Theo CEO Hanel, để thành công doanh nghiệp phải có giá trị cốt lõi riêng, từ đó xây dựng ưu thế cạnh tranh bền vững. Tầm nhìn của Hanel là trở thành thương hiệu hàng đầu về công nghệ, thành công trong khu vực và vươn ra toàn cầu.

TS. Nguyễn Quốc Bình - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Hanel chia sẻ về những hoạt động của công ty.

Cơ hội tự đổi mới của doanh nghiệp

- Xin ông chia sẻ một số kết quả nổi bật trong 9 tháng đầu năm của Hanel?

Năm 2015, hoạt động của Hanel khá sôi nổi với hàng loạt các dự án đầu tư vào lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin và viễn thông. Tiêu biểu có thể kể đến như: Dự án xây dựng, hoàn thiện tích hợp hệ thống bản đồ số trên toàn tuyến quốc lộ đã hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào hoạt động từ 15/07/2015. Dự án “Thí điểm quản lý xử phạt vi phạm giao thông bằng hệ thống camera giám sát giao thông thông minh trên quốc lộ 1”. Dự án Quản lý bệnh án điện tử EMR (HL7) cung cấp giải pháp chuẩn hóa hồ sơ bệnh án điện tử đối với hệ thống y tế toàn quốc, đảm bảo tích hợp, trao đổi dữ liệu và tổng hợp báo cáo liên thông giữa các hệ thống và các cơ quan, tổ chức một cách thống nhất. Dự án xây dựng hệ thống báo cáo nội bộ của Bộ Y tế sẽ được hoàn thành vào cuối tháng 12/2015. Dự án cung cấp hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho Cục Đăng kiểm - Bộ Giao thông vận tải.

{keywords}
TS. Nguyễn Quốc Bình - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Hanel 
Bên cạnh đó, Hanel còn có nhiều dự án đầu tư sản xuất khác như: Dự án Khu Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội, Dự án Cảng thông quan nội địa Cổ Bi; Dự án sản xuất đầu thu kỹ thuật số STB… vẫn đang được Hanel và các đối tác triển khai theo đúng tiến độ.

- Ngoài nỗ lực thực hiện thành công nhiều dự án đột phá, Hanel sẽ phải hoàn tất kế hoạch cổ phần hóa trong năm nay. Ông nhìn nhận như thế nào về cơ hội và thách thức chờ đón Hanel sau khi cổ phần hóa?

Hanel xác định rõ việc thực hiện cổ phần hóa là thách thức lớn, nhưng đồng thời sẽ tạo cơ hội để doanh nghiệp tự đổi mới, nâng cao năng lực về nguồn nhân lực, cơ chế vận hành, chiến lược kinh doanh… Đây sẽ là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển của công ty. Đến thời điểm này Hanel đã thực hiện các bước theo đúng kế hoạch, phương án hoạt động sau cổ phần hóa đã cơ bản hoàn thành và đang được các cấp thẩm định phê duyệt.

{keywords}
Các đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút khai trương hệ thống dịch vụ công trực tuyến tại Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế)

Vươn ra biển lớn

- Là CEO của một thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ, ông đã “lèo lái” thế nào để Hanel đủ sức cạnh tranh, phát triển và khẳng định thương hiệu trên thị trường?

Để cạnh tranh thành công trong kinh doanh, doanh nghiệp phải có giá trị cốt lõi riêng và biết xây dựng ưu thế cạnh tranh bền vững dựa trên những giá trị ấy.

Hanel là doanh nghiệp khởi đầu từ lĩnh vực công nghiệp điện tử hơn 30 năm trước đây. Để có thể phát triển thành công từ nền kinh tế công nghiệp của thế kỷ 20 đến nền kinh tế tri thức của thế kỷ 21, giá trị cốt lõi của Hanel nằm ở tầm nhìn và năng lực làm chủ về công nghệ.

{keywords}
Lễ khai trương dịch vụ công trực tuyến mức 4 lĩnh vực đăng kiểm tham gia cơ chế 1 cửa quốc gia

Từ năm 2007, Ban lãnh đạo Hanel đã xác định chiến lược phát triển là phải làm chủ về mặt công nghệ. Hanel đã tìm kiếm đối tác, đầu tư dài hạn cho việc nghiên cứu phát triển các ứng dụng CNTT và cơ khí tự động hóa trong các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế.

Sau quá trình nghiên cứu và thử nghiệm thành công, Hanel đã đề xuất trực tiếp một loạt giải pháp ứng dụng CNTT đóng góp hiện đại hóa đất nước và đang được các bộ ngành quan tâm xem xét. Đó cũng là bước mở đầu cho giai đoạn bứt phá của Hanel với hàng loạt các dự án ứng dụng CNTT được triển khai, mang lại hiệu quả thiết thực cho công tác quản lý nhà nước, lợi ích xã hội, đồng thời khẳng định được thương hiệu Hanel.

Tầm nhìn của Hanel là trở thành thương hiệu hàng đầu về công nghệ, đủ sức cạnh tranh thành công trên thị trường khu vực và vươn ra toàn cầu. Ngoài CNTT, tự động hóa, Hanel còn chú trọng đến công nghệ sinh học, công nghệ Nano và các hệ thống điều khiển học.

- Việc hội nhập quốc tế bên cạnh rất nhiều cơ hội còn có những thách thức. Doanh nghiệp, doanh nhân Việt phải làm gì để trụ vững trước “sóng lớn” thưa ông?

Cơ hội chỉ mở ra đối với những doanh nghiệp có thể vượt qua những thách thức của hội nhập kinh tế toàn cầu khi VN thực thi cam kết hội nhập kinh tế thông qua các hiệp định đã ký kết với ASEAN, EU, Nga... và mới đây là hiệp định TPP. Doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn, có quá trình đầu tư để tạo nên giá trị cốt lõi, có năng lực cạnh tranh bền vững và luôn cập nhật những tiến bộ công nghệ, mới có thể vươn ra biển lớn và nắm bắt cơ hội do hội nhập kinh tế mang lại. Cuộc chơi toàn cầu đòi hỏi doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ cần hiểu biết sâu rộng, nhanh nhạy về thị trường và lĩnh vực kinh doanh của mình, mà còn phải có tầm nhìn, có tư duy táo bạo và biết huy động hiệu quả các nguồn lực để có thể biến tầm nhìn thành hiện thực.

Vĩnh Phú