- Hội nghị Bộ trưởng Viễn thông & CNTT ASEAN lần thứ 15 (TELMIN) đã chính thức công bố Kế hoạch Tổng thể ICT của ASEAN 2020 (AIM 2020), với 87 dự án cụ thể nhằm hiện thực hóa tầm nhìn về một nền kinh tế kỹ thuật số, hướng tới một cộng đồng ASEAN bền vững, an toàn , sáng tạo, toàn diện và hợp nhất.

Các Bộ trưởng kỳ vọng, AIM2020 sẽ tạo ra những cải tiến đáng kể trong việc phát triển CNTT và kết nối của khu vực ASEAN trong giai đoạn tới, nhất là trong bối cảnh chi phí của việc truy cập băng rộng cố định trên bình quân đầu người ở ASEAN đã giảm chỉ còn 1/6, từ 37,16% năm 2010 xuống còn 6,21% sau 3 năm. Số lượng thuê bao di động trên 100 dân cũng đã tăng mạnh từ 90.43 lên 121.75 sau 4 năm.

{keywords}
 Các Bộ trưởng tại Họp báo Công bố kết quả của Hội nghị TELMIN 15

TELMIN 2015 cũng ghi nhận những nỗ lực của các quốc gia thành viên để thúc đẩy nền kinh tế số trong ASEAN, bao gồm xây dựng các chính sách quản lý phát triển ICT, phát triển khung giao dịch an toàn, thúc đẩy môi trường ICT an toàn và đảm bảo, cũng như khuyến khích sự đổi mới của ngành thông qua các giải thưởng ICT ASEAN 2015.

Đáng chú ý, Hội nghị đề cao những sáng kiến về cải thiện kết nối ICT, thông qua việc sử dụng công nghệ phân bổ dải tần năng động, tận dụng tốt hơn các tần số vô tuyến khan hiếm, hài hoà sử dụng dải tần chia số, tăng cường các chế độ bảo vệ cáp ngầm đại dương nhằm đảm bảo độ tin cậy của mạng lưới thông tin liên lạc và hỗ trợ phát triển băng thông rộng trong các cộng đồng nông thôn ....

Liên quan đến việc phát triển nguồn nhân lực ICT đạt trình độ và kỹ năng cho ASEAN, các Bộ trưởng nhất trí sẽ liên tục xây dựng các chương trình nâng cao kỹ năng ICT, cũng như tiếp tục phát triển bản đồ năng lực cạnh tranh ICT khu vực. Các chuyên gia ICT của ASEAN được khuyến khích tận dụng lợi thế của Hiệp hội ASEAN CIO và mạng lưới các Trung tâm ICT xuất sắc của ASEAN trao đổi ý kiến, kinh nghiệm và chia sẻ những điển hình tốt nhất.

Các Bộ trưởng nhất trí rằng, "Sự phát triển nguồn nhân lực và năng lực thể chế" là hai yếu tố then chốt trong việc đảm bảo một hệ sinh thái ICT ASEAN an toàn. Nhiệm vụ này có thể hiện thực hóa thông qua các chiến dịch nâng cao nhận thức về an ninh mạng, hay các hoạt động hợp tác của "Hội đồng hành động An ninh Mạng lưới ASEAN - ANSAC".

Đặc biệt, một Tuyên bố Đà Nẵng đã được TELMIN 2015 thông qua, với tựa đề: "Hướng tới một cộng đồng ASEAN phát triển toàn diện, an toàn và bền vững trên nền tảng số", nhằm tái khẳng định những lợi ích mà CNTT có thể mang đến cho Cộng đồng ASEAN, cũng như cam kết của các nước thành viên trong việc hiện thực hóa những mục tiêu chung đã đề ra.

Tăng cường hợp tác quốc tế

Có thể nói. hoạt động hợp tác, phối hợp quốc tế của ASEAN được đặc biệt đề cao tại Hội nghị TELMIN năm nay. Các Bộ trưởng xác nhận sự hỗ trợ của Trung Quốc trong việc thực hiện thành công một số hoạt động đào tạo ICT ASEAN-Trung Quốc trong các lĩnh vực hội tụ mạng và kết nối, đổi mới Internet di động, thương mại điện tử, ứng dụng dữ liệu lớn và an ninh mạng. Tuy nhiên, sự hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực ICT cần được tiếp tục tăng cường, đặc biệt dựa trên các sáng kiến phát triển ICT gần đây giữa hai bên.

Một Kế hoạch công tác ICT 2016 ASEAN - Trung Quốc cũng đã được thông qua, bao gồm các hoạt động trao đổi và hợp tác trong các lĩnh vực phát triển băng thông rộng và USO, kinh doanh và các ứng dụng mới trên nền Internet, điện toán đám mây và dữ liệu lớn, vai trò của ICT đối với quá trình phát triển kinh tế xã hội, cũng như Kế hoạch Hành động để Thực hiện Cơ chế Hợp tác gữa các nhóm ứng cứu khẩn cấp máy tính (CERTs) của ASEAN-Trung Quốc.

Liên quan đến Kế hoạch Hành động nói trên, các Bộ trưởng cho rằng Kế hoạch này sẽ được triển khai ngay trong thời gian tới, trước tiên bằng cách thảo luận và xây dựng một danh sách các loại sự cố mạng, giao thức và quy trình chia sẻ thông tin được thực hiện theo cơ chế. Các Bộ trưởng cũng lưu ý rằng Cơ chế sẽ là một nền tảng để tăng cường hợp tác về an ninh mạng giữa các CERTs của các nước thành viên ASEAN với Trung Quốc.

