất liên lạc khi đang bay ở độ cao an toàn, lại trên vùng trời của một trong những khu vực đông dân nhất thế giới là Đông Nam Á chứ không phải nơi rừng rậm hay giữa đại dương bao la.

Cùng với sự phát triển vũ bão của công nghệ, công nghệ hàng không được tin là đã đạt tới độ chín, với những công cụ cực mạnh như radar, vệ tinh, định vị, liên lạc khẩn cấp... tại thời điểm này. Nhiều chuyên gia khẳng định kể cả khi cả hai động cơ cùng bị hỏng, một chiếc Boeing 777 vẫn có thể lướt thêm được 80km nữa, quá đủ thời gian cho việc thông báo và liên lạc với mặt đất.

Nhưng trong trường hợp của chiếc MH370, những hạn chế của công nghệ đã phơi bày mồn một, dù cho các hãng sản xuất máy bay, các hãng hàng không có nói gì đi chăng nữa.

"Thực tế là ở nhiều vùng trên thế giới, radar vẫn chưa phủ sóng được trọn vẹn", ông David McMillan, Chủ tịch Hiệp hội An toàn Chuyến bay cho biết. "Đây rõ ràng là một lĩnh vực mà con người cần phải khắc phục".

{keywords}
Xác chiếc máy bay Air France 447 chỉ được tìm thấy sau gần 2 năm mất tích.

Cũng tại khu vực Đông Nam Á vào năm 2007, người ta đã phải mất tới 10 ngày để tìm thấy những mảnh vỡ đầu tiên của một chiếc Boeing 737 thuộc hàng không Indonesia tại vùng biển gần Sulawesi. Các lực lượng tìm kiếm cần tới 36 giờ để định vị mảnh vỡ đầu tiên của chuyến bay Air France 447 bị rơi trên biển Đại Tây Dương cách đây 5 năm, chở theo 228 hành khách xấu số.

"Nếu như máy bay bị rơi xuống đại dương thì rất khó tìm được", ông Richard B.Stone, cựu Chủ tịch tổ chức Điều tra An toàn Hàng không Quốc tế thừa nhận.

Ngay cả cơ sở dữ liệu chuyên theo dõi tai nạn của Mạng lưới An toàn Hàng không cũng liệt kê 80 máy bay "mất tích" từ năm 1948 đến nay mà không tìm thấy bất cứ vết tích nào của cả người lẫn vật.

Trên lý thuyết, radar hiện nay có thể truy vết và theo dõi được máy bay cả lớn lẫn nhỏ. Nhưng kể cả trong kỷ nguyên dẫn đường bằng vệ tinh và các hệ thống giám sát được triển khai toàn cầu thì nhiều khu vực quan trọng của trái đất vẫn chưa được radar chạm tới. Người ta gọi đây là những "điểm trống", dù số lượng của chúng đang giảm nhanh theo thời gian. Thập niên 70, tam giác quỷ Bermuda ám ảnh trí tưởng tượng của dân Mỹ sau nhiều vụ máy bay quân sự mất tích tại khu vực biển Đại Tây Dương nằm giữa Florida, Puerto Rico và Bermuda. Người ta cũng nghe nói nhiều máy bay, tàu bè khác đã biến mất khi đi vào đây.

Nhưng giải thích một cách khoa học thì tỷ lệ tai nạn tại Tam giác Bermuda cũng không nhiều hơn tại các khu vực khác. Chỉ có điều sự kỳ bí của nó đã thu hút chú ý từ phía dư luận, chuyên gia Van Der Linden của Viện Smithsonian phân tích.

Nhà triệu phú mạo hiểm Steve Fossett đã biến mất vào tháng 9/2007 khi đang bay trên một chiếc máy bay một động cơ gần Công viên quốc gia Yosemite ở California. Vậy mà phải mất hơn 1 năm sau, người ta mới tìm được các mảnh vỡ của chiếc máy bay xấu số này.

