Một tài liệu mới giải mật hé lộ đã có một công ty Internet từng từ chối tuân thủ chỉ thị từ Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) về việc cho phép cơ quan này theo dõi khách hàng của họ. Đây là trường hợp đầu tiên trong ngành công nghiệp công nghệ được ghi nhận dám thẳng thừng bác bỏ yêu cầu như vậy của nhà chức trách Mỹ.

{keywords}

Tài liệu giải mật trên là một phán quyết của Tòa án theo dõi tình báo nước ngoài của Mỹ. Tuy nhiên, nó được công bố sau khi đã được biên tập rất kỹ, khiến người đọc không thể nhận diện được công ty công nghệ đã dũng cảm chống lệnh NSA.

Đáng chú ý, công ty bí ẩn nói trên đã không tuân thủ một sắc lệnh của NSA viện dẫn Mục 702 của Đạo luật theo dõi tình báo nước ngoài. Trong đó, Mục 702 có các quy định hậu thuẫn chương trình do thám nội địa PRISM của Mỹ và buộc các công ty phải cho phép NSA tiếp cận các hoạt động thông tin liên lạc quốc tế của người Mỹ.

Công ty công nghệ chống lệnh của NSA với lí do nếu tuân thủ sẽ xâm phạm các quyền theo Tu chính án Thứ nhất và thứ tư. Cụ thể, theo công ty này, nếu cung cấp thông tin cho NSA về các liên lạc quốc tế của khách hàng, công ty rốt cuộc cũng sẽ để lộ các hoạt động liên lạc nội địa của những công dân đó. Vì vậy, công ty tuyên bố, nếu NSA cần tiếp cận những thông tin như vậy, cơ quan này phải có trát của tòa.

Rốt cuộc, tòa đã bác bỏ các lí lẽ của công ty công nghệ giấu tên và buộc họ phải đáp ứng yêu cầu của NSA. Thẩm phán Rosemary Collyer, người giữ ghế chánh án trong vụ xét xử này, cho rằng công ty không cung cấp đủ lí do xác đáng để tòa vô hiệu hóa hoạt động theo dõi của NSA.

Do phán quyết đã được đưa ra từ năm 2014 nên bất kỳ hoạt động do thám nào xảy ra chắc chắn cũng đã có hậu quả.

Mục 702 của Đạo luật theo dõi tình báo nước ngoài dự kiến sẽ hết hạn vào cuối năm nay. Dư luận Mỹ hiện vẫn tranh cãi xem liệu quốc hội nước này có nên tái gia hạn các quy định này hay không.

Hồi tháng 4 vừa qua, NSA đã cam kết sẽ dừng mọi hoạt động thu thập email nội địa của người Mỹ, hoạt động chính các nhà phân tích của cơ quan này cũng ghi vẫn "vô tình" xảy ra vào năm 2016.

Tuấn Anh (Theo Engadget)