- Trước đề xuất của Bộ Quốc phòng về việc chuyển nguyên trạng Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông (Học viện) về Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel quản lý, các chuyên gia viễn thông và giáo dục đều cho rằng, đây là việc hệ trọng của ngành, cần cân nhắc thấu đáo. Việc Học viện bị "chuyển chỗ" liên tục sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động đào tạo cũng như tâm tư của chính CBCNV, học viên.


{keywords}

Trao đổi với VietNamNet, ông Đặng Đình Lâm, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông (nay là Bộ TT&TT), cho biết bản thân ông khá ngỡ ngàng khi nhận được thông tin này. "Học viện vừa tách khỏi VNPT để chuyển về trực thuộc Bộ TT&TT chưa lâu (từ tháng 7/2014 - PV), nay lại đặt vấn đề chuyển đi khiến tôi rất ngạc nhiên. Việc thay đổi liên tục như vậy chắc chắn sẽ gây ra xáo trộn lớn cho Học viện", ông Lâm chia sẻ.

Học viện trực thuộc Bộ TT&TT là có lợi cho xã hội nhất!

"Trên thực tế, việc Học viện nhập về Bộ TT&TT là chủ trương rất hợp lý của Chính phủ, bởi khi ấy, Học viện sẽ không chỉ chăm lo cho việc đào tạo, nghiên cứu riêng cho Tập đoàn VNPT nữa, mà còn phục vụ nhu cầu nhân lực, nghiên cứu của cả ngành TT&TT nói chung".

Ông Lâm khẳng định, cá nhân ông rất đồng cảm với mong muốn của Viettel vì đúng là một Tập đoàn với quy mô và chiến lược kinh doanh mở rộng như Viettel phải có một cơ sở đào tạo & nghiên cứu lớn tương ứng. "Việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương cho Viettel xây dựng Trung tâm R&D là một điều rất đáng mừng cho Tập đoàn. Việc Viettel mong muốn nhanh có được một cơ sở đào tạo, nghiên cứu của riêng mình cũng là hợp lý và dễ hiểu. Tôi cũng tin là nếu về Viettel, Học viện cũng có thể phát huy được năng lực của mình, phục vụ cho các mục đích của Tập đoàn như đã nêu trong tờ trình.

Mặc dù vậy, có những câu hỏi chưa có lời giải đáp ở đây.

Nếu Học viện chuyển hẳn về Viettel thì ngành CNTT, các doanh nghiệp CNTT sẽ không còn cơ sở đào tạo & nghiên cứu quy mô quốc gia nữa. Trong khi đó, nguồn nhân lực CNTT - TT đang rất thiếu. Cơ sở đào tạo cũng thiếu. Việc Học viện về Viettel không giúp tăng năng lực đào tạo và nguồn cung nhân lực CNTT - TT cho xã hội. Muốn tăng, ta cần xây thêm các cơ sở đào tạo mới chứ việc "chuyển chỗ đơn thuần" không giải quyết được sự thiếu hụt đó, nguyên Thứ trưởng đặt vấn đề.

Nếu như Viettel cũng có một Học viện riêng và ngành TT&TT duy trì Học viện BC-VT thì hai cơ sở đào tạo này sẽ nâng tầm lẫn nhau lên.

Hơn nữa, một cơ sở đào tạo, nghiên cứu, cung cấp nhân lực TT&TT cho cả nước, phục vụ cả xã hội thì nên đặt ở đâu cho chính danh và hợp lý nhất? Bộ TT&TT đang có vị thế phù hợp nhất để chủ trì một cơ sở như vậy. Bất cứ một tập đoàn CNTT - TT lớn nào cũng cần R&D nhưng nếu đặt vấn đề "phục vụ chung cho xã hội, cho cả ngành TT&TT" thì trực thuộc Bộ mới là đúng, hài hòa lợi ích cho các bên, ông Lâm phân tích.