Các tai nạn khác hoặc quá khó điều tra, hoặc số lượng người bị thiệt mạng không nhiều để chính phủ phải tiến hành một chiến dịch tìm kiếm tốn kém. "Mỗi chiến dịch như vậy cực kỳ đắt", một chuyên gia điều tra hàng không cho biết.

Thực tế là số vụ tai nạn không nhiều nên các hãng công nghệ cũng chưa tập trung phát triển các công nghệ tìm kiếm tối tân dành cho máy bay trong trường hợp xấu nhất. Hầu hết vẫn dựa trên thiết bị định vị vệ tinh, tầm quét của radar nên khi hai công cụ này không phát huy được tác dụng, người ta trở nên rối bời, không có manh mối.

Một số người cho rằng họ có thể sử dụng Google Maps để truy tìm dấu vết của chiếc máy bay MH370, nhưng chính Google đã lên tiếng phủ nhận khả năng này, vì người dùng sẽ dễ dàng nhầm lẫn các vật thể bình thường với dấu vết của máy bay. 

Hiện một dự án crowdsourcing là Tomnod đang phát động chiến dịch hỗ trợ tìm kiếm chiếc máy bay bị mất tích trên hình ảnh vệ tinh. Người dùng sẽ càn quét qua các hình ảnh  vệ tinh mà công ty mẹ của Tomnod là DigitalGlobe cung cấp, sau đó đánh dấu (tag) những vật thể mà họ cho là đáng lưu tâm.

Mặc dù vậy, đôi khi chính hành khách mới là người "giải" bài toán mất tích chứ không phải nhà chức trách. Ngày 13/10/1972, một chiếc máy bay Fairchild FH-227D chở 45 người, trong đó có đội tuyển bóng rugby của Uruguay, đã bị rơi trong lúc đang bay từ Argentina đến Chile - một tai nạn mà sau này bộ phim Alive đã dựng lại. 12 hành khách thiệt mạng tại chỗ hoặc mất tích. Số còn lại chờ đợi cứu hộ một cách tuyệt vọng ở độ cao đủ để đóng băng.

Khi không có bất cứ sự trợ giúp nào tới, 3 trong số 16 người sống sót đã tách đoàn, tìm người tới giúp. Sau khi một người quay trở lại mang theo đồ ăn, hai người kia đã đi bộ suốt 7 ngày trước khi nhìn thấy một biển báo dân sự. Hai ngày sau đó, họ gặp được nhóm cứu hộ và máy bay trực thăng lập tức xuất phát để đón những người còn lại.

Tất nhiên, công nghệ hiện đại gia tăng cơ hội tìm thấy chiếc máy bay MH370 của hãng Malaysia Airlines, giống như trường hợp của chiếc máy bay Airbus A330 mang số hiệu 447 của hãng hàng không Air France. Người ta đã tìm kiếm hàng tuần dưới đáy biển để dò vết dầu loang hoặc tín hiệu từ đèn hiệu trên hộp đen máy bay nhưng không dẫn đến kết quả nào. Các lực lượng cứu hộ phải rút quân và một thời gian sau tổ chức thêm hai đợt tìm kiếm diện nhỏ nữa, sử dụng các phương tiện thám hiểm đáy biển hiện đại hơn, các thiết bị siêu âm, dò tàu ngầm và giả lập mô hình sóng thần tại khu vực nghi máy bay rơi.

Phải đến đợt tìm kiếm thứ ba, gần hai năm sau ngày máy bay rơi, người ta mới tìm thấy xác của máy bay.

"Kiểu gì cũng phải có dấu vết ở đâu đó và chúng ta sẽ tìm ra", chuyên gia Van der Linden nhận định về vụ máy  bay Malaysia. "Có thể địa điểm tìm thấy sẽ khiến ta bất ngờ, nhưng ta sẽ không bao giờ biết chuyện gì đã xảy ra trên chiếc máy bay xấu số".

T.C (Theo Wall Street Journal)