Ngoài Trung Quốc thì TELMIN 2015 cũng đạt được rất nhiều Nội dung hợp tác quan trọng với Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, đặc biệt là Mỹ. Cụ thể, các Bộ trưởng ghi nhận tiến độ thực hiện và kế hoạch của Hợp tác ICT ASEAN-Ấn Độ giai đoạn 2012-2015, đặc biệt là các dự án về việc thành lập Trung tâm Xuất sắc trong Phát triển và Đào tạo Phần mềm (CESDT) cho các nước Campuchia, Lào, Myanmar, và Việt Nam (CLMV). Các Bộ trưởng cũng lưu ý các hoạt động CESDT năm 2016 sẽ tập trung vào lĩnh vực tội phạm mạng và Chính phủ điện tử.

Nhật Bản tiếp tục chứng tỏ là một đối tác lớn, quan trọng của ASEAN khi những lĩnh vực hợp tác trong năm 2015 đều đạt hiệu quả cao (chẳng hạn như nghiên cứu nâng cao cơ sở hạ tầng ICT trong khuôn khổ Sáng kiến Mạng lưới thông minh ASEAN". Tầm nhìn Kết nối ICT thông minh ASEAN do Nhật Bản đề xuất cũng đề cập đến một số lĩnh vực hợp tác rất tiềm năng.

Các Bộ trưởng đã nhất trí tổ chức một số hoạt động trong khuôn khổ Quỹ ICT ASEAN – Nhật Bản, bao gồm tổ chức hội nghị chuyên đề để thảo luận về chính sách ICT, bao gồm IoT và 5G, đồng thời đánh giá cao Nhật Bản đã đóng góp thêm 100.000 USD cho Quỹ này.

Các Bộ trưởng hoan nghênh những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện "Khung hợp tác ASEAN-Nhật Bản về An ninh Thông tin", bao gồm cả việc thực hiện Trò chơi SEA trên mạng, các dự án nghiên cứu chung và việc xây dựng Hướng dẫn Bảo vệ Cơ sở Hạ tầng thông tin trọng yếu ASEAN-Nhật Bản. Các Bộ trưởng hoan nghênh đề xuất của Nhật Bản về hợp tác phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin. Về việc thành lập "Đầu mối hợp tác An ninh Mạng ASEAN-Nhật Bản ", các Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho các chuyên giao cấp cao xem xét đề xuất này.

Một đối tác lớn khác cùng với Nhật Bản là Hàn Quốc cũng có nhiều hoạt động hợp tác thành công với ASEAN trong giai đoạn 2012 - 2016, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như mở rộng công nghệ và dịch vụ mới, xây dựng năng lực và chia sẻ kiến thức, nâng cao cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hợp tác với các tổ chức quốc tế. Các Bộ trưởng đánh giá cao việc Hàn Quốc tăng cường hợp tác ICT với ASEAN thông qua các chương trình đào tạo cho 160 cán bộ nhà nước, và cử 400 chuyên gia công nghệ thông tin của Hàn Quốc tới các nước ASEAN.

Các Bộ trưởng đã thông qua Kế hoạch Hành động ICT ASEAN-Hàn Quốc 2016 nhằm tiếp tục mở rộng hợp tác thành lập một hệ sinh thái cho các doanh nghiệp mới và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng cường nhân lực nữ ICT, xây dựng năng lực trong an ninh mạng cũng như thúc đẩy sự hội tụ của CNTT với các ngành công nghiệp khác thông qua phát triển các ứng dụng di động. Các Bộ trưởng nhất trí khởi động các chương trình dành cho giới trẻ và phụ nữ trong ASEAN để trở thành nguồn lực chính cho sự phát triển kinh tế thông qua hỗ trợ việc làm cho họ và các doanh nghiệp khởi động.

Đặc biệt, các Bộ trưởng hoan nghênh sự hỗ trợ của Hoa Kỳ trong việc thực hiện thành công các hoạt động thúc đẩy thương mại điện tử, kết nối băng thông rộng không dây và phân bổ tần số động. Hội nghị cũng đánh giá cao đề xuất của Hoa Kỳ về việc tham vấn với quan chức cấp cao để hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ mới nổi, thương mại điện tử, thu hẹp khoảng cách số và xây dựng năng lực.

Hôm qua, các Bộ trưởng cũng đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) giữa ASEAN với ITU về "Hợp tác chung về Phát triển ICT", với mong muốn tiếp tục tăng cường mối quan hệ công tác giá trị gữa ASEAN-ITU, tăng cường hơn nữa sự hợp tác và triển khai các hoạt động chung trong tương lai trong khuôn khổ của Biên bản ghi nhớ.

Các Bộ trưởng hoan nghênh ITU đã trợ giúp trong việc thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực ICT trong ASEAN, cũng như sự hỗ trợ có giá trị, trực tiếp của ITU được thực hiện ở một số quốc gia thành viên ASEAN trong các lĩnh vực viễn thông/chính sách và quy định ICT, an ninh mạng, quản lý dải tần, tích hợp kỹ thuật số, quá trình chuyển đổi từ truyền hình Analog sang Truyền hình kỹ thuật số mặt đất (DTTB) và các hoạt động xây dựng năng lực ICT liên quan khác.

Hội nghị TELMIN 15 được tổ chức tại Đà Nẵng, Việt Nam trong hai ngày 26- 27/11/2015. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Bắc Son là Chủ tịch Hội nghị. Các Bộ trưởng cũng đã tổ chức tham vấn với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU).

T.C