Bắt kịp xu hướng công nghệ; “bắt tay” đối tác lớn và tận dụng nguồn lực của các công ty danh tiếng. Đây là những bí quyết được nhiều chuyên gia  chia sẻ để  tăng  giá trị dịch vụ, nâng tầm Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới.

Nhanh chóng bắt kịp với xu hướng công nghệ mới

Đó là một trong những bí quyết vàng được các chuyên gia khuyến cáo để các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam tăng trưởng vượt bậc. Câu chuyện của FPT - công ty Việt Nam không ngừng tiên phong áp dụng các thành tựu công nghiệp trong việc xuất khẩu phần mềm là một ví dụ điển hình.

Dưới áp lực của cuộc khủng hoảng kinh tế trong giai đoạn 2009-2010, mảng xuất khẩu phần mềm của FPT và nhiều doanh nghiệp khác gặp không ít khó khăn. Đứng trước thử thách này, FPT đã tập trung đầu tư vào các công nghệ tiềm năng được xác định là xu hướng trong tương lai như Cloud, Mobility, Analytics, Big Data... và đạt được nhiều thành quả tích cực.

{keywords}
FPT và Airbus ký thỏa thuận hợp tác phát triển công nghệ trong lĩnh vực hàng không

Năm 2017, Airbus -hãng hàng không đứng thứ hai thế giới với doanh thu 67 tỷ euro đã đặt bút ký hợp tác với FPT về việc nghiên cứu phát triển các giải pháp trong lĩnh vực hàng không dựa trên nền tảng Skywise. Tại lễ ký kết với FPT, ông Marc Fontaine, Giám đốc Chuyển đổi số đầu tiên của Airbus khẳng định, “chúng tôi tìm kiếm những đối tác có năng lực, có sức cạnh tranh cao và có tiềm năng phát triển để hợp tác. Việt Nam nói chung và FPT nói riêng hội tụ đầy đủ các yếu tố này”.

Song hành cùng đối tác lớn

Việc hợp tác cùng với các doanh nghiệp lớn như GE, Amazon, Siemen… cũng là bí kíp giúp FPT nâng cao vị thế của mình. FPT đã trở thành đối tác tư vấn cấp cao đầu tiên tại khu vực ASEAN của Amazon Web Services (AWS); đối tác của Siemen về nền tảng công nghệ MindSphere và của GE về nền tảng công nghệ GE Predix…

“Điều quan trọng với chúng tôi đó là thay đổi và vào cuộc sớm, càng sớm càng tạo ra sức mạnh. Với khẩu hiệu “Cùng tiên phong trong cuộc cách mạng số ở Việt Nam và trên thế giới”, FPT hoàn toàn chủ động đi vào cuộc cách mạng này”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT nhấn mạnh.

Và kết quả là số lượng khách hàng là các công ty lớn nhất thế giới (có mặt trong danh sách Top Fortune 500) của FPT trong năm 2017 cũng tăng gấp 2,7 lần so với 2016.

Sáp nhập và tận dụng nguồn lực của các công ty danh tiếng

Đây được xem là một phương cách hữu hiệu để các doanh nghiệp phần mềm nhanh chóng mở rộng quy mô ở những quốc gia có tiềm năng về nguồn nhân lực để phục vụ chuỗi dịch vụ toàn cầu hoặc để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ chuyên ngành.

Kinh nghiệm này có thể được nhìn thấy từ các công ty CNTT lớn của Ấn Độ như Infosys, Wipro, Cognizant, Accenture. Chẳng hạn như thương vụ gần đây nhất của Cognizant mua Công ty tư vấn Hedera (Hedera Consulting) nhằm mở rộng khả năng tư vấn, kinh doanh và khả năng chuyển đổi kỹ thuật số của Cognizant cho các khách hàng ở Bỉ và Hà Lan. Hay như việc Cognizant mua Bolder Healthcare Solutions (Công ty cung cấp giải pháp cho các cơ sở y tế tại Mỹ) nhằm mở rộng danh mục giải pháp của Cognizant.

Học hỏi kinh nghiệm từ các tập đoàn này, năm 2014, FPT đã thực hiện thương vụ M&A tại nước ngoài đầu tiên, đây cũng là thương vụ M&A đầu tiên trong lĩnh vực CNTT của Việt Nam tại thị trường thế giới. Thương vụ này đã giúp FPT đẩy mạnh hoạt động tại thị trường châu Âu và mở rộng tập khách hàng trong lĩnh vực năng lượng.

Nói về tiềm năng của ngành phần mềm Việt Nam, Tạp chí Forbes nhấn mạnh: “Rất ít người nghĩ rằng Việt Nam có thể có được vị trí như Thung lũng Silicon (Silicon Valley) của Mỹ, thế nhưng Việt Nam có một tinh thần công nghệ và lực lượng lao động có trình độ không khỏi khiến người ta nghĩ về nhiều câu chuyện khởi đầu trong ngành công nghệ Mỹ trước đây”.

Theo ước tính, thị trường xuất khẩu của ngành phần mềm và dịch vụ CNTT của Việt Nam trong các năm qua đã đạt tốc độ phát triển khá cao, từ 15 - 25%/năm. Theo đánh giá của Công ty tư vấn A.T.Kearney, năm 2017, Việt Nam đã thăng hạng 5 bậc trong chỉ số dịch vụ Global Services Location Index. 

Các chuyên gia kinh tế nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đem đến cho ngành phần mềm và dịch vụ CNTT cơ hội vàng để phát triển mạnh, theo dự báo thị trường dịch vụ CNTT thế giới sẽ đạt 985 tỷ USD trong năm 2018 và dự kiến sẽ đạt 1.100 tỷ USD vào năm 2021.

Lệ Thanh