Sẽ là hợp lý hơn nếu Bộ vẫn duy trì Học viện và đầu tư, nâng tầm Học viện lên, đáp ứng cơn khát nhân lực CNTT - TT của nền kinh tế hiện nay. Vị cựu lãnh đạo ngành BCVT tin rằng, với năng lực, khả năng tài chính, sự hỗ trợ của Bộ Quốc Phòng, Viettel hoàn toàn xây dựng được một cơ sở nghiên cứu phục vụ mục đích, nhu cầu của riêng Tập đoàn trong một thời gian ngắn.

Có đúng với tinh thần Quyết định 888?

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Huy Luận, nguyên Giám đốc Trung tâm đào tạo Bưu chính viễn thông I (nay là Học viện) cũng nhấn mạnh rằng ngay từ khi được thành lập (1953), sự phát triển của Học viện đã luôn gắn liền với sự phát triển của ngành Bưu điện Việt Nam, đặc biệt là của Tập đoàn VNPT. Tập đoàn đã gây dựng, tạo điều kiện cho Học viện lớn mạnh và có sự phát triển vượt bậc trong thời gian qua, trở thành không những là một cơ sở đào tạo, nghiên cứu có uy tín trong hệ thống các trường đại học trên cả nước, mà còn là một cơ sở đào tạo, cung cấp nhân lực viễn thông, CNTT chất lượng cao cho VNPT nói riêng và ngành TT&TT nói chung.

{keywords}

Ông Nguyễn Huy Luận, Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo TT&TT, nguyên Giám đốc Trung tâm đào tạo Bưu chính viễn thông I (nay là Học viện).

Khi tách khỏi VNPT về trực thuộc Bộ TT&TT theo Quyết định 888 của Thủ tướng Chính phủ, đã có nhiều tâm tư, lưu luyến từ cả phía Tập đoàn lẫn Học viện, tuy nhiên, vì sự phát triển của học viện, vì khả năng nâng tầm hoạt động phục vụ cho xã hội, VNPT và Học viễn vẫn ủng hộ chủ trương này. "Tuy nhiên, nếu học viện lại tiếp tục được chuyển về Tập đoàn Viettel quản lý thì điều này không phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của CBCNV của VNPT cũng như của Học viện qua các thời kỳ, cũng không đúng với tinh thần của Quyết định số 888", ông Luận nêu quan điểm.

Chủ trương chung của Chính phủ khi tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước là Tập đoàn, tổng công ty lớn phải thoái vốn, dừng đầu tư ngoài ngành. Do đó, VNPT đã chuyển Học viện về Bộ TT&TT quản lý, giống như Đại học Điện lực chuyển từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam về Bộ Công thương quản lý.... Nếu Học viện chuyển về Viettel thì có phù hợp với chủ trương yêu cầu các doanh nghiệp dừng đầu tư ngoài ngành hay không, một chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi.

Với tư cách một nguyên lãnh đạo ngành Bưu điện và nguyên lãnh đạo Học viện, ông Luận kiến nghị Bộ TT&TT báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, không thực hiện việc chuyển giao Học viện về Tập đoàn Viettel quản lý. "Trong trường hợp nếu để một doanh nghiệp bưu chính viễn thông và CNTT quản lý học viện thì xin chuyển lại về Tập đoàn VNPT quản lý như trước đây", ông Luận nhấn mạnh.

Bản thân Tập đoàn VNPT, trong công văn gửi Bộ TT-TT mới đây, cũng đề nghị Bộ TT&TT xem xét tiếp tục để lại Học viện trực thuộc Bộ quản lý để đáp ứng nhu cầu về đào tạo CNTT-VT cho các DN trong ngành nói chung và VNPT nói riêng. VNPT nêu rõ, hiện nay tập đoàn cũng đang có nhu cầu rất lớn về đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ VNPT, cho hoạt động nghiên cứu triển khai gắn kết sản xuất kinh doanh, do đó rất cần đến sự hỗ trợ của Học viện. Hơn nữa, việc hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa VNPT và Học viện còn nhằm phát huy hiệu quả các nguồn lực (hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất, lao động) mà VNPT đã đầu tư cho Học viện trong những năm qua.

Học viện muốn "thoát" lệ thuộc doanh nghiệp!

