Liên minh Châu Âu (EU) vừa chính thức buộc tội Google vi phạm luật chống độc quyền, lạm dụng sự thống trị trong tìm kiếm để ưu ái các kết quả mua sắm của mình. Hãng tìm kiếm Internet lớn nhất thế giới có thể bị phạt tới 6 tỷ USD.

Ngoài ra, các nhà chức trách cũng tiến hành cuộc điều tra hoàn toàn mới nhằm vào Android để xem Google có cố tình bóp nghẹt hệ điều hành đối thủ không. Như vậy, EU đang tấn công trực diện vào hai yếu tố quan trọng trong kinh doanh của Google là tìm kiếm và Android.

{keywords}

Về mảng tìm kiếm, EU đưa ra tuyên bố phản đối, kết luận pháp lý sơ bộ, tố cáo Google ưu tiên kết quả tìm kiếm của riêng mình trong dịch vụ mua sắm trực tuyến so với các đối thủ khác. Công ty Mỹ có 10 tuần để hồi đáp trước khi lời buộc tội chính thức được tuyên.

Theo Ủy viên Cạnh tranh của EU, Margrethe Vestager, “sự thống trị không phải vấn đề nói chung và theo luật EU nói riêng. Tuy nhiên, các hãng thống trị cần có trách nhiệm không lạm dụng vị thế để cản trở cạnh tranh”. Ủy ban có thể phạt Google tối đa 10% doanh thu thường niên, tức hơn 6 tỷ USD.

Bà Vestager nhấn mạnh nhà chức trách không đòi hỏi Google thay đổi thuật toán hay trừng phạt Google vì khả năng tìm kiếm ưu việt. Dù phán quyết ban đầu chỉ giới hạn trong dịch vụ mua sắm, mọi chuyện có thể chưa kết thúc ở đây. EU sẽ tiếp tục quan sát Google trong các lĩnh vực khác như tìm kiếm chuyến bay, khách sạn, bản đồ (Maps). Nếu chứng minh có bi phạm, vụ kiện liên quan đến kết quả mua sắm sẽ dẫn đến tiền lệ rộng hơn để thiết lập quy định cạnh tranh của EU trong các trường hợp khác mà trong đó Google ưu ái dịch vụ riêng.

Cuộc điều tra chống độc quyền của EU đã bước sang năm thứ 5. Đây được xem là kết quả của áp lực chính trị từ những đối thủ nhỏ hơn của Google tại châu Âu. Tuy nhiên, bà Vestager khẳng định vụ việc không mang tính chất địa phương khi có 1/4 đơn kiện là từ các công ty Mỹ.

Về Android, cuộc điều tra của EU sẽ đào sâu vào các thương vụ với các nhà sản xuất smartphone, tablet trong đó yêu cầu cài sẵn hoặc tích hợp sẵn các dịch vụ của Google. Ngoài ra, EU còn tìm hiểu các hạn chế của Google đối với phiên bản Android tùy biến.

Trong vài năm gần đây, Google tăng cường các yêu cầu đối với các đối tác phần cứng Android nhằm kiểm soát tốt hơn hệ điều hành này. Google đã phải dàn xếp với Ủy ban Thương mại Mỹ (FTC) và Hàn Quốc năm 2013. Để đáp trả cuộc điều tra của EU, Google rất có thể lôi các công ty khác có hành vi tương tự vào cuộc như Facebook, Microsoft.

Khi được hỏi liệu phán quyết có áp dụng cho các công ty Mỹ đang hoạt động tại châu Âu hay không, bà Vestager trả lời lấp lửng: “Đối với tôi, con đường đang rộng mở. Tôi muốn nghe Google nói gì”. Mặt khác, theo Re/code, Google dự định biện hộ cho mình. Sáng 15/4, Google đưa ra tuyên bố về cuộc điều tra Android và kết quả tố cáo độc quyền. Ông Amit Singhal, Phó Chủ tịch Tìm kiếm, viết: Google “tôn trọng nhưng bất đồng sâu sắc” trước EU và sẽ làm sáng tỏ vấn đề.

Theo ICTnews/Re/code