Trao đổi với báo chí, ông Vũ Văn San, Phó Giám đốc phụ trách Học viện cho biết, như trong công văn kiến nghị mà nhà trường đã gửi lên Bộ TT&TT hôm 5/5, 100% đội ngũ cán bộ Học viện đều bày tỏ quan điểm không đồng ý với việc Học viện chuyển về Tập đoàn Viettel.

Kể từ tháng 7/2014, sau khi chính thức được VNPT bàn giao về Bộ TT&TT, cũng tức là sau 10 tháng chuyển đổi quản lý chủ sở hữu nhà nước, hoạt động của Học viện đã có nhiều khởi sắc. Học viện đã thực hiện chuyển đổi thành công từ đơn vị sự nghiệp được nhà nước bao cấp sang đơn vị tự chủ toàn bộ, hoạt động không cần tới ngân sách nhà nước. Quan trọng nhất, nếu như việc hoạt động dưới mô hình quản lý của doanh nghiệp khiến Học viện chịu sự chi phối của Doanh nghiệp, khó bắt tay với các Tập đoàn, doanh nghiệp CNTT lớn trong và ngoài nước để liên kết đào tạo, nghiên cứu thì việc trực thuộc Bộ chủ quản chuyên ngành CNTT - TT đã giúp Học viện được "cởi trói" hơn.

"Khi trực thuộc Bộ thì vị thế của chúng tôi được nâng lên, chúng tôi tự chủ trong việc mở rộng quy mô ngành nghề đào tạo, tự chủ trong tổ chức hội thảo quốc tế, tự chủ khi kết hợp cùng cơ quan tổ chức doanh nghiệp để nâng tầm đào tạo. Hiện tại, Học viện đang hợp tác cùng Samsung, Toshiba, MobiFone và hợp tác cùng nhiều trường Đại học quốc tế...", ông San chỉ ra.

Bản thân các cán bộ lãnh đạo trong ban giám hiệu, các khoa cũng chia sẻ thẳng thắn rằng, gần 1000 cán bộ, giảng viên Học viện rất tâm tư vì họ đã có quá trình lao động gắn bó nhiều năm với VNPT, nay lại phải chuyển sang một Doanh nghiệp khác. Ngay cả các phụ huynh và học viên, sinh viên nhà trường cũng rất băn khoăn, lo lắng bởi khi thi vào Học viện, họ không xác định theo học ở một trường trong lực lượng vũ trang. Tờ trình của Bộ Quốc Phòng gửi VPCP nêu rõ, nếu được phê duyệt cho chuyển Học viện về Viettel, phía Viettel sẽ nhanh chóng tổ chức lại mô hình Học viện để "phù hợp với thực tế và nhu cầu của Tập đoàn".

Mục tiêu của Viettel được xác định là xây dựng Trung tâm nghiên cứu công nghệ cao CNTT, viễn thông và vũ khí quân sự, ngược lại, Học viện có nhiều ngành đào tạo mang tính "phổ thông" như truyền thông đa phương tiện....Nếu "tổ chức lại", các khoa đào tạo sẽ được sắp xếp lại ra sao, các chuyên ngành đào tạo sẽ bị thay đổi như thế nào? Sinh viên đang theo học sẽ được Viettel sắp xếp như thế nào? Những lợi thế truyền thống của Học viện, các dự án đang hợp tác dở dang với MobiFone, VNPT, Samsung.... sẽ xử lý ra sao?

Xuất phát từ chính những thắc mắc, lo ngại và tâm tư này mà Học viện đã quyết định kiến nghị được tiếp tục là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ, không chuyển về Viettel như đề xuất của Bộ Quốc phòng. Theo quan điểm của Học viện, mô hình này sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho sự ổn định, phát triển của Học viện nói riêng và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển nguồn nhân lực ngành thông tin - truyền thông, cho các doanh nghiệp thông tin - truyền thông và cho xã hội. "Đây cũng là tâm nguyện và quyền lợi chính đáng của tập thể cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, học viên và sinh viên của Học viện", công văn kết luận.

Trọng Cầm